Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua đã đẩy giá thực phẩm tăng mạnh nhất kể từ những năm 1970. Điều này những tưởng đã đẩy hàng triệu người trên thế giới lâm vào tình cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trong năm 2008, năm đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính và lương thực, cả số lượng và tỷ lệ người có mức sống dưới 1,25 USD/ngày đã giảm trên mọi khu vực của thế giới. Đây là lần suy giảm rộng khắp đầu tiên kể từ khi WB bắt đầu tổng hợp số liệu năm 1981.
Trong gian đoạn 2008 - 2010, tốc độ giảm nghèo vẫn được duy trì ở mức trên 1%, người dân tại các nước đang phát triển có tiêu chuẩn sống dưới 1,25 USD/ngày giảm từ 50% dân số toàn cầu năm 1981 xuống còn 21% trong năm 2011. Như vậy, khoảng 1 tỷ người đã thoát khỏi ngưỡng đói nghèo và dù rất nhiều mục tiêu thiên niên kỷ (như giảm 3/4 tỷ lệ bà mẹ tử vong và giảm 2/3 tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong) bị bỏ lỡ nhưng thế giới đã đạt được mục tiêu giảm người nghèo trong giai đoạn 1990 – 2015 sớm hơn 5 năm so với dự tính.
Chung tay gắng sức
Trên thực tế, tỷ lệ nghèo đói bắt đầu giảm mạnh từ cuối thế kỷ XX (tỷ lệ trung bình hằng năm là 4,3% trong giai đoạn 1960-2000, và 6% trong giai đoạn 2000-2010). Nguyên nhân chủ yếu là do các nền kinh tế đang phát triển tăng tốc. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh đến nỗi bất chấp chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng nhanh, các hộ cực nghèo đang dần biến mất. Trong giai đoạn 1981 – 2010, Trung Quốc đã giúp 680 triệu người dân thoát khỏi đói nghèo, đồng thời tỷ lệ cực nghèo giảm từ mức 84% trong năm 1980 xuống còn 10%.
Thế giới cũng có các cách giảm nghèo khác khá đa dạng. Rất nhiều chính sách đã phát huy hiệu quả như: mạng lưới an sinh xã hội và chương trình chuyển tiền Bolsa Familia của Brazil, chương trình trợ cấp nhiên liệu cho tầng lớp trung lưu ở Indonesia… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì phương thức hiệu quả nhất chính là tự do hóa thị trường để giúp người nghèo giàu có hơn.
Sáng thêm kỳ vọng
Hiện tại, trong số 7 tỷ người sinh sống trên hành tinh, vẫn còn 1,1 tỷ người đang sống với thu nhập ở dưới ngưỡng nghèo (1,25 USD/ngày). Liên hợp quốc và các chính phủ sẽ sớm họp bàn để đề ra danh sách các mục tiêu mới thay thế cho Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs - được lập ra từ năm 2000 và sẽ kết thúc vào năm 2015). Nhiều khả năng các chính phủ sẽ đặt ra mục tiêu mới là đến năm 2030 thêm 1 tỷ người thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Những người nghèo hiện đang sống chủ yếu ở Châu Phi và Ấn Độ. Họ không được tiếp cận với giáo dục, y tế và thậm chí là cả quần áo và nơi ở tươm tất - những thứ đương nhiên phải có ở hầu hết các nước trên thế giới. Vì vậy, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người này không chỉ là tham vọng thích đáng mà còn là điều cần thiết.
Ở các nước phát triển, không có người dân nào có thu nhập ở gần mức 1,25 USD/ngày. Ngưỡng nghèo của Mỹ là 63 USD/ngày cho một gia đình gồm 4 người. Ở các nước mới nổi, chuẩn nghèo cũng là 4 USD/ngày. Trong khi đó, cuộc sống của những người sống với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày (chủ yếu ở châu Phi và Ấn Độ) thực sự khó khăn.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 – 2013
Thế giới chống đói nghèo
(Tài chính) Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, gần đây đã được Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) trao tặng “Giải thưởng về những tiến bộ nổi bật trong cuộc chiến chống đói nghèo và suy dinh dưỡng năm 2013”. Chúng ta hãy cùng nhìn lại “cuộc chiến” chống đói nghèo trên thế giới.
Xem thêm