Thị trường tiềm năng, vướng khâu thanh toán
(Tài chính) Đang tồn tại “độ vênh” trong các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Canada, Australia…
Rào cản từ thanh toán
Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia, một số DN nước này như MJUZ Pty, Glossy Fine Shine… đang gấp gáp tìm kiếm đối tác Việt Nam. Cụ thể, họ đang tìm kiếm DN Việt Nam sản xuất và xuất khẩu quần áo nam, tủ bếp.
Tương tự, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho biết, thời gian qua rất nhiều DN Canada quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Việt Nam ở các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, công nghiệp phụ trợ cung ứng cho ngành lâm nghiệp, dầu khí, công nghệ thông tin...
Thực tế, không phải đến bây giờ các DN này mới tìm kiếm đối tác tại Việt Nam mà thời gian qua việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước đã diễn ra khá nhộn nhịp. Theo VCCI, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Canada hiện nay đã vượt 2 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, dường như DN Việt Nam chưa chú trọng khai thác thị trường tiềm năng này.
Một trong những lý do là vì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa thể tiếp cận trực tiếp với các kênh phân phối lớn của Canada, tất cả phải thông qua công ty trung gian của một nước thứ ba.
Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Văn Thành, đại diện DN chuyên xuất khẩu nông sản sang Mỹ, Canada chia sẻ, mỗi tháng công ty xuất chanh sang Canada khoảng 20 tấn, trung bình một năm dao động 150-180 tấn. Mới đây, tập đoàn quản lý 1.400 siêu thị lớn nhất Canada đặt vấn đề làm việc trực tiếp với công ty để nhập khẩu chanh, nhưng do nguồn cung ứng chưa đủ, vốn còn hạn chế nên công ty ông chưa tiến hành thỏa thuận chi tiết.
Ngoài ra, công ty thường quen với thanh toán theo phương thức tín dụng L/C không hủy ngang, thanh toán ngay khi xuất trình đầy đủ bộ chứng từ phù hợp với quy định trong L/C cho NH. Trong khi các DN Canada lại thích sử dụng những phương thức thanh toán khác như: nhờ thu trả chậm (D/A), nhờ thu trả ngay (DP) nhằm giảm chi phí và hạn chế rủi ro. Chính vì thế đang tồn tại “độ vênh” trong các thỏa thuận hợp tác.
Lãnh đạo DN chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu sang Canada và một số nước Bắc Âu, bà Trương Thanh Hiền cho biết, công ty may mắn kết hợp được với những nhà nhập khẩu có tên tuổi, độc chiếm phân đoạn thị trường giày thể thao ở Canada như Nike, Reebok hay Adidas.
Thời gian qua, công ty bà Hiền có thể thu lợi từ vòng quay sản xuất dài, giá mua cao, được tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm trên toàn thế giới, được bảo đảm về nguyên phụ liệu, trở thành một phần của mạng lưới các nhà sản xuất quốc tế và quan trọng hơn là nâng cao được sản phẩm của chính mình trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo bà Hiền, khâu thanh toán đôi lúc gây khó cho DN Việt Nam, nhất là những đơn hàng trung và dài hạn.
Cũng theo bà Hiền, có không ít lần tranh chấp phát sinh trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ L/C. Trong đó, phổ biến nhất đó là tranh chấp liên quan tới nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia vào giao dịch theo thư tín dụng.
Cần chủ động gỡ khó
Thừa nhận điều này, một Giám đốc khối DN của Eximbank cho biết, chuyện tranh chấp trong thanh toán xuất nhập khẩu diễn ra khá nhiều, phần lớn DN nhập khẩu yêu cầu NH phát hành ngừng trả tiền hàng cho người hưởng lợi mà thiếu một cơ sở pháp lý cần thiết.
Chẳng hạn, công ty A của Việt Nam ký một hợp đồng nhập khẩu chanh từ công ty B của Canada. NH mở L/C là Eximbank. NH thông báo phía Canada là H. Sau hai chuyến hàng được giao bình thường, công ty B giao tiếp chuyến thứ 3 rồi lập và xuất trình bộ chứng từ đòi tiền Eximbank. Khi Eximbank kiểm tra bộ chứng từ thanh toán và phát hiện thấy có sai sót về ngày tháng.
Mặc dù hàng vẫn chưa về tới cảng nhưng do giá chanh tươi giảm mạnh, công ty B không muốn nhận hàng nên đã điện thông báo cho Eximbank từ chối thanh toán bộ chứng từ. Lúc này, H phản bác rằng, hai chuyến trước cũng có sai sót giống như sai sót trong chứng từ của chuyến giao hàng thứ ba, nhưng Eximbank không có ý kiến gì mà vẫn tiến hành thanh toán bình thường. Theo nguyên tắc hành động nhất quán thì việc từ chối thanh toán của Eximbank là không đúng. H yêu cầu thanh toán ngay cùng với tiền lãi trả chậm…
Từ câu chuyện trên thấy rằng, có thể do sức ép của thị trường, cũng có thể do nghiệp vụ non kém mà người bán đã chấp nhận một L/C trong đó yêu cầu một hay một số loại chứng từ do người mua hoặc thay mặt người mua cấp. Chính vì vậy, khi người mua không có thiện chí hoặc không thể cung cấp các chứng từ do phía mình cung cấp thì người bán không thể lập được bộ chứng từ phù hợp với L/C và không thể nhận được tiền hàng, từ đó tranh chấp phát sinh.
Điều đó lý giải vì sao nhiều DN Việt Nam dù nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu sang một số nước nhưng nếu thủ tục thanh toán quá phức tạp thì họ sẽ phải cân nhắc.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh (HUBA) thừa nhận, với những mặt hàng thực phẩm, các DN nhập khẩu Canada chỉ chấp nhận thanh toán khi có sự cho phép nhập khẩu của Cục Kiểm tra thực phẩm (CFIA). Do vậy, chuyện DN Việt nam bị vướng ở khâu L/C là không ít.
Song cũng tồn tại một thực tế hiện nay là các DN Việt Nam thường có xu hướng ỷ lại vào các NH trong việc tìm hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế về thanh toán bằng L/C. Do vậy, trong nhiều trường hợp khi nhận được thông báo L/C, các DN xuất khẩu thường không kiểm tra kỹ nội dung thư tín dụng đã vội vã giao hàng; các DN nhập khẩu lại cho rằng, thư tín dụng là công cụ đảm bảo nhận được hàng đúng như trong hợp đồng đã được ký kết. Cuối cùng, nhiều đơn hàng bị lỗ và vì thế DN cho rằng thị trường Canada làm khó, nên không mặn mà...