Thị trường chứng khoán tháng 10 có sáng hơn?

VIR

“Dư âm” tháng 9, theo nhiều chuyên gia, sẽ được chuyển qua tháng 10, nên TTCK tháng 10 vẫn theo hướng phòng thủ.

Thị trường chứng khoán tháng 10 có sáng hơn?
TTCK tháng 9 trôi qua đã không như kỳ vọng của NĐT. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 bất ngờ tăng cao, cùng những thông tin vĩ mô khác không mấy tích cực đã tác động mạnh đến tâm lý NĐT.

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng bộ phận Phân tích, CTCK Maybank KimEng cho rằng, trong tháng 10, thị trường chưa thể khởi sắc, xu hướng vẫn là đi ngang theo chiều hướng giảm, vì tâm lý NĐT vẫn chưa ổn định.

“Tháng 10 là khoảng thời gian các DN niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm, nhưng tôi cho rằng, hiện tượng đầu tư theo kết quả kinh doanh sẽ tập trung ở một số mã có tin tích cực, với sự phân hóa rõ nét về giá cổ phiếu. Những phiên tăng điểm chỉ mang tính cục bộ như một sự thử sức mạnh bên cung”, ông Khánh nói.

Một yếu tố tác động lớn đến tâm lý thị trường là CPI. CPI tháng 9 bất ngờ tăng 2,2% là dấu hiệu cho thấy lạm phát cao đang trở lại. Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận Phân tích CTCK BSC nhận định, CPI tăng mạnh trong tháng 9 là dấu hiệu bất thường, đi ngược với xu hướng lịch sử; mức tăng CPI tháng 10 sẽ giảm so với mức tăng trong tháng 9, nhưng vẫn sẽ trên mức 1%.

Theo ông Tuấn, sự đảo chiều của lạm phát đã đạt đến mức gây “sốc”, việc lạm phát đột ngột cao trở lại từ mức tăng 0,63% vào tháng 8 sang tăng 2,2% trong tháng 9, trong khi tăng trưởng tín dụng rất thấp là một dấu hiệu đáng lo. Yếu tố vĩ mô có chiều hướng không tốt sẽ ít nhiều tác động đến TTCK. Do vậy, thị trường tháng 10 khó có thể khởi sắc. Tâm lý NĐT vẫn theo hướng phòng thủ, thận trọng. Ngoài ra, nếu để ý có thể thấy, quý III thường là quý các DN niêm yết có kết quả kinh doanh thấp, rất có thể DN để dành cho quý IV, nhằm “làm đẹp” báo cáo tài chính vào cuối năm, đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản.

Về kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2012, những DN ngành xuất khẩu nhiều khả năng có sự ổn định, trong khi các DN chuyên ngành vật liệu xây dựng, thép… sẽ rất khó khăn, khác với xu hướng các năm trước. Năm nay, không ít DN bất động sản lao đao, phải tính đến việc điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh, vì kết quả thực tế đạt thấp so với kỳ vọng. Bên cạnh đó, sự lình xình của cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán trong thời gian qua còn có thể kéo dài do lợi nhuận khó có đột biến so với dự báo của NĐT. Đối với những DN có kết quả kinh doanh tốt, không bị ảnh hưởng và chi phối nhiều bởi tình hình chung của thị trường, thì giá cổ phiếu sẽ có diễn biến khả quan. Một số mã không chỉ được NĐT trong nước quan tâm, mà các NĐT nước ngoài đang mua ròng như GAS, DPM… Đây là nhóm cổ phiếu hợp lý để NĐT cân nhắc đầu tư dài hạn.

Hiện tại, thị trường đã thiết lập lại mặt bằng giá mới, khi có nhiều mã đã giảm 30 - 50% so với thời điểm quý I/2012. Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó tổng giám đốc CTCP Ngân hàng Công thương (CTS) cho rằng, tháng 10 là tháng đầu tiên của quý IV/2012, do vậy trong những phiên đầu tháng 10, giá cổ phiếu trên hai sàn sẽ được hậu thuẫn bởi kết quả kinh doanh của các DN khả quan, đặc biệt có một số DN đã về đích trước thời hạn, song đà tăng điểm chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Còn theo ông Khánh, kết quả kinh doanh quý III/2012 của các DN niêm yết nói chung sẽ không mong có nhiều bất ngờ, vì NĐT đã phán đoán được. Một số mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt đã được phản ánh vào giá trên thị trường trong những phiên qua. Sự đảo chiều bất ngờ đối với một số mã là do kết quả kinh doanh đang từ lỗ sang lãi, ngoài tầm suy đoán của NĐT. Xét trong ngắn hạn, thị trường chưa thể có những đợt bật dậy mạnh dù nhiều chuyên gia trước đó đã dự báo, quý IV nền kinh tế sẽ sáng hơn.