Thị trường vẫn đối diện rủi ro
(Tài chính) "Cơn lốc" xả hàng kinh điển trên sàn chứng khoán đã diễn ra trong những phiên vừa qua. Sau khi dòng cổ phiếu trụ cột bị gẫy xu hướng tăng điểm, thị trường đã giảm điểm về mức thấp dưới 600 điểm. Trong phiên giao dịch, nhiều cổ phiếu trụ cột đã bị bán mạnh, xả hàng đè thị trường xuống mức thấp nhất để "tay to" gom hàng. Giao dịch của khối ngoại cũng tác động tiêu cực đến thị trường chung.
Trong tuần trước, giao dịch nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài chủ yếu là chốt lời mạnh. Cổ phiếu VIC đã "ép" bán giá sàn khiến cho giá liên tục đi xuống. Nói chung, giao dịch trên thị trường tuần trước kém khởi sắc cả về điểm số và thanh khoản khi thị trường bị điều giảm.
Điều này không đơn thuần là hoạt động chốt lời dù mức độ giảm điểm đã thu hẹp hơn. Dòng cổ phiếu dầu khí dẫn dắt thị trường thì lực bán vẫn còn mạnh, nên chỉ tăng mạnh trong phiên rồi bị điều chỉnh giảm trở lại. Điều đó cho thấy NĐT vẫn đang thận trọng.
"Ép" giảm điểm
Thông tin vĩ mô và tình hình sức khỏe của các doanh nghiệp khá ổn định, chứng khoán giảm điểm được xem là chốt lời sau giai đoạn tăng quá nóng. Hơn nữa, có một số nghi vấn là can thiệp của các "tay to" đánh úp, đè giá cổ phiếu lớn giảm điểm, để có thể gom hàng giá thấp.
Việc bán mạnh nhiều cổ phiếu trụ cột có thể dẫn đến tâm lý hoảng loạn của NĐT nhỏ lẻ. Đây là cái bẫy hiệu quả nhất đối với những NĐT nhỏ lẻ mới tham gia thị trường. Các "đại gia" muốn mua cổ phiếu giá rẻ nên đã chủ động bán ào ạt với giá sàn ở một tài khoản.
Với tâm lý "bầy đàn", dù không có tin xấu thì nhiều NĐT vẫn bán đổ bán tháo theo giá sàn. Sau đó, các "tay to" có thể lợi dụng việc đó để mua lại cổ phiếu với giá rẻ, rồi lại tìm cách đánh lên.
Một số cổ phiếu có tính đầu cơ cao như cổ phiếu KSH có phiên bị đè bán sàn với khối lượng lớn. Ngay sau đó, những "tay to" mua vào mạnh rồi cuối phiên cổ phiếu này lại tăng trần. Có những phiên, các đại gia có thể kiếm lợi nhuận 14% giá trị trên cổ phiếu này.
Đây cũng có thể là chiêu "tung hứng" cổ phiếu này để NĐT lớn xả hàng. Việc mua giá trần cũng là chiêu trò tạo tâm lý hưng phấn để kéo nhiều NĐT khác lao vào mua giá trần để kiếm lời.
Sau khi có lượng mua vào đủ lớn ở mức giá trần thì các "tay to" sẵn sàng bán ra để chốt lời. Một khi đưa đẩy để bán xong cổ phiếu ở giá tốt, cổ phiếu sẽ đứng và lao dốc khiến cho ai đó mua theo ở mức cao thì bị thiệt hại.
Trong giai đoạn vừa qua, dòng cổ phiếu dầu khí dẫn dắt thị trường đã có những cổ phiếu có dấu hiệu phân phối và tạo đỉnh cao mới. Trước khi tạo đỉnh, cổ phiếu PXS đã được kéo lên tăng trần vội vã để nhà đầu tư lớn xả hàng. Sau đó, cổ phiếu này đã rơi nhanh, báo hiệu sự kết thúc tăng nóng của dòng dầu khí. Vì vậy, muốn phục hồi trở lại sau khi rơi mạnh thì cần thời gian tích lũy lại.
Chính sự cắt giảm về thanh khoản mang tính giũ bỏ trong phiên là dấu hiệu loại bỏ nhà đầu tư nhỏ lẻ ra ngoài cuộc chơi. Thị trường sẽ ổn định lại và xuất hiện dòng dẫn dắt đi lên thời gian tới.
Dòng nào sẽ dẫn dắt thị trường?
Một số cổ phiếu dẫn dắt đang nằm trên nền tích lũy: trong đó BĐS, chứng khoán, ngân hàng đang miệt mài tích lũy mà chưa có dấu hiệu bứt phá. Đây là 3 dòng đủ sức dẫn dắt thị trường đi lên.
Hiện tại, dòng cổ phiếu cao su cũng khá tốt nhưng chúng vẫn không đủ mạnh để dẫn dắt thị trường vì tầm ảnh hưởng không đủ lớn. Trong phiên cuối tuần qua, cổ phiếu SSI đã bứt phá mạnh dù thông tin là cổ đông ngoại thoái vốn với khối lượng lớn.
Thị trường giảm điểm thời gian qua là do phần lớn NĐT chốt lời hoặc các "tay to" ép giá giảm xuống để gom hàng. Các phiên giảm điểm kéo dài cũng dẫn đến tình trạng nhiều cổ phiếu sử dụng margin ở mức cao rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Một số CTCK đã kích hoạt lệnh bán tự động cũng có thể khiến cho thị trường xấu thêm. Cứ tưởng những phiên phục hồi vào cuối tuần trước sẽ được giữ vững giúp thị trường sẽ bớt tiêu cực hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán vẫn còn nghi ngại về xu hướng ngắn hạn của thị trường, nên mọi dự đoán tập trung vào thế giằng co đi ngang để tìm điểm cân bằng.
Trong tuần giao dịch vừa qua, lệnh bán thường tập trung vào cuối phiên nên bên mua khó mà lường trước. Có khi bên bán ồ ạt xả hàng ồ ạt, khiến bên mua không còn dám mạnh tay. Vì vậy, lực cầu bắt đáy chỉ tranh thủ gom hàng giá rẻ, nhằm duy trì thanh khoản và giữ lửa cho thị trường không bị giảm sâu. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sắp được công bố mà NĐT kỳ vọng là rất tích cực.
Trường hợp các chỉ số tiếp tục bị "đè" bởi nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như GAS, VIC… thì thị trường sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn. Ngoài sự thu hút của nhóm cổ phiếu họ "P" vẫn được duy trì thì nhóm BĐS - xây dựng đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Nhờ giao dịch tích cực ở các nhóm cổ phiếu này đã giúp thị trường tiếp tục giao dịch ổn định hơn khi sự thận trọng của NĐT đã tăng mạnh.
Trong thời gian tới, nếu thị trường tiếp tục tăng, NĐT cần phải tìm ra những cổ phiếu dẫn đầu để mua vào. Một số ý kiến cho rằng cổ phiếu chứng khoán và BĐS đủ khả năng dẫn dắt thị trường đi lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, việc tìm được cổ phiếu có sức mạnh để dẫn đầu thị trường chung không phải là dễ dàng. NĐT cần phải theo sát sự phân hóa phân hóa của thị trường để xác định dòng dẫn dắt như cổ phiếu dầu khí vừa qua thì mới mong có thể chiến thắng.