Thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế


Trải qua 21 năm phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) đã luôn khẳng định sức vươn lên mạnh mẽ và thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2021, khi nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng phải chống chịu với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, tổng mức huy động vốn trên thị trường vẫn tăng 25% so với năm trước. Điều đó cho thấy, TTCK Việt Nam ngày càng thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Lễ đón nhận quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (ngày 11/12/2021)
Lễ đón nhận quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (ngày 11/12/2021)

Dấu ấn sau 21 năm phát triển - Thị trường chứng khoán khẳng định vai trò kênh huy động vốn quan trọng

Thực hiện định hướng của Đảng, Chính phủ về xây dựng và phát triển TTCK, xác lập một kênh huy động vốn mới cho đầu tư phát triển từ những năm đầu thập kỷ 90, theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ nhằm thực hiện các chức năng tổ chức và quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Tiếp đó, ngày 20/7/2020 TTCK Việt Nam được thành lập và chính thức tổ chức phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên vào ngày 28/7/2020.

Trải qua 21 năm phát triển, có những bước thăng trầm, nhưng TTCK đã luôn khẳng định sức vươn lên mạnh mẽ và đã thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho phát triển nền kinh tế nước nhà. Đến nay, TTCK Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, phát triển đa dạng hàng hóa, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011- 2020 đã đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Đặc biệt, trong năm 2021, khi nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng phải chống chịu với những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, tổng mức huy động vốn trên thị trường vẫn tăng 25% so với năm trước, trong đó: huy động vốn của khối doanh nghiệp niêm yết thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần. Huy động vốn cho ngân sách nhà nước đạt 318.000 tỷ đồng. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu chính phủ đạt khoảng 147,5% GDP, tiệm cận với quy mô thị trường tín dụng ngân hàng. Trên cả ba thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ và thị trường TPDN đều đạt những kết quả khả quan. Cụ thể:  

Thứ nhất, thị trường cổ phiếu từ khởi điểm chỉ có 2 cổ phiếu niêm yết với giá trị vốn hóa rất nhỏ thì đến cuối năm 2021, thị trường có 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 02 Sở Giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7.774 nghìn tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2020, chiếm 123,5% GDP của năm 2020, tương đương 92,6 GDP ước tính của năm 2021.

Giai đoạn 2011 – 2020, TTCK ghi nhận tổng giá trị vốn huy động thông qua các đợt phát hành cổ phiếu đã tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2000-2010, đạt 348.424 tỷ đồng. Trong đó, giá trị huy động vốn giai đoạn 2016-2020 đạt 196.930 tỷ đồng, bằng 129,9% giai đoạn 2011-2015. TTCK đã hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó có 652 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và thoái với tổng số cổ phần đã bán hơn 5.718 triệu cổ phần, tổng giá trị thu về là 229 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, TTCK đã cho thấy vai trò hỗ trợ quan trọng cho các doanh nghiệp huy động vốn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh doanh.

Năm 2021, huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu, TPDN  và đấu giá cổ phần hoá ước đạt 155.588 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm trước. Tỷ lệ nhà đầu tư trong nước tham gia TTCK tăng mạnh với số tài khoản mở mới đạt trên 1,5 triệu tài khoản, bằng số tài khoản mở mới của 4 năm trước cộng lại. Thanh khoản bình quân/phiên đạt trên 2.600 tỷ đồng, tăng trên 250% so với năm 2020, ghi nhận có những phiên giao dịch đạt trên 2 tỷ USD, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, thị trường TPCP đã phát triển hoàn thiện về cấu trúc, đấu thầu, trở thành kênh huy động chính tạo điều kiện cho Chính phủ tăng huy động vốn trong nước, kỳ hạn phát hành bình quân tăng (từ mức 8,77 năm của năm 2016 lên mức 13,92 năm trong năm 2021), lãi suất phát hành bình quân giảm (từ 6,49%/năm của năm 2016 xuống còn 2,3%/năm trong năm 2021), góp phần tái cấu trúc danh mục nợ, chủ động trong huy động vốn cho NSNN. Trong 10 năm qua (giai đoạn từ  2011-2020), mức tăng trưởng bình quân của thị trường TPCP đạt 28,9%/năm, dư nợ phát hành đạt 28,28% GDP vào cuối năm 2020 (nếu tính cả trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu chính phủ bảo lãnh thì dư nợ trên GDP đạt 30,75% GDP). Trong năm 2021, khối lượng huy động TPCP đạt 318.000 tỷ đồng cho NSNN.

Thứ ba, thị trường TPDN có từ năm 2000.Tổng giá trị phát hành TPDN ra công chúng giai đoạn 2011-2020 đạt 116.535 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2016-2020 đạt 99.601 tỷ đồng, gấp 5,88 lần so với giai đoạn 2011-2015. Năm 2021, giá trị TPDN phát hành ra công chúng đạt 27.436 tỷ đồng, thấp hơn so với năm 2020 . Tuy nhiên, TPDN phát hành riêng lẻ có bước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2021 , giá trị TPDN phát hành riêng lẻ đạt 510.167 tỷ đồng  tăng  26% so với mức 403.468 tỷ đồng của năm 2020. Tính đến cuối tháng 11/2021, quy mô thị trường TPDN riêng lẻ tương đương 20,4% GDP năm 2020.

Có thể nói, TTCK Việt Nam đã phát triển nhanh, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nợ công, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn chủ yếu trong 10 năm tới

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến 2045 Việt Nam sẽ là một nước phát triển, thúc đẩy sáng tạo, phát triển của người dân và doanh nghiệp. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển: “Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia; cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính... Tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường, bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống. Nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của TTCK để thực sự trở thành một kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế”.

Bám sát trên quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; căn cứ trên định hướng của Chính phủ về Chiến lược Tổng thể về phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược Tài chính đến năm 2030, các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới để phát triển TTCK đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế là:

Một là, về thể chế, tập trung tổ chức triển khai Luật Chứng khoán năm 2019 và hệ thống các văn bản hướng dẫn để vận hành TTCK theo hướng an toàn, công khai, minh bạch. Xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030 trên quan điểm phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh các chương trình tái cơ cấu nhằm hoàn chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính, tăng tính liên kết giữa thị trường vốn dài hạn với thị trường tiền tệ tín dụng, thị trường bảo hiểm. Tiếp tục phát triển TTCK về quy mô, nhưng phải chuyển hướng chú trọng nhiều hơn về chất lượng và tính bền vững để TTCK khẳng định được là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế.

Hai là, tái cấu trúc, tổ chức lại TTCK theo đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo hướng hiệu quả, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, tổ chức lại các thị trường bộ phận, gồm thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh theo hướng chuyên nghiệp theo lộ trình quy định tại Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 21/7/2021 của Bộ Tài chính, tổ chức mô hình bù trừ thanh toán trung tâm.

Ba là, củng cố và phát triển thị trường trái phiếu. Đối với thị trường TPCP, tiếp tục thúc đẩy phương thức đấu thầu, kéo dài kỳ hạn, giảm lãi suất, đa dạng hoá sản phẩm, phát huy hiệu quả các ứng dụng của đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính. Đối với thị trường TPDN, tập trung xây dựng thị trường thứ cấp, khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng.

Bốn là, tích cực triển khai công tác tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột là tăng chất lượng của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, tăng cơ sở nhà đầu tư, tăng hàng hóa chất lượng cho thị trường và cơ cấu lại tổ chức thị trường.

Năm là, phát triển nhà đầu tư thông qua thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ hưu trí tự nguyện, các loại hình quỹ đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm...; thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong nước và quốc tế có nhu cầu đầu tư các sản phẩm tài chính bền vững.

Sáu là, tập trung phát triển TTCK theo chiều sâu, nâng cao chất lượng để phát triển thị trường bền vững. Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm trái phiếu xanh; triển khai áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); thực hiện công bố thông tin, minh bạch thông tin.

Bảy là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán, chủ động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch. Đưa hệ thống công nghệ thông tin mới (hệ thống KRX…) vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán sau giao dịch, tạo điều kiện triển khai các dịch vụ và sản phẩm mới (giao dịch trong ngày, giao dịch quyền mua…), tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chúng đầu tư.

Tám là, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, cưỡng chế thực thi để kịp thời phát hiện và hạn chế rủi ro tiềm ẩn trên TTCK. Theo đó, công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động của TTCK sẽ được tăng cường và triển khai quyết liệt theo hướng vừa mở rộng đối tượng thanh kiểm tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động, vừa tập trung vào các nội dung trọng điểm như giao dịch thao túng, nội gián, tuân thủ pháp luật về chứng khoán và TTCK của các doanh nghiệp trong công bố thông tin, huy động cổ phiếu, trái phiếu, sử dụng vốn, cung cấp dịch vụ về chứng khoán và TTCK, chất lượng của các báo cáo kiểm toán,... để bảo đảm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

(*) Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước/Bài đăng trên Tap chí Tài chính Kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.