Chiến lược quản lý nợ công của một số nước
Colombia
Thuộc khu vực Mỹ la tinh được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô ở mức ổn định (trên 4%) và nợ công an toàn khi trong vòng 10 năm trở lại đây duy trì ổn định ở mức trung bình là 40% GDP với khoản nợ trong nước luôn chiếm tỷ trọng trên 70%. Trong hai năm 2012 và 2013, nợ công của Colombia lần lượt ở mức 32% GDP và 35% GDP.
Xác định được tầm quan trọng của chiến lược quản lý nợ công, Colombia đã xây dựng mục tiêu quản lý nợ công giai đoạn 2012 – 2017, để kịp thời đảm bảo an ninh tài chính cho ngân sách nhà nước trong mỗi kỳ tài chính, đồng thời giảm thiểu chi phí trung hạn của các khoản nợ có rủi ro hợp lý và tạo cơ sở phát triển thị trường vốn trong nước.
Về danh mục nợ chuẩn: Sau khi phân tích thực trạng tình hình nợ công hiện tại, Comlombia thiết lập danh mục nợ chuẩn theo bảng để đảm bảo mục tiêu quản lý nợ công.
Căn cứ vào danh mục nợ chuẩn, Colombia xây dựng kế hoạch phát hành các công cụ nợ với cấu trúc như sau:
- Về tiền tệ: Ngoài hai đồng nội tệ là Peso (COP) và đồng Unidad de Valor Real (UVR), nước này đã lựa chọn lưu hành đồng ngoại tệ duy nhất là USD vì USD có tỷ lệ dư nợ thấp so với các ngoại tệ khác.
- Về kỳ hạn: Hai đồng nội tệ COP và UVR của nước này đều được phát hành ở cả ba mức kỳ hạn (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) trong đó đồng ngoại tệ (USD) được cho phép phát hành với kỳ hạn dài hơn so với đồng nội tệ, đồng UVR được cho phép phát hành ở mức kỳ hạn dài hơn so với đồng COP do không có nguy cơ bị giảm giá trị thực tế trong kịch bản lạm phát cao.
- Lãi suất: Trái phiếu chủ yếu được phát hành với lãi suất cố định căn cứ vào lãi suất thị trường và thanh toán hằng năm, đối với trái phiếu bằng USD kỳ hạn 5 năm thanh toán theo quý.
Phân tích chi phí, rủi ro: Căn cứ vào mức lãi suất phát hành trung bình được xác định trong vòng 10 năm của các loại đồng tiền, cụ thể: COP (7,27%/năm), UVR (4,15%/ năm), USD (4,32%/năm) các nhà quản lý nợ đã xây dựng 3 chiến lược phát hành nợ:
- Chiến lược 1: 100% đồng COP và 0% đồng USD với mục tiêu đến năm 2017, 90% giá trị đồng COP trong tổng danh mục nợ.
- Chiến lược 2: 80% đồng COP và 20% đồng USD với mục tiêu đến năm 2017 là 75% đồng COP và 25% đồng USD trong tổng danh mục nợ.
- Chiến lược 3: 50% đồng COP và 50% đồng USD nhằm giảm tỷ lệ nợ bằng đồng COP trong tổng danh mục nợ còn 60% vào năm 2017.
Để đánh giá hiệu quả của mỗi chiến lược, mô hình định lượng RcaR được sử dụng để xác định mức độ rủi ro và chi phí. Kết quả phân tích như sau:
Dựa vào kết quả phân tích, để cân bằng giữa chi phí và rủi ro và các mục tiêu quản lý nợ công, chiến lược phát hành thứ 2 (80% COP và 20% USD) cho kết quả khả quan nhất và được áp dụng để xây dựng cơ cấu danh mục nợ chuẩn...
Ấn Độ
Cấu trúc danh mục nợ của Ấn Độ là ổn định và hợp lý do chiến lược nợ của nước này tập trung vào các công cụ nợ có thời hạn dài, tỷ lệ nợ nước ngoài và mức độ rủi ro thấp. Tỷ lệ nợ công/GDP của Ấn Độ trong 10 năm qua có xu hướng giảm, ít chịu tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài. Dự kiến, đến năm 2014, Bộ Tài chính Ấn Độ dự kiến giảm nợ công từ 84,06% xuống còn 67,72%.
Chiến lược quản lý nợ của Ấn Độ tập trung vào ba vấn đề cốt lõi: (i) Giảm thiểu chi phí; (ii) Giảm thiểu rủi ro; (iii) Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Cụ thể:
- Để giảm thiểu chi phí trong trung và dài hạn, Ấn Độ tập trung xây dựng chiến lược phát hành thích hợp và phát triển thị trường tài chính. Lịch phát hành các khoản vay trên thị trường được thông báo trước một năm với chi tiết về khối lượng phát hành mỗi tuần, kỳ hạn… Một tuần trước khi thực hiện đấu giá, các chứng khoán riêng lẻ và quy mô phát hành cũng sẽ được công bố công khai. Hoạt động này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quản lý nợ.
- Giảm thiểu rủi ro: Các loại rủi ro cần phải tăng cường quản lý trong danh mục nợ bao gồm: rủi ro tái đầu tư, rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất… Đối với rủi ro tỷ giá, việc duy trì một tỷ lệ hợp lý giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài trong danh mục đầu tư là cần thiết bởi với lượng nợ nước ngoài lớn có thể đạt được hiệu quả về chi phí nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính quốc tế.
- Phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ: Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) Ấn Độ đã có sự chuyển biến đáng kể về quy mô, sự mở rộng của các nhà đầu tư, các công cụ mới thành lập, các nhà bảo lãnh phát hành và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho các giao dịch điện tử. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tập trung vào việc cải thiện tính thanh khoản trên thị trường nợ từ việc tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình thị trường.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nợ công của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần lựa chọn linh hoạt các công cụ quản lý nợ công và đa dạng hóa các nguồn tài trợ phải phù phù hợp với tình hình thị trường. Lựa chọn loại tiền tệ và thị trường phát hành cho phép phân bổ các khoản nợ phát sinh phù hợp theo thời gian trong trường hợp thị trường biến động, từ đó, giảm chi phí huy động vốn. Thị trường trong nước vẫn là nguồn tài trợ chính cho nhu cầu vay vốn của Nhà nước và nguồn vốn huy động trên thị trường quốc tế sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho nhu cầu vốn trong nước.
Thứ hai, để đáp ứng nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ cần đảm bảo sự đa dạng hoá các nguồn tài trợ dựa trên sự tham gia vào các thị trường tài chính lớn; sử dụng các hình thức tiếp cận tài chính hấp dẫn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong trường hợp thị trường trong nước tạm thời thiếu ổn định, có thể thực hiện phát hành TPCP đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường trong nước..
Thứ ba, cần tối ưu hoá cấu trúc giữa chi phí và rủi ro trong danh mục nợ, tập trung vào việc phát triển thị trường nợ (thị trường TPCP) theo hướng tăng tính thanh khoản, tăng hiệu quả và minh bạch của thị trường. Muốn làm được điều đó, cần tập trung giảm thiểu chi phí phát hành trên thị trường sơ cấp và chi phí giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Thứ tư, cơ quan quản lý nợ cần theo dõi, đánh giá cẩn thận và quản lý rủi ro liên quan đến ngoại tệ, ngắn hạn và các khoản nợ có lãi suất thả nổi để giảm thiểu và kiểm soát rủi ro.
Thứ năm, cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu các chỉ báo liên quan đến nợ công để có những cảnh báo sớm về các rủi ro; thực hiện báo cáo đầy đủ, kịp thời và có trách nhiệm với cơ quan cấp trên về rủi ro nợ công để phối hợp thực hiện hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Ministry of Finance and Public Credit (Colombia, 2013), Colombian medium - Term Debt management strategy;
2. Shri Harun R Khan, Deputy Governor, Reserve Bank of India, Public Debt Management: Reflections on Strategy & Structure, Bangalore on August 11th, 2014).
Thấy gì từ kinh nghiệm xây dựng chiến lược quản lý nợ công của một số nước?
(Tài chính) Chiến lược quản lý nợ công là một trong những công cụ quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong quản lý nợ công của các quốc gia. Kinh nghiệm của một số nước trong chiến lược quản lý nợ công duy trì ở mức ổn định và tương đối bền vững tại thời điểm hiện nay sẽ là bài học hữu ích cho Việt Nam tham khảo.
Xem thêm