Thị trường vàng: Giữ chênh để giảm vênh?

Theo doanhnhansaigon.vn

Trong vòng 1 tháng qua, giá vàng trong nước giảm gần 4% và hiện đứng ở mức 40-41 triệu đồng/lượng. Dù vậy, mức giảm của giá vàng trong nước vẫn không theo kịp mức giảm của giá vàng thế giới khiến nhà đầu tư (NĐT) vẫn còn đặt rất nhiều kỳ vọng vào loại tài sản này.

Thị trường vàng: Giữ chênh để giảm vênh?
Các ngân hàng thương mại có khả năng sẽ tất toán kịp thời hạn trước 30/6. Nguồn: Internet
Tính đến ngày 4/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức được 26 phiên đấu thầu và đưa ra thị trường khoảng 658.100 lượng vàng (tương đương 25,3 tấn). Đa số các đơn vị tham gia đấu thầu vàng đều chấp nhận mua dù mức giá sàn NHNN công bố cao hơn giá thị trường.

Điều này cho thấy lực cầu trong thời gian qua chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu tất toán tài khoản vàng của các tổ chức tín dụng. Bản thân NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì các phiên đấu thầu vàng và các ngân hàng thương mại có khả năng sẽ tất toán kịp thời hạn trước 30/6.

Kết quả đó được các chuyên gia đánh giá cao nhất chính là việc thị trường vàng đã đi vào quy củ hơn trước, tình trạng đầu cơ bị đẩy lùi, không còn hiện tượng làm giá, tạo sóng để kiếm lời, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, hiện tượng "vàng hóa" được kiềm chế và đầy lùi, thị trường vàng không còn ảnh hưởng mạnh lên thị trường ngoại hối như trước đây, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định, ngoài ra đã mua lại được của dân gần 100 tấn vàng...

2.457 tỷ đồng 

Trong báo cáo công bố ngày 5/6, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng thời gian qua, trong 21 phiên đấu thầu vàng do NHNN Việt Nam tổ chức từ ngày 28/3, hơn 20 tấn vàng đã đưa ra thị trường.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, NHNN đã chi khoảng 1 tỷ USD, tương đương 10% kim ngạch nhập khẩu hằng tháng của cả nước để nhập vàng và lợi nhuận thu được từ chênh lệch giá vàng khoảng 117 triệu USD, tương đương 2.457 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, sau nhiều nỗ lực của NHNN, người giữ vàng vẫn không an tâm khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa được giải quyết, hiện xoay quanh khoảng 5 triệu đồng/lượng. Lý giải cho sự chênh lệch này, các chuyên gia đưa ra một vài yếu tố, bao gồm:

(1) Nhu cầu tất toán tài khoản vàng của các tổ chức tín dụng trước thời hạn ngày 30/6;

(2) Nhu cầu tích trữ vàng của người dân gia tăng khi giá giảm;

(3) Mức giá tham chiếu NHNN đưa ra trong các phiên đấu thầu hầu như đều cao hơn giá bán khẳng định NHNN sẽ không tìm cách thu hẹp cách biệt bằng mọi giá mà chỉ tìm cách đáp ứng nguồn cung trong khả năng của dự trữ ngoại hối.

Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered chỉ ra rằng: kể từ phiên đấu thầu đầu tiên, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đạt trung bình 250 USD/ounce, cao hơn tới 30% so với thời điểm trước. Trong khi ở các nước khác, mức chênh lệch chỉ khoảng 1-10 USD/ounce.

Tuy nhiên, theo NHNN, việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không làm bình ổn thị trường vàng, không loại bỏ được các tác động tiêu cựu lên nền kinh tế, không làm giảm vàng hóa, mà trái lại, ở các chừng mực khác nhau lại có tác động ngược lại.

Cụ thể, trước đây, khi giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau chỉ từ vài trăm ngàn đồng lập tức có hiện tượng nhập lậu vàng với quy mô lớn làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Để bình ổn tỷ giá, trước mắt phải chính thức cho nhập khẩu vàng để kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống dưới 400 ngàn đồng và làm cho mức chênh lệch này càng thấp càng tốt.

Nhưng trong hoàn cảnh giá vàng thế giới biến động liên tục với biên độ rất mạnh thì tác dụng của biện pháp này cũng rất hạn chế và có tính chất tạm thời. Bởi vì, những diễn biến giá cả của thị trường trong và ngoài nước sẽ nhanh chóng lại xác lập một mức chênh lệch mới và lại buộc phải tiếp tục can thiệp nhưng rồi một chu kỳ mới lại diễn ra.

Điều này cho thấy, mục tiêu làm cho chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức thấp chỉ là mục tiêu tình thế để hạn chế tác động tiêu cực trước mắt của thị trường vàng lên ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh Việt Nam chưa xây dựng được một khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng.

http://www.doanhnhansaigon.vn/files/articles/2013/1074637/bd-noname.jpg
Hơn nữa, chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng không muốn kéo hai giá vàng lại với nhau. Theo quan điểm của ông Bình, mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao nhưng thị trường vàng ổn định hơn, các tác động tiêu cực của nó lại được kiểm soát tốt hơn.

Chính chênh lệch giá vàng cao ở những thời điểm nhất định và sự can thiệp theo hình thức đấu giá của NHNN đã giữ cho giá vàng trong nước và thị trường vàng trong nước ổn định trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, đã làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá...

Từ đó, về trung và dài hạn, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp nhưng về ngắn hạn, khi giá vàng thế giới có biến động đột biến thì chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là tất yếu.

Như vậy, trong tháng 6, các phiên đấu thầu sẽ tiếp tục được tổ chức đều đặn để các tổ chức tín dụng hoàn thành tất toán tài khoản đúng hạn. Sau thời điểm 30/6, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp hay không vẫn là một câu hỏi.

Nếu có, theo các chuyên gia, thị trường phải hội đủ được một số điều kiện cần thiết. Thứ nhất, lực cầu giảm do phía các NHTM đã tất toán các tài khoản vàng. Thứ hai, giá vàng thế giới duy trì xu hướng giảm. Thứ ba, NHNN duy trì nguồn cung ổn định và giá tham chiếu hợp lý.

Cuối cùng, nền kinh tế vĩ mô phục hồi và tạo thêm niềm tin đối với tiền đồng. Ở đây, yếu tố cần quan tâm nhất là điều kiện thứ hai và ba do biến động giá thế giới là khó lường và mức giá tham chiếu do NHNN đưa ra liệu có được thị trường chấp nhận sau khi các tổ chức tín dụng đã giải tỏa được nỗi lo về việc tất toán tài khoản vàng.