Thị trường thế giới chao đảo vì Cộng hòa Síp

Theo Gafin

Quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của đảo Síp thực sự gây ra một cơn địa chấn với châu Âu, đe dọa đẩy khu vực trở lại khủng hoảng.

Thị trường thế giới chao đảo vì Cộng hòa Síp
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước thông tin chính phủ Síp đánh thuế thông tin tiền gửi, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay, trong khi các loại cổ phiếu và hàng hóa cũng đồng loạt giảm mạnh. Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 2 năm cũng giảm xuống mức âm, trong khi chi phí đi vay của Tây Ban Nha và Italia tăng vọt.

Cụ thể, đồng euro giảm 0,8% xuống 1.296 USD/euro vào lúc 9h45' sáng nay (theo giờ London).

Trong khi đó, chứng khoán toàn cầu cũng có một phiên giao dịch ảm đạm khi chỉ số MSCI chứng khoán toàn cầu giảm 0,8% so với mốc cao nhất đạt được vào tháng 6/2008. Chỉ số chứng khoán châu Âu Stoxx Europe 600 giảm 0,6% trong khi chỉ số Standard & Poor 500 tương lai của Mỹ giảm 0,8%.

Các loại hàng hóa nguyên liệu cũng nằm trong đà giảm chung, chẳng hạn như giá đồng giao sau giảm 1,9%. Trong khi đó, giá vàng lại tăng 0,8% do lo ngại người dân châu Âu sẽ tăng cường mua vàng để tích trữ tài sản.

Nhận định về quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của đảo Síp, nhà quản lý quỹ tại Banque Palatine SA, ông Matthieu Giuliani, cho biết: "Quyết định của Síp đã làm tổn thương thị trường. Điều này tạo nên một tiền lệ đáng sợ cho châu Âu. Nếu các chủ nợ cũng áp dụng biện pháp tương tự với Tây Ban Nha hoặc Italia, chắc chắn nó sẽ khiến hệ thống ngân hàng châu Âu rơi vào trạng thái hỗn loạn".

Trong khi đó tại Síp, người dân nước này cũng ồ ạt đi rút tiền khỏi các ngân hàng, đẩy nhiều ngân hàng nước này rơi vào trạng thái gần như phá sản.

Trước tình trạng này, chính phủ Síp đã buộc phải nhóm họp và đề xuất một kế hoạch đánh thuế khác đối với tiền tiết kiệm. Kế hoạch mới sẽ đánh thuế 3% với khoản tiền gửi dưới 100.000 euro và 12,5% đối với các khoản tiền cao hơn, một nguồn tin giấu tên cho biết.

Nguồn tin cũng cho biết các chủ nợ quốc tế, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), tỏ ra tán thành với kế hoạch này.