“Bức tranh” sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm
Những thành công nổi bật
Theo số liệu từ Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), chỉ số công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 10,3%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2014, IIP tăng 6,2%. Đóng góp vào mức tăng ấn tượng đó, có thể kể ra các ngành, lĩnh vực chủ đạo sau đây:
Thứ nhất, ngành chế biến, chế tạo duy trì mức tăng cao hơn mặt bằng chung: Tính ra trong 7 tháng đầu năm, lĩnh vực chế biến, chế tạo có mức tăng 8,1% (quý I tăng 7,4%; quý II tăng 8,6%), đóng góp 5,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung của sản xuất công nghiệp. Trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%; riêng ngành khai khoáng tiếp tục giảm ở mức 1,7%, làm giảm 0,4 điểm phần trăm mức tăng chung.
Thứ hai, nhiều ngành sản xuất có sự phục hồi ấn tượng, tăng trưởng hai con số. Trong các ngành sản xuất, sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học 7 tháng đầu năm tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực sản xuất xe có động cơ tăng 21,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,5%; dệt tăng 19,2%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 18,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 14,7%; sản xuất trang phục tăng 12%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%. Tuy tăng trưởng chưa đạt hai con số nhưng có thể kể đến một số ngành có mức tăng khá như sản xuất kim loại tăng 9,9%; sản xuất đồ uống tăng 7,2%.
Thứ ba, một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao, góp phần giúp sản xuất phục hồi. So với cùng kỳ năm 2013, một số sản phẩm đạt mức tăng 7 tháng cao có thể kể đến điện thoại di động tăng 37,8%; ô tô tăng 27,3%; thép cán tăng 23,8%; tivi tăng 23,3%; giày, dép da tăng 19,5%; sữa tươi tăng 17,4%; điện sản xuất tăng 11,9%; thủy hải sản chế biến tăng 11,4%; quần áo tăng 10,6%...
Thứ tư, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương duy trì mức tăng ấn tượng. Cụ thể, Đà Nẵng tăng 10,8%; Quảng Nam tăng 10,2%; Hải Phòng tăng 10%; Hải Dương tăng 8,4%; Đồng Nai tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%; Cần Thơ tăng 7,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,2%.
Thứ năm, số lao động trong khu vực công nghiệp tăng khá và đây là điểm sáng rất ý nghĩa. Cụ thể, chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (DN) công nghiệp tại thời điểm 1/7/2014 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực DN ngoài Nhà nước tăng 5,1% và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,9%; các doanh nghiệp công nghiệp khai khoáng tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện tăng 3,2%; công nghiệp cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4%.
Chỉ số sử dụng lao động trong các DN của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn như: Quảng Ninh tăng 11,1% so với cùng thời điểm năm trước; Vĩnh Phúc tăng 8,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 6,3%; Quảng Nam tăng 6,2%; Đồng Nai tăng 4,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 2,4%; Bắc Ninh tăng 2,1%; Đà Nẵng tăng 1,9%; Hải Phòng tăng 1,7%; Cần Thơ tăng 0,6%; Bình Dương tăng 0,2%; Hà Nội tăng 0,2%; Hải Dương giảm 0,1%; Quảng Ngãi giảm 1%.
Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành công nổi bật nói trên, “bức tranh” sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
Một là, chỉ số hàng tồn kho tại một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn cao. Tại thời điểm ngày 1/7/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 8,8% của cùng thời điểm năm trước và cao hơn mức tăng 12,8% của cùng thời điểm tháng 6/2014. Dù số ít ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 8,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 4,5%; dệt tăng 1,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 12,3%... Tuy nhiên, một số ngành lại có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 41,9%; sản xuất kim loại tăng 40,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 38,4%; sản xuất trang phục tăng 36,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 30,4%. Đây là “bài toán” cần lời giải hữu hiệu trong những tháng cuối năm 2014…
Hai là, một số ngành công nghiệp có tăng trưởng nhưng còn thấp hơn mức chung, hoặc giảm. Có thể kể đến sản xuất, chế biến thực phẩm 7 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 5,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 3,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 3%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 2,6%. Một lĩnh vực trọng yếu không tăng, tuy chỉ là nhất thời, đó là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 0,8%; khai thác than cứng và than non giảm 3,4%; sản xuất thuốc lá giảm 12,4%... Tuy nhiên, các lĩnh vực này cũng góp phần làm giảm mức tăng chung.
Ba là, một số địa phương có tăng trưởng nhưng thấp hơn mức chung, là Hà Nội tăng 4,2%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,3%, Quảng Ninh tăng 1,3%, Bắc Ninh giảm 2,4%, Quảng Ngãi giảm 21,7%.
Bốn là, tăng trưởng lao động của khu vực kinh tế nhà nước còn thấp. Trong mức tăng 4,3% chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp tại thời điểm 1/7/2014, tỷ lệ gia tăng của lao động khu vực DNNN chỉ đạt 1,5%, chưa bằng 1/3 khu vực doanh nghiệp tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (tỷ lệ tăng trưởng về lao động của hai khu vực này lần lượt là 5,1 % và 4,9%). Như vậy, dù chiếm tỷ trọng lớn về vốn và mức độ đầu tư nhưng vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động của khu vực DNNN vẫn còn nhiều hạn chế.
Giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tập trung nắm bắt từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp như hiện nay; nỗ lực khơi thông tín dụng cho khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt ưu tiên những DN sử dụng nhiều lao động.
Thứ hai, đẩy mạnh xuất khẩu kết hợp với kích cầu nội địa nhằm góp phần giảm hàng tồn kho và thúc đẩy tăng trưởng những ngành sản xuất công nghiệp đang là thế mạnh của Việt Nam. Đẩy mạnh quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN góp phần đưa khu vực này là đầu tàu về đóng góp tăng trưởng công nghiệp về giá trị cũng như lao động.
Thứ ba, đẩy nhanh quá trình đàm phán các hiệp định thương mại quan trọng của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây sẽ là cánh cửa rộng mở mới, đưa nhiều ngành công nghiệp Việt Nam chinh phục các thị trường nói trên và cho phép các khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam trở nên cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, từ đó hỗ trợ công nghiệp phát triển.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, hình thành chuỗi cung ứng gắn với các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ… nhằm giúp cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công Thương;
2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2014;
3. Báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam những tháng cuối năm 2014 của HSBC;
4. Các báo điện tử: Tapchitaichinh.vn; VnEconomy.
Thấy gì từ “bức tranh” sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm
(Tài chính) Là lĩnh vực đóng vai trò chủ đạo trong phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chỉ số của sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2014 tiếp tục cho thấy một số tín hiệu lạc quan. Đặc biệt, chỉ riêng tháng 7/2014, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của nước ta tăng khoảng 7,5%, cao hơn khá nhiều mức tăng 5,3% của quý I/2014 và nhỉnh hơn mức 6,9% của quý II/2014.
Xem thêm