Thị trường khởi sắc, cổ đông lớn tranh thủ thoái vốn

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán sôi động là thời cơ để các cổ đông lớn tranh thủ thoái vốn. Tuy nhiên, có nhiều mục đích đằng sau việc thoái vốn của các cổ đông.

Thị trường khởi sắc, cổ đông lớn tranh thủ thoái vốn
Thị trường chứng khoán sôi động là thời cơ để các cổ đông lớn tranh thủ thoái vốn. Nguồn: internet

Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt vừa thông báo đính chính phương thức thực hiện thoái toàn bộ hơn 1,15 triệu cổ phần NVT, chiếm tỷ lệ 1,28% vốn Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (NVT). Công ty TNHH một thành viên Xổ số và Đầu tư tài chính Hải Phòng đăng ký bán thêm 2 triệu cổ phiếu HPC trong tổng số 3.507.400 cổ phiếu HPC nắm giữ, thời gian giao dịch đến ngày 18/4. Trước đó, công ty này đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu HPC.

Việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng đang được thực hiện ráo riết. Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVX) đăng ký bán nhiều cổ phiếu trong ngành dầu khí như Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXT), Công ty cổ phần Dầu khí Đông Đô (PFL), Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (PTL)… Trước đó, HĐQT PVX đã thông qua việc thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam - SSG. Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng đăng ký bán cổ phần tại một số công ty con.

Không chỉ các cổ đông tổ chức đăng ký bán cổ phần, mà nhiều cổ đông lớn là cá nhân cũng quyết định giảm tỷ lệ sở hữu.  Một số lãnh đạo doanh nghiệp còn bán gần hết số cổ phần đang nắm giữ.

Chẳng hạn, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) đăng ký bán 6 triệu cổ phần HQC đến ngày 18/4 để lấy vốn đầu tư vào Trường Đại học Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ, do HQC làm chủ đầu tư. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ giảm số lượng cổ phiếu HQC nắm giữ từ 6,470 triệu đơn vị xuống 470.000 đơn vị, ứng với tỷ lệ sở hữu giảm từ 7,18% xuống 0,52%. Hay ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Xuân Thành (VIX) đăng ký bán hết 22,25 triệu cổ phần VIX, tương đương 74,17% vốn điều lệ từ ngày 31/3 đến ngày 30/4.

Cũng giải quyết nhu cầu cá nhân, từ ngày 3/4 đến ngày 2/5, ông Phan Chí Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) đăng ký bán 200.000 cổ phần PSG.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa hoàn tất việc bán thỏa thuận 24 triệu cổ phần HSG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 44,51% xuống 19,59%. Cùng thời gian, Công ty TNHH một thành viên Tam Hỷ - cũng do ông Vũ làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, đăng ký mua thỏa thuận đúng số lượng cổ phần HSG nêu trên. Tuy nhiên, mục đích của việc thoái hơn 50% số lượng cổ phần HSG mà ông Vũ đang nắm giữ là nhằm thuận tiện cho việc quản lý tài sản cá nhân.

Thông tin thoái vốn của các cổ đông lớn ít nhiều gây ra tác động tâm lý tới thị trường, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Bởi cổ đông nội bộ là người nắm rõ thông tin trọng yếu của doanh nghiệp, chắc phải có thông tin gì xấu thì mới bán ra mạnh như vậy?

Trước việc nhiều cổ đông có động thái thoái vốn, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho rằng, có nhiều mục đích đằng sau việc thoái vốn, nhưng xét ở một khía cạnh nào đó, việc cổ đông thực hiện thoái vốn phần nào cho thấy, các cổ đông này sẽ không còn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nhất là khi chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng tranh thủ thị trường chứng khoán sôi động để bán ra cổ phiếu.

Thực tế, phần lớn các thương vụ thoái vốn quy mô lớn được thực hiện qua giao dịch thỏa thuận và điều này ít gây áp lực trực tiếp đến thị trường. Đối với những giao dịch thực hiện bằng phương thức khớp lệnh, sức ảnh hưởng là rất lớn, thể hiện ở việc giá cổ phiếu đột ngột giảm.