Thị trường “rung lắc”, nhà đầu tư bản lĩnh

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) BMC (Khoáng sản Bình Định) của năm 2007 và FLC (Tập đoàn FLC) hiện tại có điểm giống nhau là cả hai đều là những cổ phiếu đầu cơ nổi bật. Nhưng điểm khác nhau chính là thanh khoản.Tuần rồi ghi dấu tròn 7 năm, ngày VN-Index tạo đỉnh 1.170,67 điểm (12/3/2007) và 7 năm sự thay đổi cả về chất lẫn lượng của xu hướng đầu cơ, vốn không thể thiếu trên thị trường chứng khoán.

Thị trường “rung lắc”, nhà đầu tư bản lĩnh
Đầu tư vào thời điểm hiện nay nhà đầu tư phải cân nhắc, tính toán. Nguồn: internet

Quan trọng là khối lượng giao dịch

Năm 2007, BMC tăng giá trong sự thèm thuồng của nhiều nhà đầu tư, tăng thấy mê nhưng không thể mua được vì mỗi phiên khớp chỉ vài chục đến vài ngàn cổ phiếu. Còn hiện giờ, nhà đầu tư thích FLC vì có nhiều sóng và sóng lớn đều có thể tham gia, vì mỗi phiên mã này có thể khớp đến cả chục triệu cổ phiếu.

Có thể tạm gọi xu hướng của BMC là đầu cơ đóng, còn FLC là đầu cơ mở. Thời điểm giao thời của 2 xu hướng này là vào năm 2010. Khi đó thị trường có S96 (Sông Đà 9.06) cũng tăng giá “dựng đứng”, thanh khoản thấp, nhưng cũng có PVA (Xây lắp Dầu khí Nghệ An), PVX (Xây lắp Dầu khí), MCG (Meco JSC) tăng giá mạnh, thanh khoản cũng khá tốt.

Đầu cơ đóng giờ đây gần như “tuyệt chủng”, thỉnh thoảng vẫn thấy những cổ phiếu thanh khoản thấp, tăng giá gần chục phiên, nhưng chẳng ai quan tâm như trước nữa. Bởi giả như có chuyện đánh lên cổ phiếu thật, ít thanh khoản, đồng nghĩa với ít người mua, có lẽ “nhà cái” phải tự mua bán với nhau thôi.

Thông qua giá trị giao dịch có thể đánh giá được dòng tiền, thanh khoản của thị trường, nhưng để đánh giá mức độ sôi động có lẽ nên xem xét cả khối lượng giao dịch. Phiên 14/3, VN-Index tăng 1,61 điểm, tương đương 0,27% lên 596,83 điểm, thanh khoản cả 2 sàn đạt mức cao với khoảng 4.000 tỷ đồng.

Nếu giả định, một số cổ phiếu đầu cơ bây giờ vẫn còn “đội lái”, việc cổ phiếu có nhiều thanh khoản sẽ giúp cho các “lái” an toàn hơn rất nhiều. Bởi thanh khoản sẽ an toàn hơn trong việc ra hàng, tránh phải đẩy cổ phiếu lên rồi ôm “giấy lộn”. Còn thanh khoản lớn, nhiều người chơi, có khi lực đẩy của thị trường cũng đủ để đẩy cổ phiếu lên, các “lái” lúc đó không cần “lái”.

FLC tăng 100 đồng đạt 13.700 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt gần 10 triệu cổ phiếu, xấp xỉ 137 tỷ đồng giá trị giao dịch. Về mặt giá trị giao dịch, FLC vẫn còn thua xa VNM, khi cổ phiếu được xem là tốt nhất thị trường này đạt gần 187 tỷ đồng giá trị giao dịch, lớn gần gấp rưỡi FLC. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của FLC lại “ăn đứt” khối lượng giao dịch của VNM  với gần 800.000 cổ phiếu.

Giả sử nhà đầu tư định giải ngân 150 triệu đồng, nếu chỉ mua VNM về mặt số lượng chỉ đạt được khoảng 1.000 cổ phiếu, trong khi nếu mua FLC được đến hơn 10.000 cổ phiếu, tạo cảm giác hưng phấn hơn. Khi VN-Index biến động tăng nhẹ, tăng mạnh, rồi giảm nhẹ, giảm mạnh liên tục, việc giữ một cổ phiếu có biến động theo sát với thị trường cũng tạo nhiều cảm xúc hơn.

Chỉ cần thị trường tăng, thường những mã đầu cơ kiểu này cũng khó lòng đi ngược, thậm chí còn tăng mạnh (outperform) hơn so với tỷ lệ tăng chung. Trong khi đó, giao dịch của VNM thường ổn định chứ không có kiểu dồn dập như vậy. 

Chiến thuật ra vào hợp lý

Khoảng 2 tháng qua, FLC đã tăng từ mức 8.000 đồng/cổ phiếu lên gần 14.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ tăng lên đến 70%. Tỷ lệ này nếu so với BMC, S96, PVA… khi xưa tất nhiên vẫn còn thua xa, nhưng nếu nhìn vào thanh khoản của FLC cũng như bối cảnh của thị trường chứng khoán bây giờ phải thực sự thán phục. Những nhà đầu tư quen “chơi” blue chip kiểu VNM, GAS, REE, DPM… nếu mới chuyển sang theo dõi (chưa nói đến mua) những cổ phiếu đầu cơ kiểu như FLC, VNE, PVX hẳn sẽ rất choáng.

khối lượng giao dịch mỗi lệnh mua/bán của blue chip thường dao động trong khoảng vài ngàn, hưng phấn hơn chục ngàn, cũng có lúc chỉ vài trăm. Trong khi đó khối lượng giao dịch cho mỗi lệnh mua/bán của cổ phiếu đầu cơ hầu hết đều chục ngàn trở lên, có khi những lệnh mua “kịch kim” 19.990 cổ phiếu tại HOSE xuất hiện liên tục, mà nhà đầu tư hay nói vui là mua/bán “sỉ”.

Hàng trăm ngàn cổ phiếu treo ở dư bán nhìn lớn như vậy, nhưng có khi chỉ cần vài phút là hết veo. Tất cả tạo nên sự sôi động và tất nhiên khó đoán cho những ai tham gia cuộc chơi. Ngày 12/3, VN Index mặc dù tăng nhưng “rung lắc” khá mạnh, có lúc chỉ số này tăng đến 8 điểm lên 596 điểm, nhưng kết thúc phiên chỉ tăng 1,5 điểm lên 590 điểm. Tương ứng trong phiên này, FLC giảm giá 500 đồng/cổ phiếu xuống 13.200 đồng/cổ phiếu.

Đó cũng là đặc điểm của cổ phiếu nóng, khi thị trường tăng, thường sẽ tăng mạnh hơn chỉ số chung, nhưng khi thị trường xấu cũng rất “bi quan”. Như vậy, những nhà đầu tư không may mua vào chừng 50.000-100.000 cổ phiếu FLC với giá 13.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/3, vào lúc thị trường đóng cửa coi như đã “bốc hơi” từ 25-50 triệu đồng.

Những con số này không phải lớn, nhưng nếu trực tiếp theo dõi bảng điện tử nhìn lệnh đổ vào/rút ra ở hai bên mua và bán, nhiều khi cổ phiếu chỉ mới giảm 1-2%, nhưng sẽ có cảm giác như sắp… giảm sàn (7% tại HOSE và 10% tại HNX) đến nơi.

Chẳng hạn, khi cổ phiếu giảm, bắt đầu lệnh ở bên dư mua rút lại, trong khi lệnh bên bán tung ra, điều này khiến nhà đầu tư đâm hoảng, có thể đem cổ phiếu mình đang có bán cho chắc, nhưng cuối cùng ở đâu lại xuất hiện một loạt lệnh mua lớn như “chọc tức” nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư sử dụng margin quyết ăn thua đủ đối với cổ phiếu, nếu không kiểm soát được cảm xúc trong những thời điểm này sẽ rất dễ hành động sai, thua lỗ nặng.

FLC tăng 70% trong 2 tháng, PVX tăng gấp đôi trong khoảng 1 tháng rưỡi qua, MCG cũng tăng khoảng 50% trong 1 tháng, nhưng ai giữ được những cổ phiếu này trong khoảng thời gian dài quả là bậc thầy vì đó là điều quá khó. PVX dù tăng mạnh và có những thông tin hỗ trợ, nhưng vẫn đang gặp khó khăn khi con số thua lỗ vẫn “chình ình” ra đó.

nhà đầu tư chỉ cần T+3 có lãi là chốt ngay, nhất là những ai sử dụng margin. Vấn đề là nhà đầu tư sau khi bán xong, nhiều khi thấy cổ phiếu tăng nữa, tiếc lại mua vào, hoặc nhà đầu tư khác nghĩ rằng cổ phiếu còn cơ hội tăng cũng “lên tàu” (tức mua vào). Tất cả đã đẩy thanh khoản của cổ phiếu tăng và giá cũng tăng.

7 năm trước, nhà đầu tư rất khó “lên tàu” với cổ phiếu đầu cơ, lên được là yên tâm có lãi, vì cổ phiếu đã tăng là tăng cả chục, thậm chí vài chục phiên và lợi nhuận tính bằng lần. Còn hiện nay, chơi cổ phiếu đầu cơ, “lên tàu” rất dễ nhưng trụ được trên tàu cho đến đích cuối cùng lại quá khó, vì có quá nhiều thử thách cả về mặt tin tức, lẫn diễn biến cung-cầu trên thị trường sẽ khiến nhà đầu tư rất dễ bị dao động và “văng khỏi tàu”.