Thị trường thẻ Việt Nam trong góc nhìn của MasterCard

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Trong mắt MasterCard, nhìn ở đâu, ở lĩnh vực nào của Việt Nam cũng thấy tiềm năng để phát triển thị trường thẻ nhưng thực tế thị trường Việt Nam cho thấy, để người dân quen với việc “quẹt thẻ” khi mua sắm, thanh toán là điều không dễ.

Thị trường thẻ Việt Nam trong góc nhìn của MasterCard
MasterCard đánh giá cao tiềm năng và cơ hội của thị trường thẻ Việt Nam. Nguồn: internet
Dư địa còn nhiều

Tại buổi gặp gỡ báo chí trong khuôn khổ Hội nghị khách hàng thường niên năm 2014 diễn ra vào 29/10 tại Nha Trang, đại diện của MasterCard cho biết, thị trường dịch vụ thẻ tại Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nỗ lực giảm bớt các giao dịch tiền mặt và đặt mục tiêu, đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có 250.000 điểm chấp nhận thẻ (POS) và số lượng giao dịch thực hiện qua thẻ đạt con số 200 triệu lượt. Còn theo thống kê của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2014, trên toàn quốc có hơn 15.000 máy rút tiền tự động (ATM) và trên 120.000 POS.

Thứ hai, Việt Nam là nước có có tỷ lệ người dùng Internet và điện thoại di động tương thuộc loại cao trên thế giới và ngày càng có nhiều người lựa chọn kênh mua bán trực tuyến. Theo số liệu khảo sát về hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cuối tháng 3/2014, hơn 91% người Việt Nam trả lời có ý định mua sắm trực tuyến. Điều đó cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện sẽ trở thành xu hướng tất yếu.

Ông Arn Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương cho biết, số điểm chấp nhận thẻ của MasterCard tại Việt Nam đang tăng trưởng với mức cao nhất khu vực. Theo ông Arn, việc gia tăng số lượng máy chấp nhận thẻ là quan trọng, nhưng xác định đúng đối tượng để mở rộng cũng quan trọng không kém.

“MasterCard xác định có 3 đối tượng chính cần mở rộng là nhu cầu đi lại, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các đại lý bảo hiểm”, ông Arn nói và lý giải, ai cũng có nhu cầu di chuyển. Hiện tại, một số hãng taxi đã có hệ thống chấp nhận thẻ, nhưng vẫn còn rất nhiều hãng khác với hàng nghìn xe vẫn đang dùng hình thức thanh toán duy nhất là tiền mặt.

Ngoài ra, số doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm rất lớn trong số các đơn vị kinh doanh tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có rất nhiều giao dịch diễn ra mỗi ngày. Bên cạnh đó, các hãng bảo hiểm lớn có đội ngũ thu phí hàng ngàn người, họ vẫn đang thu phí bằng tiền mặt, điều này có một số rủi ro nhất định khi di chuyển trên đường. Những dư địa trên chính là cơ hội cho ngành thẻ.

Một lĩnh vực bán lẻ xăng dầu và thanh toán hóa đơn điện, internet, nước… cũng là những lĩnh vực tiềm năng cho ngành thẻ.

Cuối năm ngoái, MasterCard đã phối hợp với VietinBank và CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) lắp đặt hệ thống chấp nhận thẻ tại các đại lý xăng dầu tại TP. HCM. Mặc dù bước đầu mới chỉ triển khai ở 17 cây xăng, nhưng theo ông Arn, xăng dầu là nhiên liệu thiết yếu đối với các chủ phương tiện tham gia giao thông, nên Công ty sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, những kênh mua sắm truyền thống như chợ, cửa hàng nhỏ lẻ cũng có thể có cơ hội để ngành thẻ khai thác. Theo chia sẻ của đại diện MarterCard, hãng thẻ này đã đưa đầu đọc thẻ di động mPOS vào chợ Bến Thành và dự kiến sẽ phát triển mPOS đến các hộ kinh doanh nhỏ trong thời gian tới.

Ngoài các lĩnh vực trên, đại diện của MarterCard cũng cho biết, nhìn thấy cơ hội phát triển ngành thẻ ở nhiều lĩnh vực khác.

Không dễ như cà thẻ…

Mặc dù đánh giá thị trường còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội, nhưng MasterCard cho biết, việc khai thác không dễ dàng.

Dù là quốc gia có dân số trẻ, nhưng tỷ lệ người dùng thẻ ở Việt Nam chưa cao. Trung bình cứ mỗi 1.000 dân Việt Nam chỉ có 1,06 máy chấp nhận thẻ, trong khi ở Thái Lan là 5 máy và Malaysia là 8 máy. Số lượng thẻ phát hành tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn số điểm chấp nhận thanh toán.

Ông Arn đánh giá, mục tiêu 250.000 máy POS vào cuối năm 2015 mà NHNN đưa ra là khả thi, nhưng đến lúc đó, dân số Việt Nam có thể đã lên đến gần 100 triệu người và như vậy, tỷ lệ số máy POS trên đầu người vẫn chưa được cải thiện.

Một điểm hạn chế nữa là các điểm chấp nhận thẻ tại Việt Nam tập trung phần lớn ở TP. HCM và Hà Nội, cùng tình trạng nhiều ngân hàng cùng đặt máy chấp nhận thẻ tại một địa điểm cho thấy, chủ thẻ chưa thực sự thuận tiện khi sử dụng thẻ.

Một trở ngại là người dân Việt Nam vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt khi có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là rút tiền tại máy ATM và chỉ có 10% còn lại là dùng để thanh toán qua POS.

Để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đại diện MarterCard cho rằng, các cơ quan nhà nước cần làm gương, đồng thời có những chính sách khuyến khích.

“Các chương trình an sinh xã hội, những khoản chi tiêu của Chính phủ hiện tại vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt. Vì vậy, để chính sách và chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt, Chính phủ phải là người đi đầu làm gương”, ông Arn nói và cho rằng, Chính phủ cũng cần tuyên truyền và các chính sách hỗ trợ để các chủ cửa hàng, đơn vị kinh doanh thấy lợi ích của việc chấp nhận thẻ, thay vì tiền mặt như hiện nay.