Fed và chính sách cung tiền phi truyền thống
Nửa cuối năm 2011 khi nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu yếu kém, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định đưa ra chương trình cung tiền mới với tên gọi Operation Twist (OT) nhằm kích thích nền kinh tế. Chương trình này chủ yếu là mua các trái phiếu kho bạc dài hạn và bán ra một số trái phiếu ngắn hạn hơn. Thực chất, hoạt động này là hoán đổi kỳ hạn cho những trái phiếu kho bạc từ kỳ hạn ngắn thành dài hơn. Nghĩa là, Fed cho kho bạc vay dài hạn thay vì ngắn hạn, cung tiền không bị thu hẹp khi các trái phiếu này đến hạn mà tiền sẽ ở lại nền kinh tế dài hơn. Mục đích của hoạt động này là nhằm gây sức ép làm giảm các lãi suất dài hạn, trong đó có lãi suất cầm cố. Động thái này tiếp đó sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường nhà ở Mỹ cũng như tăng trưởng.
Với mục tiêu trên, kể từ tháng 9/2011 đến hết năm 2012, Fed đã hoán đổi để giữ lại trong nền kinh tế một lượng cung tiền là 667 tỷ USD.
Bên cạnh OT, các chương trình nới lỏng định lượng (quantitative easing – QE) cũng lần lượt được triển khai. Những QE được xem là một loại chính sách cung tiền phi truyền thống. Khi lãi suất cơ bản và lãi suất trái phiếu ngắn hạn ở mức quá thấp thì việc mở rộng cung tiền qua hạ lãi suất hay hoạt động thị trường mở qua việc mua trái phiếu ngắn hạn không còn phát huy tác dụng nữa. Khi đó ngân hàng trung ương mua các tài sản tài chính của các ngân hàng thương mại (các chứng khoán cầm cố bất động sản chẳng hạn như trong trường hợp Fed làm). Qua đó, ngân hàng trung ương tạo thêm thanh khoản cho hệ thống này, nhằm làm giảm hơn nữa các lãi suất trên thị trường xuống mức lãi suất mục tiêu.
Ngày 14/9/2012, nhận thấy nền kinh tế chưa phục hồi rõ rệt và mức thất nghiệp vẫn còn cao trong khi rủi ro từ châu Âu có phần căng thẳng hơn, Fed đã tuyên bố thực thi QE3 với việc mua 40 tỷ USD/tháng các chứng khoán dựa trên cho vay cầm cố (morgage-backed securities) nhằm kích thích kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Theo đó, 23 tỷ USD được chi ngay trong nửa cuối tháng 9. Mục đích là gây áp lực giảm các lãi suất cho vay dài hạn, hỗ trợ các thị trường cầm cố bất động sản và nhằm làm cho các điều kiện tài chính trong nền kinh tế trở nên dễ chịu hơn.
Cùng với đó, Fed vẫn tiếp tục thực hiện chương trình OT. Hai chương trình trên làm tăng 85 tỷ USD/ tháng vào bảng cán cân của Fed. Bên cạnh đó, Fed tuyên bố giữ lãi suất dài hạn thấp kỷ lục (0,25%/năm) đến tận cuối 2014 và tháng 12/2012 lại cho biết có thể sẽ kết thúc OT nhưng vẫn duy trì các QE.
Những chính sách táo bạo của Fed đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số Ted-Spread của Mỹ giảm liên tục từ mức 56 điểm đầu tháng 1/2012 xuống 22 điểm vào những ngày cuối tháng 12/2012 (Chỉ số này đo mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu chính phủ 3 tháng và lãi suất LIBOR ba tháng. Chỉ số này tăng lên phản ánh tình trạng căng thẳng và khan hiếm tiền tệ tăng lên và ngược lại. Về dài hạn, mức điểm trong khoảng từ 10 đến 20 điểm phản ánh tình trạng bình thường của thị trường tài chính. Trong thời điểm phá sản Leman Brothers, chỉ số này lên tới 600 điểm). Quan trọng hơn, lãi suất cho vay cầm cố loại 30 năm giảm mạnh từ trên 4% đầu năm 2012 xuống còn 3,4% vào những ngày cuối năm 2012 (so với mức 5% đầu năm 2011).
Fed đã thành công với chính sách tiền tệ của mình. Nhờ đó, thanh khoản của khu vực tài chính tăng lên, lãi suất dài hạn được duy trì ở mức thấp. Tất cả đã kích thích thị trường nhà ở đi vào ổn định hơn (điều vô cùng quan trọng cho sự phục hồi kinh tế Mỹ). Lần đầu tiên kể từ năm 2008, chỉ số nhà ở Mỹ (S&P/Case- Shiller) ở mức dương. Đây là lý do quan trọng giải thích tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2012 khá vững chắc trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro.
Draghi “giải cứu” châu Âu
Bước vào năm 2012, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia... có nguy cơ sẽ phải rời khỏi Eurozone khi trái phiếu chính phủ của các nước này đã ở mức quá cao, vỡ nợ quốc gia là gần như không tránh khỏi. Nếu điều đó xảy ra thì kết cục sẽ là sự tan rã của Eurozone cùng với sự biến mất của đồng Euro. Vì vậy, việc “giải cứu” châu Âu khỏi cuộc khủng hoảng nợ công có ảnh hưởng lớn nhất đối với nền tài chính nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói riêng trong khoảng thời gian này.
Hiệu ứng Draghi
Từ ngày 1/11/2011, ông Mario Draghi - một chuyên gia kinh tế, ngân hàng người Italia đã lên làm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (thay cho ông Jean-Claude Trichet người Pháp). Ngay khi nhậm chức, nhằm tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, ông Draghi đã đưa ra chính sách cho các ngân hàng vay có thế chấp không giới hạn với giá rẻ. Việc vay với lãi suất 1% từ ECB và đi mua trái phiếu các nước như Italia, Tây Ban Nha, những chính phủ vẫn có khả năng trả nợ là một cơ hội đầu tư không tồi và đã có tới 523 ngân hàng chớp lấy cơ hội này để vay ECB tổng cộng 647 tỷ USD (489 tỷ Euro).
Đến cuối tháng 5/2012, ông Draghi lại kêu gọi thành lập quỹ bảo hiểm tiền gửi châu Âu thay vì các quỹ ở cấp quốc gia (để đảm bảo mọi khoản tiền gửi ở châu Âu là an toàn). Tháng 7/2012, ông Draghi lại tuyên bố “làm tất cả những gì có thể để bảo vệ đồng Euro”.
Các ngân hàng vào thời điểm trên rất ngại cho các chính phủ châu Âu vay vì nợ công của các nước này đã ở mức cao. Draghi tuyên bố có thể sẽ “nhảy” vào thị trường trái phiếu nhằm giảm bớt chi phí vay của các chính phủ xuống. Đến tháng 9/2012, ECB đạt được thỏa thuận về một khuôn khổ mua trái phiếu của các nước Eurozone gặp khó khăn trên thị trường mở với khối lượng không hạn chế. Tất nhiên, các quốc gia đó phải đảm bảo được những điều kiện nhất định.
Chương trình gọi là Giao dịch tiền tệ trực tiếp (OMT) sẽ mua không giới hạn trái phiếu của các chính phủ đang gặp khủng hoảng nợ. Điều kiện là các chính phủ đó phải làm đơn xin trợ giúp tới quỹ giải cứu Eurozone (ESM) và đồng ý với những điều kiện tài chính mà quỹ này đòi hỏi. Như vậy, OMT khác với chương trình mua trái phiếu (SMP) của người tiền nhiệm trước đây ở chỗ SMP là mua có giới hạn và không có điều kiện ràng buộc còn OMT là mua không giới hạn nhưng phải có điều kiện.
OMT bắt đầu có hiệu lực vào ngày 4/10/2012. Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Đức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không tán thành cho rằng, làm như vậy là biến ECB thành máy in tiền để tài trợ cho những chính phủ yếu và việc cho các ngân hàng vay giá rẻ không hạn chế sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn trong tương lai vì các ngân hàng “chết lâm sàng” (zomebie bank) sẽ lại dùng tiền này bơm vào các công ty đã “chết lâm sàng” (zomebie company).
Không thể phủ nhận những nguy cơ trên nhưng vấn đề là phải giải cứu Eurozone trước khi tính đến việc làm thế nào để ngăn chặn những rủi ro như vậy. Để làm việc đó thì phải dùng những biện pháp phi truyền thống. Thực chất, đây cũng chính là những ý tưởng mà Fed đã thực hiện để giải cứu cuộc khủng hoảng tài chính, ngân hàng ở Mỹ.
Mục đích các chính sách của ông Draghi chính là nhằm: Tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng khan hiếm tiền; Tạo sức ép làm giảm các lãi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường trái phiếu. Những mục đích này đều đạt được trên thực tế.
Chỉ số Chênh lệch Euribor-OIS (Euribor-OIS Spread) loại ba tháng - một chỉ số quan trọng phản ánh sự căng thẳng trên thị trường tiền tệ đã có những động thái rất tốt thể hiện sự đúng hướng của các chính sách mà Mario Draghi đưa ra. Bên cạnh đó, chi phí đi vay của nhiều nước đã giảm xuống. Trái phiếu 10 năm của Tây Ban Nha giảm từ mức đỉnh 7,62%/năm hồi cuối tháng 7/2012 đã xuống mức xoay quanh 5%/ năm vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013. Lãi suất trái phiếu 10 năm của Italy cũng giảm từ mức 6,5%/năm vào ngày 24/7/2012 xuống chỉ còn trên 4%/năm vào thời điểm kết thúc năm 2012.
Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đã có những phản ứng hết sức tích cực với những hy vọng châu Âu được “giải cứu”. Kể từ khi Draghi cam kết “cứu” Eurozone hồi tháng 7/2012 đến cuối năm 2012, thị trường chứng khoán Hy Lạp đã tăng hơn 40%, thị trường chứng khoán Italy tăng tới 30%...
Liên minh ngân hàng - bước đi quan trọng ổn định châu Âu
Tiếp theo những kết quả tốt đẹp từ chính sách của Draghi, ngày 12/12/2012 các bộ trưởng tài chính châu Âu đã đồng ý đặt các ngân hàng ở khu vực châu Âu dưới sự giám sát duy nhất của ECB. Đây là bước đi quan trọng và cụ thể nhằm duy trì sự sống còn của đồng Euro.
Theo thỏa thuận này, 100 ngân hàng lớn nhất châu Âu sẽ bị đặt dưới sự giám sát trực tiếp của ECB, hàng nghìn ngân hàng nhỏ còn lại sẽ được đặt dưới sự giám sát của các nhà chức trách quốc gia. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu quả quyết rằng ECB có thể giành quyền giám sát bất kỳ một ngân hàng nào ở châu Âu vào bất kỳ thời điểm nào nếu ECB thấy cần thiết.
Đây là một trong những bước tiến hướng tới liên minh ngân hàng rộng lớn hơn như một hệ thống chung có thể đóng cửa những ngân hàng yếu kém và cuối cùng là để có những biện pháp tăng cường sự thống nhất tiền tệ và kinh tế của châu Âu. Điều này giống như việc tạo ra một quỹ chống sốc để củng cố, hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương là thành viên của Eurozone. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vẫn phải đợi quốc hội các quốc gia phê duyệt.
Các thị trường tài chính khá ổn định
Hầu hết các thị trường tài chính lớn trên thế giới đều đã ổn định hơn trong năm 2012. Từ tháng 3 đến tháng 6/2012, các thị trường tài chính chịu áp lực giảm giá khi Hy Lạp có nguy cơ rời khỏi khu vực Eurozone, thậm chí đồng Euro cũng bị đe dọa sẽ không còn nữa; tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn yếu kém, mức thấp nghiệp tăng trở lại (từ mức 8,1% lên 8,2% trong tháng 5); các nền kinh tế mới nổi vẫn đang phải cố kiểm soát lạm phát, Trung Quốc còn bị dự báo sẽ hạ cánh cứng. Tuy nhiên, từ tháng 7/2012, những diễn biến tích cực trong chính sách tài chính, tiền tệ ở châu Âu và Mỹ, cộng với tăng trưởng dần ổn định và có chiều hướng tốt trong những tháng cuối năm đã khiến các thị trường tài chính phục hồi tốt.
Xét cả năm, hầu hết các thị trường lớn đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2011. Tuy nhiên, nếu so sánh, thì tất cả các thị trường chứng khoán lớn đều có mức tăng trưởng kém hơn so với thị trường chứng khoán New York. Lý do là trong nền kinh tế thế giới năm 2012, chỉ duy nhất nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn có tăng trưởng vững chắc nhất. Đây là nơi đầu tư an toàn nhất trong năm 2012.
Điểm khác biệt duy nhất trong các thị trường tài chính lớn trong năm 2012 là sự đi xuống của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng” là nguyên nhân quan trọng làm chỉ số ShangHai sụt giảm liên tiếp trong năm 2012. Thực chất là Trung Quốc buộc phải giảm “sức nóng” nền kinh tế trong năm 2011 và xì hơi bong bóng bất động sản. Lo ngại rằng Trung Quốc không thể kiểm soát được quá trình này cũng là mối lo ngại lớn hồi đầu năm của kinh tế Trung Quốc và cả thế giới. Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2012, khi nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể kiểm soát được đà giảm tốc của nền kinh tế, thị trường chứng khoán nước này đã bắt đầu tăng trở lại.
Các đồng tiền phân hóa
Đồng USD lấy lại vị thế
Tương tự như thị trường chứng khoán Mỹ, đồng USD năm 2012 đã có được sự ổn định và mạnh hơn so với năm 2011. Chỉ số đồng USD năm 2012 có khoảng biến động giữa mức đáy là 78 và mức đỉnh là 84, tức trên 7%, so với khoảng biến động là từ 73 đến 81,7 điểm, tức khoảng 10% trong năm 2011.
Lý do đằng sau sự tăng giá trở lại và khá ổn định của đồng USD trong năm 2012 là tăng trưởng ổn định hơn, chắc chắn hơn của nền kinh tế Mỹ so với phần còn lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu vẫn căng thẳng.
Đồng Euro thoát hiểm
Lý do giải thích sự trở lại của đồng USD cũng chính là lý do mất giá của đồng Euro. Cùng với mức căng thẳng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, đồng Euro chịu sức ép mất giá liên tục trong giai đoạn hơn nửa đầu năm 2012. Chỉ khi những chính sách giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công đầu phát huy tác dụng vào những tháng cuối năm thì đồng Euro mới lấy lại được phần nào sức mạnh.
Sự lên giá trở lại của đồng Euro vào những tháng cuối năm lại có ý nghĩa hết sức to lớn, đó là sự khẳng định rằng đồng Euro sẽ không biến mất như lo ngại hồi nửa đầu năm. Nói cách khác, đồng euro đã thoát hiểm sụp đổ trong năm 2012 nhờ những chính sách giải cứu thành công cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực này.
BOJ “vật lộn” với đồng yên
Đồng yên đã lên giá mạnh gần như trong cả năm 2012 khi sự bất ổn của đồng Euro, sự bất ổn của kinh tế toàn cầu cùng với lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi khiến đồng yên trở thành lựa chọn ưa thích của giới đầu tư.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã phải rất vất vả chống lại khuynh hướng này. Từ tháng 10/2012 trở đi, đồng yên đã có chuyển biến khác. Thứ nhất là do BOJ công bố ý đồ làm suy yếu đồng yên, nới lỏng tiền tệ và tăng lạm phát mục tiêu từ 1% lên 2%; Thứ hai là do đồng Euro được ổn định nhờ châu Âu ổn định do chính sách của Draghi cũng vào thời kỳ cuối năm; Thứ ba là kinh tế Mỹ, Trung Quốc tốt lên. Đồng yên do đó không còn là sự lựa chọn tốt nhất và đã xuống giá khá mạnh khi đạt mốc hơn 88 yên/USD so với đáy trong năm nay là 78 yên/USD hồi tháng 9/2012.
Giá vàng 2012: Dấu ấn Ấn Độ và cung tiền
Kể từ cuối năm 2011, nguy cơ Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone và đồng Euro sẽ biết mất là một yếu tố kích thích giá vàng tăng. Bên cạnh đó, chính sách cung tiền của Fed và của ECB là những động lực tạo đợt sóng tăng giá vàng từ hồi đầu năm kéo dài đến tháng 3/2012. Trong đợt sóng này giá vàng tăng trên 8%, từ mức 1.650 USD/ounce lên đến gần 1.800 USD/ounce.
Tuy nhiên, sự tăng nóng này tất yếu dẫn đến sự điều chỉnh nhất định. Từ tháng 3 đến hết tháng 7/2012, với mức điều chỉnh lên tới 15%, giá vàng sụt từ mức gần 1.800 USD/ounce xuống chỉ còn 1.530 USD/ounce (cũng là mức đáy của năm 2012). Những lý do giải thích đợt điều chỉnh này bao gồm: các nhà đầu tư và đầu cơ quyết định chốt lời khi giá cao; Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu vàng lên gấp đôi bắt đầu từ tháng 4/2012; triển vọng giải quyết lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi tốt dần lên cộng với mức lãi suất tăng lên khi lạm phát được kiểm soát ở các nước này đã làm giảm mạnh nhu cầu trú ẩn vào vàng.
Tuy nhiên, giá vàng lại bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu tháng 9/2012 và trở lại mức đỉnh cao là 1.800 USD/ ounce bởi mối quan hệ logic của giá vàng và cung tiền tệ. Những chính sách cung tiền quan trọng trong khoảng thời gian này bao gồm chương trình QE3 của Fed và ECB đạt được khuôn khổ cho OMT.
Tất nhiên, kết thúc đợt sóng lên là một đợt điều chỉnh và đợt điều chỉnh này vào khoảng hai tháng cuối năm đi kèm với tình hình kinh tế thế giới tốt lên, lãi suất sẽ không giảm thêm nữa, thậm chí, có tín hiệu cho thấy các chương trình QE3 có thể bị dừng. Tất cả những yếu tố đó làm cho kỳ vọng phải trú ẩn vào vàng và ý đồ đầu cơ vào vàng giảm xuống trong hai tháng cuối năm 2012.
Triển vọng năm 2013
Xét khía cạnh tăng trưởng thì kinh tế thế giới năm 2013 sẽ ổn định hơn do khủng hoảng nợ ở châu Âu đã lắng dịu; Trung Quốc “hạ cánh mềm” thành công... Tăng trưởng chung toàn cầu được nhận định có mức tăng trưởng 4,1% so với mức 3,5% của năm 2012.
Trong năm 2013, nhiều khả năng Fed có thể tạm dừng QE3 do tăng trưởng kinh tế Mỹ khá ổn định; ECB sẽ tiếp tục chương trình OMT nhưng quy mô tổng thể sẽ không vượt trội. Chỉ có BOJ sẽ có tăng cung tiền nhằm kích thích kinh tế và giảm giá đồng yên theo ý đồ của chính phủ ông Abe, tuy nhiên, mức cung cho riêng năm 2013 cũng không thể bù đắp được việc QE3 của Fed có thể bị dừng lại. Nghĩa là, nhìn chung mức tổng cung tiền tệ toàn cầu năm 2013 chỉ bằng hoặc thấp hơn năm 2012.
Thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu được cho là sẽ ổn định hơn trong năm 2013. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2013 cũng chỉ khá hơn đôi chút nên các thị trường chứng khoán dù được được dự báo là sẽ tăng trưởng nhưng sẽ ở mức không cao.
Với các đồng tiền lớn, khi kinh tế toàn cầu ổn định hơn, nỗi lo khủng hoảng châu Âu dịu bớt, đồng Euro và USD sẽ trở lại thế cân bằng hơn, đồng yên Nhật sẽ giảm giá do không còn được chọn làm nơi trú ẩn tốt cộng với chương trình kích thích kinh tế của chính phủ Nhật.
Thị trường vàng 2012 cũng được nhận định sẽ ổn định hơn do cung tiền giảm bớt và nền kinh tế toàn cầu ít rủi ro hơn. Nhiều khả năng giá vàng sẽ đi ngang và ít biến động hơn trong năm 2013.
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.bloomberg.com;
2. http://money.cnn.com;
3. http://www.reuters.com
4. http://www.forbes.com;
5. http://finance.yahoo.com;
6. http://tradingeconomics.com;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013
Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới đối mặt biến động
(Tài chính) Thị trường tài chính, tiền tệ thế giới năm 2012 đã trải qua nhiều biến động, thách thức. Bài viết sẽ điểm lại các chính sách tài chính, tiền tệ quan trọng có tác động lớn cũng như những động thái cơ bản của các thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu trong năm 2012, đồng thời phác họa triển vọng của các thị trường này trong năm 2013.
Xem thêm