Thế giới dần để USD “ra rìa”

Theo Nhân dân, Cafef

Chưa bao giờ các cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương lại dồn dập như hiện nay, nó phản ánh sự lo lắng về những rủi ro và biến động do đồng USD gây ra.

Thế giới dần để USD “ra rìa”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xu hướng đa nội tệ

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008, đã xuất hiện một trào lưu hoán đổi tiền tệ giữa các nước. Đầu tháng 12/2008, Trung Quốc và Hàn Quốc ký hiệp định hoán đổi đồng NDT và đồng Won, quy mô 30 tỷ USD.

Tháng 5/2009 Brazil và Trung Quốc ký thỏa thuận thanh toán thương mại song phương bằng đồng Real và NDT. Đúng một năm sau đó, đồng Rúp và NDT trở thành phương tiện thanh toán giữa hai bên. Chỉ trong vòng hơn một năm, Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với gần 10 nước, với quy mô lên tới trên 100 tỷ USD.

Tháng 6/2012, Nhật Bản và Trung Quốc đã bắt đầu giao dịch trực tiếp bằng đồng Yên và NDT. Thỏa thuận này cho phép BOJ và PBOC cung cấp thanh khoản giữa đồng yên và NDT khi xảy ra thiếu hụt tiền tệ giữa hai nước. Ngay sau đó, khối lượng giao dịch tiền tệ tại Tokyo tăng gấp 10 lần, lên 10 tỷ Yên/ngày.

Các nước khác cũng đẩy mạnh đàm phán và đạt được nhiều thỏa thuận trao đổi tiền tệ như, Nhật Bản và Ấn Độ quyết định lấy đồng Yên và Rupi làm đơn vị thanh toán, trị giá 15 tỷ USD, đồng thời cho phép mỗi bên được sử dụng quỹ dự trữ của nhau; Brazil và Achentina ký thỏa thuận hoán đổi nội tệ, được dùng trong trường hợp phải đối phó khẩn cấp với những biến động tiền tệ thế giới.

Gần đây nhất, ngày 26/3/2013, tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm năm nước mới nổi BRICS, đồng Real và NDT tiếp tục được Trung Quốc và Brazil gia hạn sử dụng làm đơn vị thanh toán song phương trong vòng ba năm nữa.

Các thỏa thuận như trên cho phép ngân hàng trung ương các nước hoán đổi tiền tệ cho nhau; trên cơ sở đó, doanh nghiệp hai bên giao dịch bằng đồng nội tệ thay cho đồng USD. Nhà kinh tế học trường đại học Harvard, Jeffrey Frankel cho rằng những động thái này xuất hiện ngày càng dồn dập như một chỉ báo cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang tiến nhanh tới một thế giới đa tiền tệ.

Giảm bớt sự phụ thuộc

Mặc dù xu hướng sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại song phương đã trở nên khá phổ biến, và quy mô dòng tiền đủ lớn để các doanh nghiệp hai bên không gặp bất cứ phiền phức nào trong sử dụng, nhưng người ta vẫn ngạc nhiên về những đối tác trao đổi tiền tệ.

Trao đổi đồng nội tệ song phương là cách thức gạt đồng USD “ra rìa”, thế nhưng trong số đối tác có cả những đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc; hoặc đối tác hoán đổi lại là những kình địch như Nhật Bản và Trung Quốc; thậm chí xuất hiện cả những đối tác vốn có lòng tự tôn đặc biệt với đồng tiền của mình, được quốc tế hóa đã hàng trăm năm như Vương quốc Anh.

Sự thực thì USD vẫn là đồng tiền phổ biến nhất trong giao dịch thương mại. Ngay cả với Trung Quốc, nước đã thực hiện hoán đổi tiền tệ với hơn 20 nền kinh tế, nhưng đồng USD vẫn chiếm tới 60% giao dịch ngoại thương của nước này.

Nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào đồng USD sẽ gánh lấy những rủi ro khó lường. Trung Quốc có khối lượng dự trữ ngoại hối trên 3.300 tỷ USD quy đổi, trong đó có trên 60% là bằng đồng USD, chủ yếu dưới hình thức mua trái phiếu chính phủ Mỹ. Nếu đồng USD rớt giá, thì lượng dự trữ của Trung Quốc sẽ hao hụt theo. Điều này giải thích vì sao Trung Quốc là nước tích cực đàm phán hoán đổi tiền tệ nhất, và đạt được nhiều thỏa thuận song phương nhất.

Những lý do để đồng USD xuống giá nhiều vô kể. Sau cuộc khủng hoảng 2008, đồng USD bị giáng một đòn chí tử. Đã vậy, để phục hồi nền kinh tế, từ 2009 đến nay, Mỹ tung ra ba gói “nới lỏng định lượng” (EQ1, EQ2, EQ3), mà thực chất là in thêm tiền, khiến cho đồng USD mất giá trên 14%.

Năm 2012, Brazil đã lên tiếng gay gắt về chính sách nới lỏng tiền tệ của nhóm các nước phát triển. Vì các gói EQ, đồng Real của Brazil mất giá 9% so với USD trong năm 2012. Cực chẳng đã, Chính phủ nước này quyết định kéo dài việc đánh thuế giao dịch tài chính 6% đối với các khoản vay nước ngoài đáo hạn trong thời gian ba năm.

Nhiều nước sau đó, như Colombia, Thái Lan… đã nối gót Brazil với những chính sách can thiệp tiền tệ để đối phó với đồng USD xuống giá. Ngay cả IMF cũng lo ngại các gói nới lỏng định lượng của Mỹ, nên ủng hộ các nước kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngoại.

Đứng về mặt kỹ thuật, việc doanh nghiệp hai nước thanh toán thương mại qua đồng USD sẽ làm tăng chi phí giao dịch với ba bước đổi tiền; ngược lại, hai bên thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau, chỉ cần qua một bước đổi tiền.

Trên phương diện kinh tế, hoán đổi tiền tệ giúp giảm bớt sự rủi ro từ đồng USD, vốn rất nhạy cảm với những biến động chính trị, kinh tế thế giới; đồng thời, hạn chế sự thống trị của đồng USD trong giao dịch ngoại thương và từng bước quốc tế hóa cũng như tìm chỗ đứng cho đồng nội tệ của mình trong dòng chảy tài chính thế giới.