Thị trường tiền ảo và sự "trở mặt" của các tỷ phú

Theo Phương Linh/nhadautu.vn

Rủi ro của thị trường tiền ảo đã được phơi bày khi những lần trồi sụt giá đều được bắt nguồn từ các động thái của giới tỷ phú.

Tỷ phú Mark Cuban "đổi giọng" từ chê sang khen nức nở về tiền ảo. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Mark Cuban "đổi giọng" từ chê sang khen nức nở về tiền ảo. Ảnh: Reuters

Tỷ phú Elon Musk "lật kèo" với Bitcoin

Trên Twitter, Elon Musk khẳng định Tesla "đã đình chỉ việc mua xe bằng Bitcoin" bởi những lo ngại ngày càng gia tăng về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác Bitcoin. Ngay lập tức, đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới đã mất 5% trong những phút đầu tiên sau tuyên bố của Musk.

Vị tỷ phú nổi tiếng lập dị này cũng khẳng định Tesla đã không bán bất cứ Bitcoin nào và dự định sử dụng nó để giao dịch khi việc khai thác Bitcoin sử dụng năng lượng bền vững hơn. Ngoài ra, Musk cũng cho biết ông đang tìm kiếm những loại tiền số khác mà chỉ ngốn tới chưa tới 1% năng lượng mà Bitcoin sử dụng.

Dogecoin, đồng tiền số mà Elon Musk nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, cũng đã hứng chịu mức giảm lên tới 17% xuống còn 0,409 USD/coin. Trong số các đồng tiền số nổi bật nhất, chỉ có Ethereum là duy trì mức giảm dưới 10%. Các đồng tiền khác đều mất nhiều giá trị sau tuyên bố của Musk.

Từ ủng hộ, tỷ phú Elon Musk trở mặt quay lưng với Bitcoin. Ảnh: AFP  
Từ ủng hộ, tỷ phú Elon Musk trở mặt quay lưng với Bitcoin. Ảnh: AFP  

Trước đó, trò chuyện trên ứng dụng truyền thông xã hội audio Clubhouse hôm 1/2, tỷ phú cho biết ở thời điểm này, ông nghĩ rằng "Bitcoin là một thứ tốt" và ông "đã chậm chân trong bữa tiệc này", khi lẽ ra nên mua Bitcoin 8 năm trước.

Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ hồi tháng 2, Tesla cho biết họ đã mua số Bitcoin trị giá 1,5 tỷ USD và có thể đầu tư nhiều hơn vào Bitcoin và các loại tiền số khác. Thời điểm đó, công ty của Elon Musk cho biết họ sẽ bắt đầu chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán cho các sản phẩm của mình.

Chính sự hỗ trợ của Musk đã góp phần khiến tiền số tăng giá, trong đó có Bitcoin và Dogecoin. Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp và các định chế tài chính cũng đổ xô vào Bitcoin, coi đồng tiền này như một hàng rào chống lạm phát tiềm năng khi FED và các ngân hàng trung ương liên tục in tiền để giải tỏa áp lực cho các nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.

Mark Cuban "đổi giọng" từ chê sang khen nức nở về tiền ảo

Tháng 2 năm nay, giá trị thị trường tiền ảo chạm mốc 1.000 tỷ USD, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 3 tháng. Từ đó, tỷ phú Mark Cuban bắt đầu kêu gọi thế giới đón nhận tiền kỹ thuật số. 

Dù trước đó, vị tỷ phú này đồng ý rằng Bitcoin giống như vàng ở chỗ nó là một kho lưu trữ giá trị, nhưng do nguồn cung của bitcoin bị hạn chế, nên khi nhu cầu biến động, giá sẽ biến động theo rất nhanh.

Tuy nhiên, ông vẫn nhận định, "Miễn là mọi người chấp nhận Bitcoin như một phiên bản kỹ thuật số của vàng, thì nó vẫn có thể đầu tư được".

Tất nhiên, có thể đầu tư không có nghĩa là chắc chắn. Mặc dù bản thân tỷ phú Mark Cuban trước đây đã đầu tư vào các doanh nghiệp được xây dựng trên tiền điện tử và thậm chí bằng Bitcoin, nhưng ông vẫn thường xuyên cảnh báo và gọi Bitcoin là một "canh bạc". Và khi nói đến cờ bạc, bạn cần phải chuẩn bị để mất số tiền đó.

Trên thực tế, trước đây tỷ phú Cuban đã nói với Wired rằng ông ấy "thà mua chuối hơn là đầu tư vào Bitcoin", vì ít nhất chuối là thực phẩm và nó có giá trị nội tại.

Nổi tiếng với chương trình gọi vốn Shark Tank của Mỹ, Mark Cuban nhận định "tiền ảo chính là tương lai, đặc biệt là khi thế giới đang phục hồi sau đại dịch chưa từng có trong lịch sử". 

Trong một chương trình phát thanh mới đây, Mark Cuban đưa ra 2 lý do lớn nhất mà ông cho rằng nước Mỹ nên chuyển sang dùng tiền số.

Thứ nhất là tiền số giúp tăng khả năng tiếp cận của mọi người. Theo Cuban, trong đại dịch, người dân Mỹ đã gặp không ít khó khăn khi nhận tiền hỗ trợ từ chính phủ khi chúng được chuyển bằng tiền mặt hoặc séc qua bưu điện. Cuban nhấn mạnh rằng các ngân hàng phải mất nhiều ngày để thanh tóa séc - điều mà ông cho là nhược điểm khi goao dịch với các tổ chức tài chính truyền thống.

Lý do thứ hai được Cuban đưa ra là chi phí giao dịch sẽ được giảm đáng kể nếu sử dụng tiền ảo. 

Mark Cuban có quan điểm mâu thuẫn về tiền ảo. Dù chê bai đồng Bitcoin, đầu năm nay, câu lạc bộ bóng rổ Dallas Mavericks, của Cuban đã bắt đầu cho phép người hâm mộ mua vé và đồ lưu niệm bằng tiền ảo. Trong một chương trình truyền hình với MC nổi tiếng Ellen DeGeneres, Cuban cũng nói rằng bà nên cho phép khán giả của chương trình mua hàng hóa bằng đồng Dogecoin. 

Thị trường tiền ảo đang bị thao túng

Theo giới chuyên gia, "hiệu ứng Elon Musk" đối với thị trường đã phơi bày tính dễ biến động của Bitcoin. Những lần trồi sụt gần nhất của đồng tiền này cho thấy rằng sự biến động giá sẽ không biến mất ngay cả khi có sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn.

Trong cuộc phỏng vấn với CoinDesk, nhà kinh tế học Nouriel Roubini thậm chí gọi những dòng tweet có chủ ý của Musk là "hành vi tội phạm". Ông mô tả việc đầu tư vào Bitcoin rồi đẩy giá lên là "vô trách nhiệm và thao túng thị trường".

Nhiều tỷ phú khác cũng cảnh báo về rủi ro của Bitcoin. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cho biết ông không phải người hâm mộ của Bitcoin với lý do môi trường. Bởi hệ thống này sử dụng rất nhiều năng lượng.

Bill Gates cho rằng Bitcoin là một phát minh thừa thãi. Ông cũng khẳng định hiện không nắm bất kỳ đồng tiền mã hóa nào trong tay. "Elon có rất nhiều tiền và sành sỏi, nên tôi không lo lắng về việc những đồng Bitcoin ông ta nắm giữ sẽ tăng hoặc giảm", Bill Gates lập luận.

"Nhưng những nhà đầu tư đang đổ xô mua vào có thể không có nhiều tiền. Vì thế, tôi không lạc quan về Bitcoin. Theo tôi, nếu các vị có ít tiền hơn Elon, hãy đề phòng", nhà sáng lập Microsoft khẳng định.

Áp lực từ các bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đè nặng lên giá Bitcoin. "Tôi không nghĩ rằng Bitcoin nên được sử dụng rộng rãi như một cơ chế giao dịch", bà Yellen chia sẻ với nhà báo Andrew Ross Sorkin của CNBC tại hội nghị DealBook của New York Times.

Theo bà, Bitcoin là tài sản có tính đầu cơ cao, không ổn định, mang đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thường được sử dụng với mục đích tài chính trái phép.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ còn chỉ trích Bitcoin "là cách thực hiện giao dịch cực kỳ kém hiệu quả". Bà nhấn mạnh rằng "lượng năng lượng tiêu thụ để xử lý các giao dịch đó thật sự rất đáng ngạc nhiên".