“Thắt tài khóa, mở tiền tệ sẽ hạ được lãi suất”
(Tài chính) Giảm lãi suất cho vay là việc rất cần đối với doanh nghiệp, nhưng dư địa thực tế không nhiều.
Nút thắt khó cởi
Theo báo cáo của CIEM, thì giảm lãi suất cho vay là việc rất cần đối với doanh nghiệp, nhưng dư địa thực tế không nhiều, đây chính là một nút thắt đối với nền kinh tế Việt Nam.
Việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng, nguyên nhân được Viện trưởng Cung chỉ ra là do tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại khác nhau, nói chung là chưa lành mạnh. Hoạt động cho vay mới còn hạn chế, phần không nhỏ là đáo hạn để giảm lãi suất khoản vay cũ.
Ngoài ra, trái phiếu và huy động khác của Chính phủ quá lớn chèn ép tín dụng của khu vực tư nhân và năm 2015 Chính phủ dự kiến tung một khoản khổng lồ trái phiếu Chính phủ ra thị trường.
Mặt khác, USD lên giá thì lãi suất USD sẽ tăng, phải duy trì khoảng cách nhất định khoảng cách VND - USD để hạn chế đô la hóa.
Vì vậy, việc hạ lãi suất khó diễn ra trên diện rộng mà chỉ có thể thông qua một số ngân hàng, một số đối tượng chứ không rải đều trên thị trường. Nhưng giảm lãi suất đều trên thị trường thì mới giảm chi phí cho doanh nghiệp, thị trường tín dụng mới vận hành đúng theo thị trường, ông Cung nhấn mạnh.
Viện trưởng CIEM cũng cho rằng cần thay đổi chính sách tín dụng và cách điều hành chính sách này.
Quan điểm của ông Cung là điều hành tín dụng phải gắn với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung - dài hạn, dựa trên nền tảng ổn định lạm phát ở mức thấp để neo kỳ vọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Cho rằng hiện nay có quá nhiều tín dụng theo mục tiêu, làm méo mó tị trường tín dụng, bắt chính sách tiền tệ gánh thêm một số chức năng của tài khóa, ông Cung đề nghị, bỏ trần khống chế tín dụng với từng ngân hàng vì nó đã không có tác dụng.
Đồng thời cần bỏ chỉ tiêu tăng tín dụng để tín dụng chạy đúng theo thị trường, không chạy theo thành tích về lượng vì có thể kéo theo những hình thức nới lỏng có nhiều hệ lụy (tín dụng ngoại tệ, tín dụng cho bất động sản, tín dụng dưới chuẩn…).
Hạn chế dần các đối xử khác biệt cho các nhóm lĩnh vực được ưu tiên, nhóm bị hạn chế để tạo thị trường tín dụng cạnh tranh, ít méo mó hơn; làm cho các tổ chức tín dụng chủ động hơn và định hướng thị trường nhiều hơn trong tìm kiếm khách hàng và phân bổ tín dụng cũng là quan điểm được ông Cung đề cập tại báo cáo.
Mở đường cho giảm lãi suất
Liên quan đến xử lý nợ xấu, ông Cung cho rằng cho đến nay vẫn chưa thể trả lời là số nợ xấu thực là bao nhiêu, ở đâu, lấy tiền đâu để xử lý, tức bù đắp số vốn đã mất của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, xử lý nợ xấu có thể có câu trả lời, nếu thiết lập được thị trường mua bán nợ đầy đủ, để người bán có thể bán được, người mua có thể mua được theo thị trường.
Ban hành một luật đặc biệt có hiệu lực 5-7 năm, chỉ xử lý tài sản thế chấp gắn với nợ xấu là kiến nghị của Viện trưởng CIEM, với lý lẽ là không phải sửa các đạo luật khác, không đụng đến các nền tảng chính trị của hệ thống pháp luật.
Chính sách tiền tệ nên kết hợp với chính sách tài khóa như thế nào cũng là câu hỏi được bàn luận tại báo cáo của CIEM.
Ông Cung cho rằng cho đến nay, tiền tệ ít độc lập và “chạy theo tài khóa” trong khi tài khóa hầu như luôn mở rộng. Quan điểm được đưa ra tại báo cáo là sắp tới đây, chính sách tài khóa cần chủ động thắt chặt trong trung hạn, mở đường để chính sách tiền tệ nới lỏng.
Cụ thể, không cố định thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 5% GDP mỗi năm mà phải giảm dần xuống, tránh hoạch toán thu bao nhiêu, chi bấy nhiêu, giảm áp lực nợ công, tạo điều kiện mở đường cho giảm lãi suất.
Như vậy, vốn sẽ chạy về khu vực doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn là nằm ở khu vực doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc phần nhiều vào kết quả của tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng.