Thấy gì từ phát hành thẻ tín dụng và cấp hạn mức tín dụng tại một số nước trên thế giới?
Thẻ tín dụng là một trong những loại thẻ ngân hàng được nhiều người sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, việc người dùng không hiểu rõ bản chất của loại thẻ này có thể dẫn tới những hệ lụy khi sử dụng, trong đó tình trạng phổ biến là rút tiền mặt từ thẻ tín dụng ở Việt Nam có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán của người dùng và nợ xấu của ngân hàng. Để khắc phục tình trạng này, bài viết trao đổi về một số vấn đề liên quan đến thẻ tín dụng ở một số nước phát triển trên thế giới, trên cơ sở đó đưa ra một số kinh nghiệm và khuyến nghị đối với Việt Nam.
Cơ sở, điều kiện để cấp tín dụng, phát hành thẻ tín dụng và hạn mức tín dụng
Trên thế giới, cơ sở, điều kiện để cấp tín dụng, phát hành thẻ tín dụng và hạn mức tín dụng cấp cho người dùng được quy định rất chặt chẽ nhằm tránh những hệ lụy kinh tế - xã hội cho cả người vay lẫn hệ thống tài chính – ngân hàng. Thông thường, theo quy định, mỗi công dân sinh sống tại châu Âu và một số quốc gia phát triển của châu Mỹ sẽ phải có một hệ số điểm đánh giá tín dụng cá nhân (TDCN) cho riêng mình, để dựa vào đó, các tổ chức tài chính ngân hàng đưa ra quyết định có phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng (người dùng) hay không và nếu có thì hạn mức sẽ là bao nhiêu.
Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết các quốc gia châu Âu và một số quốc gia phát triển của châu Mỹ đều có hệ thống đánh giá điểm TDCN của từng công dân. Chẳng hạn như: Tại Thụy Điển, điểm tín dụng của mỗi cá nhân được thiết lập thông qua lịch sử trả nợ, thanh toán hóa đơn, đóng thuế được tích hợp vào số định danh cá nhân quốc gia của mỗi người. Tại Na Uy, dịch vụ cung cấp điểm tín dụng thông qua Tổ chức Dun & Bradstreet, Experian and Lindorff Decision với hệ thống đánh giá điểm TDCN có thang điểm từ 300 - 900 điểm...
Trong khi đó, ở Canada đã xây dựng được nhiều mô hình đánh giá hệ số điểm TDCN từ mức thấp nhất 300 điểm đến mức cao nhất 900 điểm. Cụ thể, Canada xây dựng hệ thống điểm tín dụng riêng, trong đó, cách thức đánh giá của 2 tổ chức đánh giá được công nhận chính thức tại nước này là: Equifax và TransUnion đều có thang điểm tín dụng từ 300 - 900 điểm.
Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống đánh giá hệ số tín dụng của người dùng tiến bộ, chặt chẽ nhất. Cụ thể, Hoa Kỳ hiện có 4 hệ thống đánh giá điểm tín dụng của công dân do Tổ chức FICO Hoa Kỳ (tổ chức có hệ thống đánh giá điểm tín dụng uy tín và được nhiều tổ chức tín dụng sử dụng nhất) xây dựng, bao gồm:
- Thang điểm Ranges, gồm nhiều loại điểm tín dụng: Điểm tín dụng sử dụng để đánh giá tổng quan tín nhiệm tín dụng của người tiêu dùng có mức điểm từ 300 điểm đến 850 điểm; Điểm tín dụng dùng cho phát hành thẻ ngân hàng có thang điểm từ 250 điểm đến 900 điểm; Điểm tín dụng dùng cho khoản vay có tài sản có thang điểm từ 300 điểm đến 850 điểm…
- Thang điểm đánh giá NextGen Risk Score chuyên dùng để đánh giá mức độ rủi ro của người dùng. Hệ thống này có thang điểm đánh giá mức rủi ro trong TDCN trong nước từ 150 điểm đến 950 điểm.
- Thang điểm đánh giá Vantage Score chuyên dùng để đánh giá thang điểm tín dụng của công dân Hoa Kỳ thông qua tài liệu các vụ án tranh chấp, kiện tụng liên quan đến TDCN được Tòa án liên bang tổng hợp để ghi nhận tín nhiệm trong hoạt động tín dụng của mỗi công dân. Hệ thống này có thang điểm đánh giá từ 300 điểm đến 850 điểm.
- Thang điểm đánh giá FICO SBSS chuyên dùng để đánh giá điểm tín dụng đối với các tổ chức kinh doanh Hoa Kỳ có quy mô nhỏ (các doanh nghiệp nhỏ). Thang điểm này có mức từ 0 điểm đến 300 điểm. Mức tối thiểu để được phê duyệt khoản vay phải đạt 140 điểm, tuy nhiên thông thường các tổ chức cho vay chỉ chấp nhận điểm thấp nhất để phê duyệt khoản vay là 160 điểm.
- Hệ thống thang điểm non-FICO Score (bảng điểm tín dụng mang tính học thuật). Đây là bảng điểm do các chuyên gia của Tổ chức FAKO thiết lập để chỉ sử dụng vào mục đích học thuật, với thang điểm đánh giá từ 330 đến 830 điểm.
Ngoài ra, hệ thống thang điểm CE Score do Tổ chức Community Empower (Hoa Kỳ) xây dựng và được công bố trên website Community Empower and iQualifier.com. Bảng điểm này được cung cấp cho hơn 6.500 tổ chức cho vay thông qua mạng Credit Plus, cung cấp miễn phí cho người tiêu dùng. Hệ thống này có thang điểm đánh giá từ 350 điểm đến 850 điểm.
Có vài điểm khác biệt chính trong cách đánh giá điểm TDCN của người tiêu dùng tại Canada so với Hoa Kỳ. Chẳng hạn như: Người dân Canada có thể yêu cầu được cung cấp 01 bản sao miễn phí báo cáo điểm tín dụng của họ bất kỳ lúc nào họ yêu cầu trong một năm, miễn sao phải viết đơn và đề nghị cung cấp qua mail (chỉ được cung cấp bản in qua mail). Trong khi đó, mỗi công dân Hoa Kỳ chỉ được cung cấp duy nhất 01 bản sao miễn phí báo cáo điểm tín dụng của họ 01 lần trong một năm.
Các yếu tố để thiết lập điểm tín dụng của người dùng
Thông thường, theo quy định, mỗi công dân sinh sống tại châu Âu và một số quốc gia phát triển của châu Mỹ sẽ phải có một hệ số điểm đánh giá tín dụng cá nhân cho riêng mình để dựa vào đó, các tổ chức tài chính ngân hàng đưa ra quyết định có phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng (người dùng) hay không và nếu có thì hạn mức sẽ là bao nhiêu.
Cơ sở để thiết lập điểm tín dụng cho khách hàng rất quan trọng, bởi các tổ chức tín dụng cần phải có cơ sở, các nguồn thông tin về tình hình hình tài chính, năng lực tài chính của khách hàng để đưa ra quyết định có cho vay hay không. Các quốc gia phát triển trên thế giới nói chung đều đựa trên các yếu tố lịch sử như: Các khoản nợ phát sinh và hiện tại, lịch sử trả nợ, các loại tín dụng mà khách hàng đang tham gia...
Tại các quốc gia phát triển, Canada và Hoa Kỳ là 2 quốc gia tiêu biểu đưa ra nhiều tiêu chí để xây dựng điểm tín dụng cho người dùng, cụ thể:
- Lịch sử thanh toán: Chiếm tỷ lệ 35% trong việc hình thành nên bảng điểm tín dụng của mỗi cá nhân. Những yếu tố ảnh hưởng đến tiêu chí này gồm: sự vỡ nợ, các khoản vay thế chấp đến hạn chưa trả, phán quyết của tòa về tranh chấp, sự thanh toán chậm các khoản vay đến hạn, đáo hạn, cấn trừ nợ, phát mãi…
- Các khoản nợ đã phát sinh: Chiếm tỷ lệ 30% trong việc hình thành nên bảng điểm tín dụng của mỗi cá nhân. Những yếu tố để tính toán tiêu chí này gồm: khoản nợ đối với hạn mức, số dư của các tài khoản ngân hàng, khoản trả nợ giảm so với khoản vay…
- Độ dài của lịch sử tín dụng: Chiếm tỷ lệ 15% trong việc hình thành nên bảng điểm tín dụng của mỗi cá nhân. Những yếu tố để tính toán tiêu chí này gồm: lịch sử tín dụng mà có thể có một tác động tích cực đến hệ thống điểm tín dụng của FICO. Có 2 hệ tiêu chuẩn đo lường đối với loại này, chính là độ tuổi trung bình của những tài khoản và độ tuổi của tài khoản được hình thành lâu đời nhất.
- Các loại tín dụng đã được cấp: Chiếm tỷ lệ 10% trong việc hình thành nên bảng điểm tín dụng của mỗi cá nhân. Người tiêu dùng có thể có nhiều lợi ích, nếu họ có một lịch sử tín dụng gồm nhiều loại tín dụng khác nhau.
- Các nghiên cứu khảo sát gần nhất về tín dụng: Chiếm tỷ lệ 10% trong việc hình thành nên bảng điểm tín dụng của mỗi cá nhân. Tiêu chí này bao gồm, nhiều yêu cầu tín dụng khắt khe đối với người tiêu dùng nộp đơn yêu cầu cấp thẻ tín dụng hoặc khoản vay.
Quy trình và căn cứ phát hành thẻ tín dụng, hạn mức tín dụng cho người dùng
Thông thường, khi người dùng nộp đơn đề nghị phát hành thẻ tín dụng tại bất cứ ngân hàng nào, họ sẽ được ngân hàng xem xét phát hành thẻ tín dụng và hạn mức tín dụng đi kèm căn cứ vào hệ số điểm đánh giá TDCN của họ. Các quốc gia như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Cadana... đều áp dụng thông lệ này.
Có thể nắm rõ quy trình và căn cứ phát hành thẻ tín dụng và hạn mức tín dụng cho người dùng theo ví dụ sau: Một người dùng muốn đề nghị phát hành thẻ tín dụng tại Chase Bank (một trong những ngân hàng hàng đầu của Hoa Kỳ), đầu tiên, họ phải nộp đơn theo 03 cách sau: Gửi đơn qua đường bưu điện; Điền đơn online tại website của ngân hàng; Đề nghị cấp thẻ tín dụng và hạn mức đi kèm thông qua điện thoại trực tiếp. Sau đó, Chase Bank sẽ tiếp nhận và kiểm tra thông tin do người đề nghị cấp thẻ cung cấp để quyết định xem họ có thể được cấp thẻ tín dụng và hạn mức tín dụng là bao nhiêu. Cơ sở để Chase Bank quyết định việc cấp thẻ tín dụng và hạn mức chính là kiểm tra điểm tín dụng của người đề nghị cấp thẻ tín dụng.
Theo hệ thống đánh giá điểm TDCN của FICO như vừa đề cập, thông thường, theo tiêu chuẩn đánh giá hiện nay, người tiêu dùng có hệ số điểm tín dụng từ 750 - 850 điểm, thì họ thuộc vào nhóm có điểm số tín dụng xếp loại tốt nhất và rủi ro thấp nhất (nhóm 1). Người tiêu dùng có hệ số điểm từ 700 - 740 điểm thì ngân hàng sẽ xếp loại thấp hơn (nhóm 2). Người tiêu dùng có hệ số điểm từ 600 – 690 điểm được xếp vào nhóm cuối - nhóm này thường không được các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tại Hoa Kỳ xem xét phê duyệt cấp hạn mức tín dụng, trường hợp có cấp hạn mức tín dụng thì cũng phải đưa trước cho ngân hàng một số tiền đặt cọc tránh trường hợp phát sinh nợ xấu…
Khuyến nghị cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm phát hành thẻ tín dụng và cấp hạn mức tín dụng của một số nước nêu trên có thể rút ra một số khuyến nghị đối với Việt Nam, như sau:
Một là, Việt Nam nên nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước phát triển như Anh, Canada, Hoa Kỳ để xây dựng điểm tín dụng cho người dùng có tính đến các yếu tố riêng của kinh tế - xã hội trong nước. Việc xây dựng điểm tín dụng có thể được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức độc lập nào đó.
Hai là, các ngân hàng cần đưa ra các yếu tố nghiêm ngặt, rõ ràng để xét mức hạn tín dụng cho người dùng, tránh tình trạng chạy theo doanh số, hoặc đẩy mạnh số lượng phát hành thẻ mà lờ đi các điều kiện bắt buộc, khi xét cung cấp mức tín dụng. Mức tín dụng cũng có thể chia thành nhiều loại, cho nhiều đối tượng, phụ thuộc vào các yếu tố năng lực tài chính, khả năng chi trả, lịch sử vay nợ và thanh toán...
Ba là, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục kiên định với quan điểm không nên cho chủ thẻ rút tiền mặt tại các thẻ tín dụng. Trước đó, tại Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, một số ngân hàng đã đề xuất cho chủ thẻ rút tiền, vì nó phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng chi tiêu tiền mặt của chủ thẻ trong một số trường hợp (khẩn cấp, ngoài giờ làm việc, nơi không có ATM…).
Tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định này. Thực tế cho thấy, tình trạng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng nếu không kiểm soát đang có thể tạo nhiều nguy cơ vỡ nợ cá nhân, rủi ro mất khả năng thanh toán thẻ tín dụng, dẫn đến làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng, do vậy, quy định cấm rút tiền mặt qua thẻ tín dụng là việc nên làm.
Bốn là, thẻ tín dụng không chỉ mang lại rủi ro cho người dùng mà cả đối với đơn vị phát hành thẻ. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định chặt chẽ liên quan đến việc phát hành, quản lý cấp phát và sử dụng thẻ. Các đơn vị phát hành thẻ cần nắm vững và thực hiện đúng các quy định, để tránh thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng;
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2018), Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/62016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng;
3. A simple guide to credit cards, truy cập từ https://www.moneyadviceservice.org.uk/en/articles/credit-cards;
4. Credit Score Fluctuations, truy cập từ: https://www.debt.org/credit/credit-report-fluctuations/;
5. Credit reports and scores, truy cập từ: https://www.canada.ca/en/financial-consumer-agency/services/credit-reports-score.html.