Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sân chơi nghiệt ngã

Theo Thái Hoàng/thoibaonganhang.vn

Sự tháo chạy của một loạt các tên tuổi nước ngoài thời gian qua cho thấy dù hấp dẫn và nhiều tiềm năng nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam cũng không kém phần nghiệt ngã…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khối ngoại hụt hơi

Bắt đầu vào thị trường Việt Nam năm 2015, Hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) nhanh chóng mở rộng thị trường với 18 siêu thị, khoảng 1000 nhân viên tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Trong đó, riêng thị trường TP. Hồ Chí Minh, đại gia bán lẻ Pháp đã có 13 siêu thị.

Nếu như ở châu Âu, Auchan được ví như “Walmart của Pháp” với hệ thống hơn 4.000 điểm bán trên toàn cầu thì tại Việt Nam, cuộc tháo chạy bất ngờ của đại gia bán lẻ Pháp chỉ chưa đầy 5 năm góp mặt tại thị trường cho thấy cuộc đua tại thị trường bán lẻ Việt Nam không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng.

Theo tờ Les Echos của Pháp, Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte cho biết đã quyết định bán 18 cửa hàng của chuỗi tại Việt Nam vì 5 năm kinh doanh tại Việt Nam chỉ thu về 45 triệu Euro (50,4 triệu USD) và vẫn đang trên đà thua lỗ.

Chung số phận với Auchan, gần đây nhất, chuỗi bán lẻ Shop&Go cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 USD. Vào Việt Nam từ khá sớm (năm 2005), sau 14 năm thành lập, Shop&Go hiện đang vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và 17 cửa hàng tại Hà Nội, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành.

Lý do được đại diện Shop&Go đưa ra là do “thị trường bán lẻ Việt Nam dù còn nhiều tiềm năng khai thác nhưng cuộc cạnh tranh quá khốc liệt”. Hiện tại Shop&Go đã chính thức được chuyển giao cho Vingroup.

Cuộc hôn phối giữa đại gia bán lẻ Nhật Aeon và Fivimart (30% cổ phần), Citimart (49% cổ phần) vào năm 2015 cũng sớm tan rã khi 2 năm sau ngày hợp tác, kết quả Fivimart và Citimart thu được là những khoản lỗ lũy kế tăng lên. Đến cuối năm 2017, tổng số lỗ lũy kế của Fivimart lên tới gần 200 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 823 tỷ đồng, tương đương giá trị tổng tài sản công ty. Citimart cũng báo lỗ tổng cộng 123 tỷ đồng trong các năm 2015 và 2016. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 157 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia về thị trường bán lẻ, sự rút lui của hàng loạt các tên tuổi nước ngoài đình đám khỏi thị trường Việt Nam đã phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ. Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống bán lẻ nước ngoài dừng hoạt động là do mô hình kinh doanh khá đơn điệu, không phù hợp với thị trường Việt Nam.

Lý giải về “cái chết” của Auchan, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, Auchan đơn thuần là siêu thị mua sắm nên chỉ thu hút được khách hàng lân cận, không thu hút được khách hàng xa tới vui chơi kết hợp mua sắm vào cuối tuần. Ngoài ra, Auchan chưa có các chương trình giảm giá, khuyến mại như nhiều siêu thị khác nên lượng khách hàng không nhiều, dẫn đến doanh thu thấp, không có lợi nhuận.

“Siêu thị Aeon Nhật Bản thu hút một lượng lớn người tiêu dùng nội thành đến mua sắm là minh chứng rõ nét cho sự thành công của mô hình siêu thị phức hợp nhiều tiện ích” – chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu ví dụ.

Khối nội lấn sân

Trong khi khối ngoại có phần hụt hơi thì khối nội vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Đi tiên phong vẫn là 2 “ông lớn”  Sài Gòn Co.op, Vingroup…

Là doanh nghiệp bán lẻ tiên phong tại Việt Nam được thành lập từ năm 1989 theo mô hình liên hiệp hợp tác xã, Sài Gòn Co.op hiện đã có mặt trên 7 phân khúc bán lẻ trừ siêu thị điện máy.

Doanh nghiệp Việt này hiện có khoảng 300 cửa hàng tiện lợi (Co.op Food và Co.op Smile), 2 trung tâm thương mại (Sence City, SC VivoCity), 101 siêu thị và đại siêu thị Co.op Mart và kênh bán hàng trực tuyến coophomeshopping.vn. Doanh thu năm 2018 của Sài Gòn Co.op đạt gần 32 nghìn tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup cũng đang thực hiện chiến lược mở rộng mạnh mẽ, Vincom Trần Duy Hưng vừa khai trương mới đây là Vincom thứ 10 tại Hà Nội, nâng tổng số trung tâm thương mại của Tập đoàn lên 68 tính đến thời điểm hiện tại và Vingroup kỳ vọng sẽ nâng con số này lên đến 200 trung tâm. Sau khi nhận sáp nhập Shop&Go, ngoài 108 siêu thị VinMart, VinCommerce cũng nâng số cửa hàng tiện lợi VinMart+ đạt khoảng 1.900 điểm bán. 

Các chuyên gia cho rằng, tâm lý phổ biến của người tiêu dùng Việt vẫn chuộng sự tiện lợi. Vì vậy, phần lớn người Việt vẫn thích đi chợ truyền thống thay vì đến với các trung tâm lớn. Hơn nữa, người Việt nếu có đi siêu thị cũng sẽ ưu tiên vào các trung tâm quen thuộc như Vinmart  hay Sài Gòn Co.op.