Thị trường ngày 19/3: Giá dầu và cao su cùng tăng, vàng neo trên 1.300 USD/ounce
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua 18/3, dầu cao nhất gần 4 tháng, vàng duy trì vững trên 1.300 USD/ounce, palađi đạt mức cao đỉnh điểm, quặng sắt và cao su tăng, trong khi cà phê, đậu tương, ngô, lúa mì và dầu cọ đều giảm.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất gần 4 tháng, do OPEC cắt giảm sản lượng và dự trữ dầu thô của Mỹ suy giảm.
Chốt phiên giao dịch ngày 18/3 (theo giờ Mỹ), giá dầu thô Brent kỳ hạn tăng 38 US cent tương đương 0,6% lên 67,54 USD/thùng, gần mức cao đỉnh điểm năm 2019 (68,14 USD/thùng). Và dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tăng 57 US cent tương đương 1% lên 59,09 USD/thùng, trong phiên có lúc đạt 59,23 USD/thùng, cao nhất 4 tháng.
Trong buổi họp vào ngày hôm qua, Ủy ban Kiểm soát cấp Bộ trưởng OPEC+ trong đó có Nga, tuyên bố rằng tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong nhóm tăng lên mức gần 90% trong tháng 2/2019 từ mức 83% của tháng 1/2019. Nhóm cũng hủy cuộc họp vào tháng 4/2019, điều đó có nghĩa là nhóm sản xuất sẽ không gặp lại nhau cho đến tháng 6/2019.
Các dấu hiệu dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma của Mỹ suy giảm cũng hỗ trợ giá dầu. Dự trữ dầu thô tại Cushing, điểm giao dịch dầu WTI trong tuần đến ngày 15/3/2019 giảm 1,08 triệu thùng. Đồng thời, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm tuần thứ 2 liên tiếp.
Vàng duy trì trên 1.300 USD/ounce
Vàng duy trì trên ngưỡng 1.300 USD/ounce, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giữ lãi suất ổn định trong tuần này.
Vàng giao ngay duy trì vững ở mức 1.301,84 USD/oune, trong khi vàng kỳ hạn giảm 0,1% xuống 1.301,5 USD/ounce.
Các nhà đầu tư chuyển trọng tâm sang quyết định của Fed về lãi suất. Thị trường dự kiến Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay và thậm chí đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào năm 2020. Lãi suất thấp gây áp lực đối với đồng USD và thúc đẩy các nhà đầu tư mua vàng thỏi.
Nhà chiến lược hàng hóa Bart Melek thuộc TD Securities, Toronto cho biết: "Một thỏa thuận tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động tích cực đến đồng CNY và đó sẽ là chất xúc tác đẩy giá vàng tăng".
Palađi đạt mức cao mới
Palađi đạt mức cao đỉnh điểm, do thiếu hụt nguồn cung. Giá palađi giao ngay tăng 1,4% lên 1.581,01 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.584 USD/ounce, mức cao đỉnh điểm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá palađi đã tăng 26% và tăng hơn 90% kể từ mức đáy giữa tháng 8/2018.
Đồng duy trì ổn định
Giá đồng duy trì vững, do kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc trong quý 2/2019 tăng mạnh và dự trữ ở mức thấp, song mức tăng bị hạn chế bởi lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu. Giá đồng kỳ hạn trên sàn London thay đổi nhẹ ở mức 6.245 USD/tấn, giảm 0,1%. Trung Quốc chiếm khoảng 1/2 nhu cầu kim loại công nghiệp toàn cầu, nhu cầu giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 gia tăng, do hoạt động tích trữ bổ sung trước hoạt động xây dựng trong quý 2 tăng. Nhà phân tích thuộc ANZ cho biết: "Sự không chắc chắn về thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể là yếu tố quyết định đối với kim loại công nghiệp trong ngắn hạn".
Quặng sắt tăng hơn 3%
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng hơn 3% lên mức cao nhất 2 tuần, do lo ngại nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép suy giảm, sau khi Vale tuyên bố cắt giảm sản lượng.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng 3,6% lên 645 CNY/tấn, cao nhất kể từ ngày 4/3/2019, trong phiên có lúc tăng 1,6% lên 632,5 CNY/tấn.
Đồng thời, giá thép cuộn cán nóng kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,5% lên 3.697 CNY/tấn, trong khi giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 0,4% xuống 3.781 CNY/tấn.
Nhà khai thác quặng Vale - Brazil sẽ cắt giảm sản lượng tại bang Minas Gerais với công suất hàng năm 12,8 triệu tấn và cũng sẽ đình chỉ hoạt động tại đập Doutor.
Cao su tăng trở lại
Giá cao su tại Tokyo tăng trở lại, trong bối cảnh kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc – nước mua cao su hàng đầu thế giới, và các nhà đầu tư bán ra chốt lời. Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn TOCOM tăng 1,3 JPY tương đương 0,6% lên 194,3 JPY (1,74 USD)/kg, hồi phục từ mức thấp nhất 3 tuần trong phiên trước đó. Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn TOCOM tăng 0,6% lên 170 JPY/kg. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 10 CNY xuống 11.915 CNY (1.776 USD)/tấn.
Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida thuộc Rakuten Securities cho biết: "Xu hướng thị trường được cải thiện, do gia tăng kỳ vọng sẽ có những giải pháp cho các vấn đề toàn cầu như nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra một số nhà đầu tư bán ra chốt lời sau khi giá cao su trong tuần trước giảm". Cà phê giảm, đường cao nhất hơn 2 tuần
Giá cà phê giảm do nguồn cung dư thừa, trong khi giá đường tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2019 giảm 0,95 US cent tương đương 1% xuống 96,85 US cent/lb, trong phiên có lúc chạm 96,3 US cent/lb, gần mức thấp nhất 13 năm (94,65 US cent/lb) trong tuần trước đó. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn không thay đổi, ở mức 1.485 USD/tấn.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2019 tăng 0,32 US cent tương đương 2,6% lên 12,84 US cent/lb, trong phiên có lúc đạt 12,87 US cent/lb, cao nhất kể từ ngày 1/3/2019. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 6 USD tương đương 1,8% lên 346,7 USD/tấn.
Ngô, đậu tương và lúa mì đều giảm
Giá ngô giảm do các thương nhân lo ngại về triển vọng xuất khẩu đối với ngũ cốc của Mỹ. Đậu tương và lúa mì cũng giảm.
Giá ngô kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago giảm 1-3/4 US cent xuống 3,71-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago giảm 3-1/2 US cent xuống 9,05-3/4 USD/bushel và giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 5/2019 trên sàn Chicago giảm 5-1/2 US cent xuống 4,56-3/4 USD/bushel.
Dầu cọ giảm
Giá dầu cọ tại Malaysia giảm theo xu hướng giá dầu đậu tương suy yếu, sau khi giảm 3 tuần liên tiếp bởi lo ngại nhu cầu.
Giá dầu cọ kỳ hạn trên sàn Bursa Malaysia giảm 0,24% xuống 2.107 ringgit (516,42 USD)/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 19/03