Thị trường chứng khoán đã đi vào quỹ đạo hợp lý

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Với quá trình tái cơ cấu tích cực trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi vào quỹ đạo hợp lý. Đây là đánh giá của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội trong cuộc trao đổi với phóng viên.


 Thị trường chứng khoán đã đi vào quỹ đạo hợp lý - Ảnh 1
Ông Phùng Quốc Hiển
Phóng viên: Thưa ông, cùng với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán của chúng ta sau một thời gian sóng gió thăng trầm nay dường như đã có những bước đi vững vàng, ổn định hơn. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Ông Phùng Quốc Hiển: Đúng vậy, thị trường chứng khoán của chúng ta những năm trước đây do xu thế và bản thân nhà đầu tư trong nước cũng chưa có kinh nghiệm, cộng với bong bóng về tài chính, nên đã có những giai đoạn phát triển gần như quá mạnh so với khả năng vốn hóa, trong khi sản phẩm chưa nhiều.

Công cụ quản lý thị trường chứng khoán khi đó cũng chưa mạnh. Sau đó theo quy luật kinh tế thị trường, bong bóng tan vỡ nên thị trường đã sụt giảm nghiêm trọng. Có những giai đoạn lên gần 1.200 điểm rồi lại xuống dốc chỉ còn gần 400 điểm. Giai đoạn đó đã có những ý kiến cho rằng phải cứu, thậm chí đề xuất dùng ngân sách để cứu.

Tuy nhiên, điều tôi đánh giá rất cao là vài năm gần đây, mặc dù chúng ta có cảm giác là thị trường chứng khoán rất ảm đạm, nhưng theo tôi thị trường đã bắt đầu đi vào một quỹ đạo hợp lý.

Lúc này thị trường tăng một vài điểm cũng là rất tích cực, hơn là tăng nhanh, tăng mạnh như trước, bởi điều đó thể hiện sự ổn định, cho thấy đã có sự sắp xếp, cơ cấu lại, theo quy luật của thị trường.

Điều quan trọng nữa là công tác quản lý của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhất với sự quản lý của cơ quan nhà nước là Bộ Tài chính đã được sắp xếp rất tốt. Đó chính là điều chúng ta cần làm.

Để đẩy mạnh hơn vai trò của thị trường chứng khoán trên thị trường tài chính cũng như là với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông cần làm gì?

Theo tôi điều quan trọng là phải thực hiện được sự công khai minh bạch và chống các biểu hiện thao túng thị trường, đồng thời phải tăng được nguồn hàng hóa.

Hàng hóa ở đây chính là các cổ phần, cổ phiếu. Đẩy mạnh được cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng là một biện pháp rất tốt. Đồng thời, chúng ta tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng, vào hoạt động tín dụng, vì vốn hóa thị trường chứng khoán còn thấp.

Chính vì thế, trong quá trình cơ cấu lần này, tôi cho rằng việc tái cơ cấu thị trường tài chính, mặc dù trọng tâm là ngân hàng, nhưng thị trường chứng khoán cần được chú ý hơn nữa.

Theo dòng chảy hiện nay, tôi cho rằng thị trường đã bắt đầu đi vào sự phát triển hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải bình tĩnh, không nên nóng vội, thị trường chứng khoán sẽ có lên có xuống, có sự sắp xếp chấn chỉnh từ từ. Vì thị trường luôn phải theo một quy luật nhất định, có độ trễ.

Nhìn một cách tổng thể, tôi đánh giá thị trường chứng khoán của chúng ta đã đi vào quỹ đạo tốt.

Vừa qua, thị trường ghi nhận sự trở lại ngày càng rõ nét của dòng vốn nước ngoài, ông đánh giá thế nào về điều này? Liệu có tác động của quá trình tái cơ cấu thị trường chứng khoán không thưa ông?

Tất nhiên, nhà đầu tư nước ngoài không dại gì đổ tiền vào chỗ “nước sôi lửa bỏng”. Rõ ràng với kinh tế vĩ mô ổn định, các chỉ số tài chính tích cực hơn và chúng ta cũng đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có mục tiêu rõ ràng nên họ thấy yên tâm.

Nhưng cũng phải lưu ý rằng thị trường chứng khoán của chúng ta còn non trẻ, nên sự thao túng là dễ xảy ra. Chúng ta theo cơ chế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, và bàn tay nhà nước phải thể hiện rất rõ.

Thời gian vừa qua, cùng với sự sắp xếp và chấn chỉnh lại thị trường, chúng ta đã loại bỏ bớt những nhà đầu tư theo đám đông, các nhà môi giới làm ăn chụp giật. Cuối cùng còn lại những người có kinh nghiệm, trình độ, đầu tư lâu dài. 

Một khi thị trường chứng khoán mạnh và ổn định thì mới có thể đẩy nhanh được cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đó là mối quan hệ tương tác với nhau. Tuy nhiên phải dần dần, có thể chậm nhưng chắc còn hơn. 

Vì vậy, tôi cho rằng trong cơ cấu lại nền kinh tế thì tái cơ cấu thị trường tài chính rất quan trọng, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Chỉ khi thị trường chứng khoán thực sự mạnh và cân đối được, thậm chí vượt trội hơn thị trường tín dụng thì lúc đó mới có thể nói rằng chúng ta có một thị trường tài chính hoàn thiện được.

Xin cảm ơn ông!