Thị trường “mặc áo xanh” bao lâu?
(Tài chính) Xét dưới góc độ kinh tế nói chung thì thị trường chứng khoán trong những tháng còn lại của năm có thể bị ảnh hưởng nhất định trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn các doanh nghiệp hoạt động tốt thì cổ đông vẫn chấp nhận đầu tư…
Động thái của khối ngoại
Thông tin giảm lãi suất vừa được NHNN công bố đã tạo nên tâm lý tích cực trong phiên ngày hôm qua (29/10). Trên thị trường, màu xanh vẫn được duy trì sau nhiều ngày vắng bóng. Chỉ số VN-Index tăng 6,99 điểm so với ngày trước đó, chốt bảng ở 590,12 điểm. HNX-Index tăng không mạnh, chỉ 1,21 điểm, đưa chỉ số này lên 86,49 điểm vào cuối phiên.
Tuy nhiên, cũng như các phiên trước đó, thanh khoản thị trường giao dịch ngày 29/10 còn khá thấp, đạt chưa đầy 50% mức bình quân 20 phiên gần nhất, tương đương 122 triệu đơn vị. Độ rộng thị trường đã nghiêng nhiều về bên mua, song dòng tiền tham gia vào thị trường trong phiên duy trì ở mức yếu. Điều này cho thấy, NĐT còn khá e ngại khi tham gia vào thị trường sau nhiều phiên giảm điểm mạnh trước đó. Nhìn chung, mức tăng điểm trong phiên không thấm gì so với mức giảm hơn 20 điểm của 3 phiên trước đó.
Về giao dịch của khối ngoại, hai quỹ ETF trong tuần này tiếp tục có nhiều biến động. Theo quan sát của giới phân tích chứng khoán, trong tuần trước hai quỹ này bị rút vốn khá mạnh, trong đó FTSE là 400.000 chứng chỉ quỹ (CCQ), tương đương 245 tỷ đồng; VNM là 500.000 CCQ, tương đương 224 tỷ đồng. Nhưng, tác động rút vốn này của hai quỹ không ảnh hưởng nhiều đến giao dịch của khối ngoại. Điều này chứng tỏ, vẫn có lực mua khác đối trọng với ETF từ khối ngoại.
Theo số liệu của chuyên viên thị trường VDSC, FTSE đang giao dịch với mức trung bình khoảng 1,01%, nên khả năng bị rút vốn của quỹ này khá thấp. Tương tự, VNM bị rút 100.000 CCQ (khoảng 43,8 tỷ đồng), trong khi đó quỹ này đang giảm dần mức chiết khấu. Vì lẽ đó, giới phân tích cho rằng quỹ này nhiều khả năng không bị rút vốn nữa.
Lý do, trong một cuộc điều tra của Bloomberg, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng FED sẽ tuyên bố chấm dứt chương trình mua tài sản trị giá 15 tỷ USD và vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức từ 0 - 0,25%. Trong khi đó, dòng vốn ngoại của thị trường Việt Nam đang có xu hướng chững lại, nên điều này theo đánh giá của giới phân tích sẽ không tác động tức thì đến thị trường Việt Nam. Tuy vậy, động thái của FED về khả năng tăng lãi suất điều hành vẫn luôn là mối quan ngại đối với xu hướng dòng vốn nước ngoài tại các thị trường cận biên, mới nổi như Việt Nam. Đây là điều đáng để NĐT trong nước phải cân nhắc đối với những cổ phiếu mà họ đang nắm.
Doanh nghiệp pha loãng cổ phiếu
Bên cạnh dòng tiền khối ngoại, một quan ngại nữa đối với NĐT là các DN niêm yết bắt đầu đẩy nhanh tiến trình phát hành thêm cổ phiếu. Theo thống kê từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, có ít nhất 40 công ty đã, đang và sẽ tiến hành ĐHCĐ bất thường trong 3 tháng còn lại của năm. Trong đó, nội dung chủ chốt mà các DN này triển khai chủ yếu là hỏi ý kiến về việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Cụ thể, Thủy sản Bạc Liêu (BLF) dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi để tái cơ cấu nợ. Theo đó, BLF đang cân nhắc chuyện phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 30 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất tôm tại các KCN.
Tương tự, Công ty Cemistone Việt Nam (CMI) dự kiến trình ĐHCĐ chuyển phương án huy động vốn từ trái phiếu sang phát hành cổ phiếu riêng lẻ bằng mệnh giá. Theo kế hoạch, 100 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ đầu tư dứt điểm 2 nhà máy bột đá siêu mịn và nhà máy ốp lát nhân tạo tại Khu công nghiệp Nam Cấm, Nghệ An. Các DN khác như DLG, TIS, HVG, TSC, KSA… cũng đang hỏi ý kiến cổ đông cho các kế hoạch huy động vốn. Trong đó, phương án được tính đến nhiều nhất là phát hành cổ phiếu, trái phiếu cho cổ đông hiện hữu như cán bộ công nhân viên…
Theo chuyên viên vĩ mô, trong tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng mới đạt 7,3%, nhưng đã tăng tốc lên mức 8,2% trong tháng 11 và 12,51% vào tháng 12/2013. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,85% được xem là nhỉnh hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Theo chuyên viên vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là khả thi và sẽ tạo đòn bẩy lớn đối với nhiều DN.
Tích cực là vậy, song đối với thị trường chứng khoán việc phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu thời điểm này chưa chắc có lợi. Bởi, sắc xanh của thị trường chỉ mang tính ngắn hạn, chưa ổn định. Khi thanh khoản của thị trường chưa được cải thiện, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trong bối cảnh “chợ chiều” càng khiến giá trị cổ phiếu bị pha loãng.
Chẳng hạn, CMI phát hành riêng lẻ thêm 10 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá, vượt hơn số lượng cổ phiếu đang lưu hành của DN sẽ gây áp lực pha loãng lên cổ phiếu. Đó là chưa kể việc phát hành thêm sẽ tác động tiêu cực đến chỉ số của thị trường. Cụ thể, khi DN phát hành thêm cổ phiếu sẽ hút một lượng tiền lớn khỏi lưu thông. Ngoài ra, lượng cung cổ phiếu tăng mạnh trong khi lực cầu không có nhiều biến chuyển cũng là một yếu tố làm cho giá của khá nhiều cổ phiếu suy giảm, gây ảnh hưởng lớn đến chỉ số trong ngắn hạn.
Như vậy, xét dưới góc độ kinh tế nói chung thì TTCK trong những tháng còn lại của năm có thể bị ảnh hưởng nhất định trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn các DN hoạt động tốt thì cổ đông vẫn chấp nhận đầu tư…