Thị trường bán lẻ Việt Nam: Thị phần nghiêng về phía doanh nghiệp nước ngoài
(Tài chính) Theo cam kết gia nhập WTO, bắt đầu từ tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ được mở cửa hoàn toàn. Giờ G chưa đến nhưng miếng bánh đã được các ông lớn nước ngoài chia nhau gần hết. Với xu thế này thì đến năm 2020 thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ coi như nằm hoàn toàn trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Doanh nghiệp bán lẻ ngoại ồ ạt thâm nhập thị trường Việt
Tính đến hết năm 2013, số doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chiếm hơn 40% trong số 700 siêu thị tại Việt Nam. Đồng thời, 31 trong tổng số 125 trung tâm thương mại hiện tại có yếu tố đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại. Dự báo, đến 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội, tương đương khoảng 25 - 30 tỷ USD. Đây là miếng mồi khá béo bở, đặc biệt là thị hiếu khách hàng và yêu cầu về dịch vụ cũng như chất lượng sản phẩm đang ở mức thấp như Việt Nam thì việc sở hữu thị phần bán lẻ còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp nước ngoài đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Hiện tại ở Việt Nam có Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức), trong năm qua đã bán lại toàn bộ 19 siêu thị cho tập đoàn BJC của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi với giá 876 triệu đôla. Metro Việt Nam được thành lập từ năm 2002 và đã đầu tư một hệ thống bài bản từ vùng nguyên liệu, hệ thống hậu cần và lực lượng 3.600 lao động được đào tạo tốt.
Tiếp theo phải kể tới Tập đoàn Casino, chủ của hệ thống 26 siêu thị mang tên Big C với quy mô hơn 20.000 m2.
Đến sau nhưng không thể coi thường là “đàn cá mập” tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc như Aeon (Nhật Bản). Trong lĩnh vực bán lẻ thì Aeon không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, thương hiệu, mà còn có mối quan hệ với các đối tác lớn. Có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2011, nhưng đến tháng 1/2014, Aeon mới có trung tâm mua sắm đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh với số vốn đầu tư 100 triệu USD. Aeon cho biết, sẽ tiếp tục mở thêm trung tâm mua sắm ở Bình Dương vào tháng 10/2014 và năm 2015 sẽ mở ở Hà Nội. Dự kiến đến năm 2020, tập đoàn sẽ có khoảng 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam.
Một con “cá mập” khác của Hàn Quốc là Lotte, vào Việt Nam từ 2007, thời gian qua đã chuẩn bị kỹ lưỡng để năm 2014 bung ra mạnh mẽ. Năm 2008, Lotte mới khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại quận 7 thành phố Hồ Chí Minh thì đến cuối 2013, con số này đã tăng lên 6. Doanh số năm 2013 của Lotte tại thị trường Việt Nam là 2.540 tỷ đồng. Chỉ tính tới tháng 9/2014 thì ngoài trung tâm thương mại Lotte 65 tầng tại Liễu Giai thì 60 cửa hàng Lotte đã được mở tại Hà Nội. So với các đại gia bán lẻ khác như Big C, Metro Cash & Carry, quy mô và mức độ chuyên nghiệp của Lotte chưa bằng, tuy nhiên, năm 2011, giới kinh doanh bán lẻ thế giới chứng kiến hai “gã khổng lồ” Wal-Mart (Mỹ) và Carrefour (Pháp) phải rút khỏi thị trường Hàn Quốc vì không cạnh tranh nổi với Lotte vốn có khả năng xoay sở nhanh và hiểu rõ thị hiếu tiêu dùng của người Hàn Quốc. Điều này càng giúp Lotte Mart thêm tự tin để thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo kế hoạch, riêng năm 2014, Lotte sẽ khai trương 6 trung tâm thương mại mới tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ... với vốn đầu tư từ 30 - 40 triệu USD mỗi cơ sở. Mục tiêu của Lotte tại thị trường Việt Nam là đến 2020 mở 60 trung tâm thương mại.
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới, Wal-Mart (Mỹ), mới đây cũng khẳng định sẽ đầu tư mở hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Wall-Mart chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với hệ thống siêu thị toàn cầu, mỗi năm Wall-Mart tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD hàng từ Trung Quốc. Nếu vào Việt Nam sẽ là đối thủ lớn của các nhà bán lẻ khác.
Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan, Central Group cũng chuẩn bị khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store ở Hà Nội trong thời gian tới. Chi nhánh quốc tế đầu tiên của tập đoàn tại Hà Nội được đặt tại khu mua sắm giải trí nổi tiếng Royal City với diện tích 10.000 m2. Dự kiến Central Group sẽ mở chuỗi siêu thị thứ hai tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2014. Tập đoàn bán lẻ Fairprice của Singapore lại dùng chiêu thức âm thầm nắm tay Coop Mart để vào thị trường bằng cách nắm tới 35% vốn tại 2 chuỗi đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus tại thành phố Hồ Chí Minh. Cuối cùng phải kể tới ông lớn Auchan - tập đoàn bán lẻ của Pháp cũng đã tuyên bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm.
Cần có một lộ trình, chiến lược hợp lý cho hàng hóa nội địa
Hiện tại Saigon Co-op là doanh nghiệp lớn nhất về bán lẻ tại Việt Nam với hệ thống Co-opMart có 82 siêu thị và cửa hàng chuyên doanh. Công ty Hapro đứng thứ hai với hơn 70 siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Các doanh nghiệp quy mô trung bình, nhỏ như Hapro, Satra, Nguyễn Kim, Citimart, Fivimart, Maximark, Trần Anh,… có trên dưới 30 điểm với quy mô mỗi điểm dưới 10.000 m2.
Theo ông Lâm Minh Huy, Tổng giám đốc Hệ thống siêu thị Citimart, áp lực mở cửa hoàn toàn vào năm 2015 khiến cho các doanh nghiệp phải củng cố hệ thống bán lẻ để đảm bảo sức cạnh tranh. Do đó, dù gặp khó khăn trong tiếp cận mặt bằng song với 26 điểm bán hiện tại, doanh nghiệp này dự định sẽ mở thêm 70 điểm đến năm 2015, với ưu tiên trọng tâm là điểm bán có quy mô chỉ từ 1.000 - 2.000 m². Ông Phạm Hà Đông, Tổng giám đốc Intimex cho biết, trong kế hoạch tái cơ cấu sắp tới của doanh nghiệp sẽ tập trung vào những siêu thị có diện tích phù hợp dưới 2.000 m² và tận dụng thương hiệu Intimex để mở các cửa hàng tiện ích. Chiến lược này không chỉ phù hợp với xu thế phát triển, nhu cầu tiêu dùng nhanh, mà còn giúp nhà bán lẻ tiết giảm được chi phí trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Ông Phạm Tất Thắng, chuyên gia Viện nghiên cứu Thương mại cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn chưa có chiến lược, chưa có đường đi nước bước và muốn cạnh tranh không gì khác là tự mình làm tốt hơn nữa, từ chất lượng hàng hóa, giá cả đến dịch vụ. Nhưng để thực hiện được điều này thì điều kiện cần và đủ là tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tập đoàn VinGroup đã làm được điều đó với việc cho ra đời Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City với quy mô tổng diện tích sàn là 437.000 m2 với hơn 500.000 các loại mặt hàng. Chỉ với tiềm lực tài chính và quy mô như vậy mới có thể cung cấp được các dịch vụ cạnh tranh, mức giá thu hút và trên hết là có thể quy hoạch và đảm bảo thực thi được các chiến lược dài hạn thi đấu được với những LotteMart, Aeon, BigC,…
Theo số liệu thống kê mới nhất, doanh nghiệp bán lẻ ngoại đã chiếm tới 50% thị phần, so với 25% của các doanh nghiệp trong nước, thị phần còn lại dành cho hơn 8.500 chợ kiểu cũ và các cửa hàng dân sinh.
Aeon đang tìm mọi cách biến Việt Nam thành "miếng bánh" sinh lời dựa trên phương thức thu hút khách hàng Việt bằng dịch vụ của người Nhật. 1/3 số lượng hàng hóa được cung cấp sẽ có xuất xứ từ Nhật Bản, 1/3 là hàng Việt Nam và phần còn lại có nguồn gốc khác.
Theo số liệu của Công ty khảo sát, đánh giá thị trường Niesel, tại thành phố Hồ Chí Minh có trên 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó 60% do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, có sự khác biệt so với các cửa hàng tiện lợi trong nước, hầu hết mở cửa 24 giờ mỗi ngày và xuyên suốt cả tuần. Cửa hàng tiện lợi có cả không gian ăn uống và nghỉ trưa, có nhiều mặt hàng nhập khẩu chất lượng tốt, dịch vụ chu đáo, đã “hút ” được người tiêu dùng.
Tổng hợp những điều này sẽ dẫn tới một hệ quả nặng nề hơn nhiều cho nền kinh tế khi các nhà sản xuất hàng hóa Việt Nam sẽ rất khó khăn, thậm chí không có cửa chen chân để đưa hàng vào các hệ thống đã được “khép kín” của các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, cần phải nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng loại hình dịch vụ, duy trì giá cả cạnh tranh ổn định thì mới có thể vực được thị phần bán lẻ ngay trên sân nhà.
Hà Mai - Theo Thông tin Tài chính số 20 kỳ 2 tháng 10/2014