Thị trường tài chính 24h: Nỗi lo dần tan biến trên thị trường chứng khoán
VN-Index tăng hơn 12 điểm; Lợi nhuận ngân hàng được dự báo giảm trong nửa cuối năm 2020; Cổ phiếu tốt không tăng; Nhà đầu tư nước ngoài chờ cơ chế mới để tăng giải ngân; VN-Index liên tiếp tăng điểm: Nỗi lo nhà đầu tư tan biến; Chứng khoán châu Á phân hóa; Covid-19 làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế châu Á... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 3/9 giảm 750.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm thêm 150.000 đồng/lượng chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại mức 55,85 – 56,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 26,7 USD xuống 1.943,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục xu hướng giảm và về gần 1.931 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 10 trên sàn Comex New York giảm 6,5 USD xuống 1.928,4 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,09% lên 92,93 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 3/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.203 đồng, tăng 8 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.090 - 23.270 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,79 USD (-1,90%), xuống 40,72 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,81 USD (-1,82%), xuống 43,62 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index nhích hơn 12 điểm
Sau phiên sáng khởi sắc, thị trường bước vào phiên chiều với tâm lý cởi mở hơn, VN-Index nhích dần và thiếu chút đã leo lên 905 điểm khi đóng cửa với thanh khoản tăng vọt và nhóm bluechip hỗ trợ mạnh.
Nhóm cổ phiếu hỗ trợ thị trường nổi bật như nhóm Vingruop với VIC +1,9%; VRE +3,2%; VHM +1,1%. Bên cạnh đó là SAB +2%; VJC +2%; POW +4,5%; KDH +2,3%; VCB +3,9%; BID +1,9%; và HDB +4,6%
Nhóm cổ phiếu thị trường với HSG, ITA, DBC, DXG, HCM, JVC tăng điểm, thậm chí GEX, OGC, EVG, SJF tăng kịch trần.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 12,52 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 377,35 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 3/9: VN-Index tăng 12,24 điểm (+1,37%), lên 903,97 điểm; HNX-Index tăng 0,64 điểm (+0,51%), lên 126,05 điểm; UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,28%), lên 58,96 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng vào phiên ngày thứ Tư (2/09), tiếp tục có khởi đầu mạnh mẽ cho tháng 9, khi nhà đầu tư chốt lời ở những cổ phiếu “nóng” như Apple và Tesla, đồng thời nhanh chóng mua lại những cổ phiếu bị đánh giá thấp hơn trên thị trường,
Cổ phiếu Coca-Cola vọt hơn 4%, cổ phiếu IBM cộng hơn 3%. Trong khi đó, cổ phiếu Apple và Tesla lần lượt giảm 2,1% và 5,8%, xóa bớt phần nào đà tăng mạnh gần đây.
Kết thúc phiên 2/9, chỉ số Dow Jones tăng 454,84 điểm (+1,59%), lên 29.100,50 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 54,19 điểm (+1,54%), lên 3.580,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 116,78 điểm (+0,09%), lên 12.056,44 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong hơn 6, khi kỳ vọng có thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế toàn cầu và trong nước thúc đẩy tâm lý thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,94% lên 23.465,53 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 21/2. Chỉ số Topix tăng 0,48% lên 1.631,24 điểm.
Nobuhiko Kuramochi, chiến lược gia thị trường tại Mizuho Securities cho biết, Chính phủ Nhật Bản có khả năng mở rộng các gói hỗ trợ việc làm và đường cong lợi suất của Mỹ sẽ không tăng giá cho đến năm 2024, khiến các nhà đầu tư tìm mua các tài sản rủi ro.
Nhóm cổ phiếu liên quan chất bán dẫn tăng, với Shin-etsu Chemical tăng 3,7% và Nidec tăng 1,8%.
Đáng kể, công ty truyền hình cáp Sky Perfect JSAT Holdings đã tăng 15,7% sau khi công bố lợi nhuận tăng vọt bất ngờ, một phần do chi phí giảm khi các sự kiện thể thao chuyên nghiệp bị hủy bỏ.
Chứng khoán Trung Quốc giảm do hầu hết các nhóm ngành đểu chịu áp lực bán chốt lời.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,58% xuống 3.384,98 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,55% xuống 4.817,10 điểm.
Hầu hết các ngành đều mất điểm, với số cổ phiếu mất điểm gần 1.200 cổ phiếu và chỉ 499 mã tăng trên sàn Thượng Hải.
Ngược lại với xu hướng này, lĩnh vực hàng không dân dụng đã tăng điểm rõ rệt với chỉ số phụ theo dõi tăng 1,52%, nhờ lượng khách tiếp tục tăng trong bối cảnh hạn chế Covid-19 được nới lỏng.
Ngành rượu cũng tăng với giá cổ phiếu trong ngành tăng trung bình 1,79% nhờ Tết Trung thu sắp diễn ra vào tháng 10.
Chứng khoán Hồng Kông giảm khi nhóm cổ phiếu công nghệ lùi bước, sau khi Ấn Độ cấm thêm hàng trăm ứng dụng của Trung Quốc.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,45% xuống 25.007,60 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,61% xuống 9.940,13 điểm.
Thông tin khiến thị trường ảnh hưởng bởi Ấn Độ tuyên bố cấm 118 ứng dụng di động từ Trung Quốc, bao gồm cả trò chơi PUBG của Tencent và ShareSave của Xiaomi.
Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp, nhờ động lực từ cổ phiếu lớn Samsung Electronics
Cổ phiếu của nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới Samsung Electronics đã tăng tới 5% sau khi Nvidia Corp cho biết sẽ giao Công ty là nhà sản xuất chip GeForce mới.
Nâng cao tâm lý thị trường còn đến từ việc Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, chính phủ có kế hoạch tạo quỹ 20 nghìn tỷ won (16,8 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới cho chương trình “Thỏa thuận mới” của Tổng thống Moon Jae-in.
Kết thúc phiên 3/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 218,38 điểm (+0,94%), lên 23.465,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 19,82 điểm (-0,58%), xuống 3.384,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 112,49 điểm (-0,45%), xuống 25.007,60 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,53 điểm (+1,33%), lên 2.395,90 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lợi nhuận ngân hàng được dự báo giảm trong nửa cuối năm 2020
Tín dụng tăng chậm trước tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai, trong khi nguồn thu ngoài lãi không thể bù đắp sự sụt giảm từ cho vay. Đồng thời, nợ xấu có xu hướng tăng, kéo theo dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng..>> Chi tiết
- Cổ phiếu tốt không tăng
Thị trường hồi phục sau dịch Covid-19, nhưng không ít cổ phiếu cơ bản, cổ tức cao có giá tăng chậm, thậm chí suốt thời gian dài không tăng..>> Chi tiết
- Nhà đầu tư nước ngoài chờ cơ chế mới để tăng giải ngân vào chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ chờ cơ chế thông thoáng hơn mới tăng cường giải ngân..>> Chi tiết
- VN-Index liên tiếp tăng điểm: Nỗi lo nhà đầu tư tan biến
VN-Index vừa có tuần tăng thứ tư, trở về vùng điểm trước khi lao dốc do Covid-19 gây ra trong cả hai đợt bùng phát tháng 3 và cuối tháng 7..>> Chi tiết
- Covid-19 làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các nền kinh tế châu Á
Thị trường cổ phiếu và tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển giàu có hơn đang vượt trội so với các quốc gia đang phát triển nhưng nghèo hơn trong bối cảnh đại dịch..>> Chi tiết