Thị trường chứng khoán chìm trong sắc đỏ, nhà đầu tư lo ngại triển vọng ngắn hạn
Việc VN-Index tiếp tục rơi gần 56 điểm trong phiên đầu tuần 19/7 khiến cho nhà đầu tư bi quan về triển vọng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn ngắn tới, ít nhất cho đến hết tháng 7. Có lẽ những thông tin liên quan đến số ca tăng do dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành đã tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư.
Thị trường chứng khoán Việt Nam kết phiên ngày giao dịch đầu tuần 19/7-23/7 trong sắc đỏ với đà lao dốc ở tất các nhóm ngành.
Cụ thể, sàn HOSE chốt phiên với vỏn vẹn chỉ có 50 mã tăng nhưng có đến 346 mã giảm, trong đó có đến 71 mã giảm sàn. Chỉ số VN-Index giảm 55,8 điểm (-4,29%) xuống mức 1.243,51 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 731 triệu đơn vị, giá trị 21.848,32 tỷ đồng, tăng 57% về khối lượng và 41,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.801 tỷ đồng.
Sàn HNX cũng đóng cửa với 41 mã tăng nhưng lại có đến 186 mã giảm. HNX-Index giảm 15,7 điểm (-5,1%) xuống 292,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 115m98 triệu đơn vị, giá trị 2.435,76 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,27 triệu đơn vị, giá trị 351,7 tỷ đồng.
UPCoM-Index cũng chịu chung số phận khi giảm 2,74 điểm (-3,21%) xuống 82,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,74 triệu đơn vị, giá trị 997,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,2 triệu đơn vị, giá trị gần 319 tỷ đồng.
Thị trường phái sinh cũng chẳng thể tạo được sự khác biệt nào hơn khi cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm sâu khi đóng cửa. Trong đó, phiên đáo hạn của VN30F2107 đã giảm 72 điểm (-5%) xuống 1.368 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 307.730 đơn vị, khối lượng mở 24.135 đơn vị.
Trong đà giảm chung của thị trường, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục xu thế bán ròng. Cụ thể, trên HOSE, khối ngoại đã bán ròng 5,52 triệu đơn vị, tăng 50,18% so với phiên trước đó. Tổng giá trị bán ròng tương ứng 101,33 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó mua ròng 97,91 tỷ đồng.
Trên sàn giao dịch HNX, khối ngoại mua ròng 871.470 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 15,42 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối ngoại đã bán ròng 3,17 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 21,17 tỷ đồng; trong khi phiên trước đó chỉ bán ròng 101.580 đơn vị, tổng giá trị mua ròng 3,5 tỷ đồng.
Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 19/7, khối ngoại đã bán ròng 7,82 triệu đơn vị, gấp đôi so với phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 16/7. Tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 107,08 tỷ đồng, trong khi phiên trước đó mua ròng 96,09 tỷ đồng.
Một số ý kiến cho rằng, việc VN-Index tiếp tục rơi gần 56 điểm trong phiên hôm nay khiến cho nhà đầu tư càng bi quan hơn về triển vọng của thị trường. Chỉ số đã rơi xuống dưới vùng hỗ trợ 1.260-1,280 điểm. "Tuy nhiên, một thực tế của thị trường mà nhà đầu tư phải chấp nhận rằng, thị trường có lúc tăng nhanh thì cũng có thể có lúc phải giảm mạnh", một chuyên gia chứng khoán chia sẻ.
Yếu tố quyết định đến câu chuyện chỉ số Vn-Index rơi tiếp những phiên tới hay không chính là lực cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lực cầu đã yếu đi từ 2 phiên cuối tuần trước với thanh khoản chỉ quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng trên HOSE, bất chấp chỉ số đã tăng lên. Một khi lực cầu, dòng tiền mua vào tiếp tục giảm thì chưa biết đáy thị trường còn sâu đến mức nào. Do vậy, khả năng mốc 1.200 điểm sẽ được tái lập.
Trong thời gian tới, triển vọng kinh tế của Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng vẫn phụ thuộc khá nhiều vào tình hình diễn biến Covid-19. Tuy nhiên, những thông tin liên quan đến số ca tăng do dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành đã tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư. Bởi vấn đề đằng sau đó là hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Lúc đó, các thông tin tạo lực đẩy thị trường tăng trưởng như kết quả kinh doanh quý III sẽ khó được khả quan.