Thị trường vàng: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền

(Tài chính) Thị trường vàng thế giới liên tục chứng kiến những phiên lao dốc kỷ lục, cộng với lực cung vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh mẽ, những tưởng sẽ rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước với thế giới. Song, khoảng chênh lệch này lại xác lập kỷ lục mới trên 6 triệu đồng/lượng và vấn đề bình ổn thị trường vàng một lần nữa lại nóng lên.

Thị trường vàng: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng nhằm tăng cung để không xuất hiện các cơn sốt vàng. Nguồn: Internet

Thị trường đã ổn định?

Thị trường vàng trong nước cuối tháng 4 đầu tháng 5/2013 lại chứng kiến nhiều diễn biến bất thường khiến dư luận lại đặt ra nhiều câu hỏi cho NHNN. Cùng với việc giá vàng thế giới giảm mạnh trong thời gian gần đây, NHNN cũng đã liên tiếp bán ra thị trường trên 265.000 lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, không vì thế mà giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, ngược lại khoảng cách này lại được xác lập kỷ lục mới với khoảng gần 7 triệu đồng/lượng. Một lần nữa thị trường lại chứng kiến cảnh người dân đổ xô đi mua vàng dù cảnh tượng không diễn ra như những lần trước đây nhưng cũng ngoài mong đợi của cơ quan quản lý và người dân. Thị trường vàng vẫn còn những bất ổn tồn tại, đang chờ được giải quyết.

Lý giải cho vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, tuy quản lý thị trường vàng còn bộc lộ hạn chế nhưng không còn những cơn sốt vàng, tỷ giá ổn định, thị trường bước đầu đã đạt mục tiêu ổn định thị trường vàng. “Trong thời gian qua, NHNN đã rất nỗ lực lắng nghe, theo dõi và có các biện pháp hợp lý trước các diễn biến của thị trường, nhằm thiết lập một thị trường vàng ổn định, phát triển bền vững…” – Ông Hưng cho biết.

Trước khi triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng, trong đó có tổ chức các phiên đấu thầu vàng, NHNN từng cho rằng, sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước. Tuy nhiên, diễn biến giá cả thị trường vàng lại phản ánh diễn biến ngược lại, khi từ chỗ chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/lượng thì bị đẩy lên trên 6 triệu đồng/lượng.

Giải thích vấn đề này ông Hưng cho rằng, nguyên nhân là Việt Nam không sản xuất được vàng, nên để đáp ứng nhu cầu vàng miếng của thị trường thì phải xuất ngoại tệ để nhập khẩu. Điều này thực hiện suốt một thời gian dài khiến mỗi khi xuất hiện cơn sốt vàng, đã tác động tiêu cực đến ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Để khắc phục tình trạng này, 2 năm qua NHNN không cấp ngoại tệ cho nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, NHNN phải tổ chức các phiên đấu thầu vàng. Qua 12 phiên đấu thầu (tính đến cuối tháng 4/2013), NHNN đã cung hơn 12 tấn vàng ra thị trường, qua đó đảm bảo mục tiêu cân đối cung - cầu, tránh gây xáo trộn trên thị trường.

Theo đại diện NHNN, nếu không tổ chức các phiên đấu thầu vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì không thể lường được những tác động tiêu cực của thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh trong thời gian gần đây. Nhờ đảm bảo cân đối cung - cầu nên trong thời gian qua đã không còn những cơn sốt trên thị trường vàng như nhiều năm trước đây. Cùng với đó, tỷ giá được duy trì ổn định trong thời gian dài, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng không nhằm kéo giá trong nước ngay lập tức xuống sát với giá thế giới, mà chủ yếu là tăng cung để không xuất hiện các cơn sốt vàng. Nhờ đó, trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư vàng trên thị trường tuy vẫn còn nhưng đã giảm mạnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước

Ở mỗi giai đoạn nhất định, chính sách quản lý thị trường vàng chưa thể đồng thời mang lại những kết quả như mong muốn. Do vậy, việc NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng không nhằm kéo giá trong nước ngay lập tức xuống sát với giá thế giới, mà chủ yếu là tăng cung để không xuất hiện các cơn sốt vàng. Nhờ đó, trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư vàng trên thị trường tuy vẫn còn nhưng đã giảm mạnh. Ngay cả ở những thời điểm thị trường biến động, đã không xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây...

Còn nhớ, trả lời trước Quốc hội (phiên ngày 31/10/2012) Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng nói, mục tiêu quan trọng thứ nhất của Đề án chống vàng hóa bước đầu đã đạt được kết quả, người dân không đổ xô đi mua vàng nữa. Tuy nhiên, hiện tượng vàng trong nước chênh cao, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng trong tuần qua khiến nhiều người quan ngại cho mục tiêu trên. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, nếu giá trong nước cao hơn giá thế giới trên 400 nghìn đồng/ lượng là không ổn, có biểu hiện đầu cơ làm giá; Nếu bình ổn giá vàng theo sát giá thế giới, tránh đầu cơ, cần giữ giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới không quá 400 nghìn đồng/lượng.

NHNN đã từng khẳng định, sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đưa giá vàng trong nước bám sát theo giá thế giới. Trong khi đó, mới đây, ông Vũ Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho rằng, mục tiêu NHNN đấu thầu vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, NHNN đã không nhất quán khi thì nói sẽ kéo giá vàng sát giá thế giới, sau đó lại nói không bình ổn giá mà chỉ bình ổn thị trường. Nếu bình ổn thị trường mà để giá chênh lệnh tới hơn 6 triệu đồng/lượng sẽ khuyến khích buôn lậu.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Trước khoảng chênh về giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, NHNN dự báo rằng, khoảng cách này sẽ được rút ngắn sau ngày 30/6, khi thời hạn tất toán trạng thái vàng của các NHTM đến. Theo đại diện NHNN, việc huy động vàng của các tổ chức tín dụng đã kết thúc vào cuối năm ngoái, tuy nhiên, căn cứ vào kỳ hạn huy động vàng thì phải đến ngày 30/6 tới mới là thời hạn cuối cùng để các tổ chức tín dụng tất toán trạng thái vàng.

Bởi vậy, từ nay đến trước ngày 30/6, nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng vẫn còn khá lớn, để đáp ứng nhu cầu tất toán trạng thái vàng, cũng như phục vụ hoạt động mua bán trên thị trường. Khi cầu còn khá lớn, thì chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa thể thu hẹp. Sau thời điểm 30/6, thì cầu sẽ giảm, giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới.

Thực tế này lại nảy sinh hoài nghi từ dư luận, phải chăng việc đấu thấu vàng của NHNN chỉ chủ yếu giải quyết nhu cầu vàng của các tổ chức tín dụng, để có đủ lượng vàng tất toán trạng thái vàng, chứ chưa thực sự bình ổn thị trường? Đại diện NHNN khẳng định, nếu chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu vàng cho tất toán trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng, NHNN hoàn toàn có thể bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng, mà không phải tổ chức đấu thầu.

Tuy nhiên, do vàng không phải là mặt hàng thiết yếu thuộc diện phải bình ổn giá, nên không có chuyện Nhà nước hy sinh mục tiêu ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô để ổn định giá vàng, mà ngược lại các giải pháp quản lý thị trường nhằm đảm bảo cung cầu hợp lý, ổn định tỷ giá cũng như vĩ mô.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2013