Thị trường vàng: Nhiều băn khoăn được giải đáp
(Tài chính) Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá cao là một thực tế vô lý vẫn tồn tại lâu nay tại Việt Nam. Dù đã có nhiều giải pháp và cam kết tháo gỡ từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng thị trường vẫn chưa như mong đợi… Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng lý giải cụ thể hơn về vấn đề này.
- Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã từng cam kết đưa giá vàng trong nước về mức chỉ nên cao hơn thế giới 400.000 đồng/lượng, nhưng thực tế khoảng chênh vẫn cao gấp 10 lần con số trên. Xin ông cho biết, liệu NHNN có kéo được giá vàng trong nước về sát với thế giới không?

Phó thống đốc NHNN
Về khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 đồng/lượng, trước đây thì nay xin được nói lại cho rõ. Trước đây, khi chưa có Nghị định 24/2012/NĐ-CP, chỉ cần giá trong nước chênh hơn 400.000 đồng/một lượng so với thế giới là xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ với số lượng lớn để nhập vàng nguyên liệu trái phép, gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Diễn biến này cũng gây áp lực tới tỷ giá, dẫn đến tác động gia tăng lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. NHNN cũng phải cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, việc này lại gây tiêu tốn ngoại tệ, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nay với quy định mới của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, dù chênh lệch giá trong nước và quốc tế lớn hơn nhiều so với mức 400.000 đồng/lượng, nhưng cơ bản đã không còn những tiêu cực trên.
- Trả lời trước Quốc hội, Thống đốc NHNN đã khẳng định, không có lý do gì phải bình ổn và đưa giá vàng về sát giá thế giới, nhưng trong thời gian qua NHNN liên tục có giải pháp bình ổn thị trường vàng. Điều này có mâu thuẫn hay không?
Trước đây, tinh thần của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, cũng như các chính sách điều hành của NHNN, dù có sự chênh lệch giữa giá trong và ngoài nước nhưng không có tác động tiêu cực đến tỷ giá và chính sách vĩ mô. Ngoài ra, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ và NHNN đặt mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và hoạt dộng của thị trường ngoại hối. Cùng với việc thực hiện kiên quyết các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ- CP, chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực.
Còn hiện nay, do giá vàng trong nước có những chênh lệch tương đối cao so với giá vàng thế giới, mà nếu để kéo dài thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô chung. Nên thực hiện trên tinh thần của Chính phủ và NHNN đã nói ở trên, NHNN đã và sẽ có những giải pháp cụ thể để đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế.
- Giá vàng SJC chênh lệch xa so với vàng nguyên liệu nhập về, vậy chênh lệch đó ai được hưởng?
Theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP, chỉ có Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Việc NHNN thực hiện chức năng này là nhằm mục tiêu kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế và phục vụ mục tiêu bình ổn thị trường theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải mục tiêu lợi nhuận. Cho đến nay, NHNN cũng chưa tiến hành việc nhập khẩu vàng nguyên liệu.
NHNN với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường, chỉ tham gia thị trường khi nào có những biến động và với mục tiêu bình ổn, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận. Lý do tại công bố công khai hạn mức, khối lượng vàng miếng theo từng phương án đấu thầu. Trong một ngày, có thể thực hiện nhiều phiên đấu thầu tùy theo diễn biến giá vàng và nhu cầu của thị trường. Giá vàng trong nước không thể về sát ngay giá thế giới trong một phiên đấu thầu mà cần trải qua một số phiên để thị trường tự điều chỉnh.
Trước đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng mang lại 80% doanh thu cho SJC. Nhưng, sau khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP thì doanh thu, lợi nhuận SJC chỉ còn 20% so với trước. SJC cũng không còn toàn quyền sản xuất, phân phối, quyết định giá mà do NHNN quyết định.
Lợi nhuận trong thời điểm này cũng chỉ từ hoạt động kinh doanh bình thường khác, không xuất phát từ lợi ích do thương hiệu SJC mang lại như trước nữa. Bởi hàng hóa không còn thuộc SJC quản lý, NHNN ấn định giá bán, giá mua vàng. Như vậy, SJC không có lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh lời lỗ của SJC cũng giống như PNJ, ACB, AAA, Bảo Tín Minh Châu, hoàn toàn không có hưởng lợi nhờ chênh lệch giá.
- Xin cảm ơn ông!
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 3- 2013