Giá giảm, cung tăng
Kết thúc phiên giao dịch 15/10/2014, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 11 trên sàn Nymex New York ở ngưỡng 81,78 USD/thùng, mức thấp nhất từ 28/6/2012. Như vậy, giá dầu thô ngọt nhẹ đã giảm 24% từ mức đỉnh 107,26 USD hồi tháng 6. Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 11 trên sàn ICE Futures Europe London đã xuống sát 83,78 USD/thùng, mức thấp nhất từ 23/11/2010.
Việc đồng USD mạnh lên, đạt mức tốt nhất trong vòng 6 năm qua, cùng với một vài chỉ số kinh tế mới tại các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới không được như kỳ vọng đã tạo ra những sức ép nhất định lên giá “vàng đen” trong thời gian qua. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến giá dầu sụt giảm như trên được cho là do cung dầu tăng trong khi cầu dầu lại suy giảm.
Ngày 14/10/2014, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu cả năm 2014 xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ chỉ tăng 700.000 thùng trong năm nay, lên 92,4 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu của thế giới vẫn ở mức cao. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - nhóm kiểm soát khoảng 1/3 nguồn cung dầu toàn cầu, đã tăng sản lượng dầu tháng 9 lên 30,935 triệu thùng/ ngày - mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.
Cung dầu dồi dào nhưng OPEC dường như vẫn chưa có ý định cắt giảm sản lượng. Các nhà phân tích nhận định các thành viên OPEC đang gặp khó, thậm chí đang phải giảm giá dầu để cạnh tranh giành thị phần thay vì cắt giảm sản lượng.
Cục diện thị trường thay đổi vì Mỹ
Cái khó mà các thành viên OPEC gặp phải đến từ nước Mỹ. Thời gian gần đây, ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã hoàn toàn thay da đổi thịt nhờ cuộc cách mạng khí đá phiến, với những tiến bộ trong kỹ thuật cho phép khai thác nhiều mỏ dầu và khí đốt ở các tầng đá phiến, đặc biệt ở Texas và Bắc Dakota, mà lâu nay bị coi là "không thể đụng đến".
Từ 1 nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn thứ 3 của toàn cầu. Hiện nay, lượng khai thác dầu thô của Mỹ đã đạt mức 8,7 triệu thùng/ngày (chỉ đứng sau Nga - trên 10 triệu thùng/ngày và Saudi Arabia - gần 10 triệu thùng/ngày). Theo dự báo, nếu vẫn với đà tăng trưởng như hiện nay, chỉ sau khoảng 5 năm nữa, Mỹ sẽ vượt Saudi Arabia và rất có thể sẽ “qua mặt” cả Nga.
Xét về giá thì giá dầu khai thác từ đá phiến của Mỹ chỉ từ 80-85 USD/ thùng. Trong khi đó, do các giao dịch buôn bán không công khai nên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bán dầu với giá rất rẻ, chỉ khoảng 25-30 USD/ thùng.
Rất có thể chính Mỹ sẽ “chiếm” thị phần từ tay Saudi Arabia khi Mỹ tự dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô ở nước này. Những lo ngại trên khiến các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong nhóm OPEC phản ứng lại bằng cách giảm giá. Saudi Arabia và Iran, Iraq gần đây đều đã phát tín hiệu sẽ bán dầu Basrah Light cho châu Á với mức giá giảm rất mạnh.
Tình hình trên cho thấy dù bất ổn đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine nhưng xem ra giá dầu vẫn chưa có xu hướng tăng trở lại. Theo nhiều nguồn tin, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia thậm chí đang sẵn sàng duy trì mức giá 80 USD/thùng trong vòng 1,5 đến 2 năm để thống lĩnh thị trường.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10 - 2014
Thế giới đang thừa dầu?
(Tài chính) Vào thời điểm chiến sự đang ngày một leo thang tại nhiều khu vực liên quan đến dầu mỏ (Iraq, Syria, Ukraine...), giá dầu thế giới vẫn sụt giảm liên tiếp. Đây là điều bất thường và theo các nhà phân tích thì sự sụt giảm giá dầu các tháng gần đây chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung dầu thế giới đang tăng lên.
Xem thêm