Thị trường bất động sản thiếu nguồn cung, giá chung cư vừa túi tiền có xu hướng tăng

PV

Phát biểu tại hội thảo "Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực bất động sản (BĐS)" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 27/5, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch VIAC - nhấn mạnh thị trường BĐS thời điểm hiện nay so với năm 2009 - thời điểm thị trường nhiều bất ổn, gây ra hàng loạt tác động lên nền kinh tế. Đó là thị trường đang khan hiếm nhiều nhất phân khúc nhà ở vừa giá tiền.

Thị trường bất động sản thiếu nguồn cung, giá chung cư vừa túi tiền có xu hướng tăng. Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản thiếu nguồn cung, giá chung cư vừa túi tiền có xu hướng tăng. Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) - cho biết từ năm 2015 - 2021, tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn tới thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Những năm trước, hàng năm có khoảng 30.000 căn nhà ở xây mới được chào bán, còn những năm gần đây con số đó chỉ còn 16.000 căn/năm. Đáng nói là thị trường lệch pha, thiếu hụt nhà ở có giá phải chăng.

"Năm 2020, thị trường còn có 1% số nhà ở giá thấp được chào bán thì năm 2020 không còn nhà ở nào vừa túi tiền được tung ra. TP. Hồ Chí Minh là nơi phát triển nhà ở xã hội tốt nhất trong 5 năm qua với việc phát triển 15.000 căn, đạt 75%, cả nước đạt 41%. Thị trường BĐS phát triển bền vững khi giải quyết nhu cầu thực nhà ở trong xã hội", ông Châu nói.

Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cập nhật con số mới nhất cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày một rõ nét. Trong tháng 4/2022, tại TP. Hồ Chí Minh và một loạt các tỉnh giáp ranh như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh…, nguồn cung căn hộ khu vực này chưa chạm tới mốc 2.500 căn, chỉ bằng khoảng 69% cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của nhiều công ty tư vấn và các chuyên gia, giá BĐS đã ghi nhận mức tăng khá nhanh trong quý I/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục xu thế tăng ở các quý tới.

Một trong những nguyên nhân tạo đà tăng cho giá nhà ở là do từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài. Cùng với đó, trong quý I, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như thép, xi măng đều tăng mạnh và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo ông TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách - tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết thị trường BĐS đóng góp vào 4,5% GDP. Dù vậy, thị trường BĐS liên quan ít nhất đến 40 ngành nghề như xây dựng (6% GDP), du lịch, ăn uống, tài chính ngân hàng (7% GDP)… Đây cũng là thị trường thu hút vốn FDI hấp dẫn, riêng 4 tháng đầu năm 2022, vốn FDI vào BĐS đóng góp 10% trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

"Thị trường BĐS liên quan chặt với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Nếu một mảng có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng lớn đến những thị trường khác", TS. Cấn Văn Lực lo ngại.

Nguồn cung tương lai cũng chẳng lấy làm sáng sủa: toàn quốc chỉ có 39 dự án (với 18.600 căn hộ) được cấp phép mới, bằng 80% quý IV/2021 và chỉ bằng 41% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó miền Bắc có 21 dự án (6.130 căn), miền Trung có 7 dự án (3.077 căn), miền Nam có 11 dự án (9.480 căn).

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ thì việc thị trường thiếu nguồn cung đã kéo dài hơn 2 năm nay, vì nhiều nguyên do: Dịch bệnh làm gián đoạn công tác thi công - bán hàng, ách tắc pháp lý khiến các dự án không thể triển khai và nhất là nguồn vốn cho BĐS ngày càng khó khăn.

Do đó, giá các phân khúc BĐS tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân từ 3 - 10% so với cuối năm 2021. Tại các vùng ven Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Đồng Nai… đang có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh tới 15 - 20% so với cuối năm 2021…

Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS cho thấy, trong quý I/2022, giá giao dịch BĐS bình quân toàn thị trường luôn trong xu hướng tăng. Khảo sát dữ liệu biến động giá bán một số loại BĐS trong tháng 3 và quý I/2022 tại 8 địa phương gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy giá BĐS tăng khá cao ở nhiều loại hình.

Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, con số tỷ lệ cũng tăng lần lượt là 2,48% với giá căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ tăng 2% và và đất nền đắt hơn 3,6%.