Thị trường vàng vẫn còn hấp dẫn các nhà đầu tư
(Tài chính) Với triển vọng lạc quan của kinh tế và tự do hóa toàn cầu ngày càng đậm nét, vàng luôn có sức hấp dẫn đối với phần lớn các nhà đầu tư. Về tổng thể và lâu dài có thể thấy, thị trường vàng luôn là lựa chọn ưa thích trong cơ chế tích trữ và bảo đảm giá trị các tài sản tài chính của đa số người dân và quốc gia.
Ở trong nước, thời điểm cuối năm 2013, giá vàng SJC bán ra quanh mức 34,8 triệu đồng, giảm so với đầu năm 2013 lên gần 12 triệu đồng/lượng và chênh lệch giữa vàng trong và ngoài nước mức cao nhất có lúc vượt 6 triệu đồng trong năm qua (ngày 16/4/2013), thì sự tăng vọt nhu cầu mua vàng nhân ngày vía Thần Tài và tâm lý lướt sóng - phòng xa chuộng tăng mua lúc giá bắt đầu tăng và tăng bán đón đầu lúc giá giảm của người dân đã góp phần hâm nóng thị trường và được các doanh nghiệp tranh thủ khai thác, tăng mạnh doanh số bán hàng, cũng như đẩy giá cao hơn ngày thường.
Mức chênh lệch giá mua vào - bán ra cũng đã được các công ty kinh doanh vàng bạc điều chỉnh tăng lên từ 60.000 – 80.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới cùng thời điểm đi ngang ở mức 1.319 USD/ounce, tương đương 33,49 triệu đồng/lượng theo tỷ giá ngoại tệ tại ngân hàng (Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức mua vào là 21.080 VND/USD, bán ra là 21.120 VND/USD - không đổi so với ngày 14/2), thấp hơn giá vàng trong nước 2,6 triệu VND/lượng…
Nhiều dự báo nghiêng về xu hướng tuy có thể còn duy trì đà tăng trong tháng tới do tâm lý mua vàng sau Tết, nhưng về tổng thể, giá vàng sẽ sụt giảm mạnh trong 2 năm 2014 - 2015, xuống còn trên dưới 1160 USD/once, thậm chí sẽ “nằm im” ở mức đáy như thời điểm cuối năm 2013. Tuy vậy, giá vàng có thể bùng nổ bất ngờ gắn với những lo ngại gia tăng về thu hẹp gói hỗ trợ tài chính và đảo chiều dòng vốn giá rẻ từ các nước phát triển và mở rộng các căng thẳng quốc tế cả về kinh tế và chính trị.
Ở trong nước, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, cũng như khẳng định sẽ tiếp tục đấu thầu vàng, tuy thực tế chưa tổ chức phiên đấu thầu vàng mới nào (riêng năm 2013, qua 73/74 phiên đấu thầu vàng đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 1.770.200 lượng vàng tương đương gần 66,4 tấn vàng và thu lời trên 8.000 tỷ nộp vào ngân sách nhà nước).
Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét khả năng lập Sàn giao dịch vàng Quốc gia và xây dựng đề án huy động vàng trong dân. Tất cả những động thái này đã, đang và sẽ tạo hiệu ứng vừa kiềm tỏa thị trường vàng trong nước, nhất là các hoạt động đầu cơ, lướt sóng giá vàng theo giá thế giới; vừa tạo hy vọng làm ấm trở lại các hoạt động kinh doanh và tạo vốn liên quan tới vàng một cách có tổ chức và giá cả ổn định, minh bạch và sát giá thế giới hơn.
Hơn nữa, thị trường vàng trang sức tuy chưa tạo sự bứt phá do thu nhập trung bình của đông đảo người dân chưa thực sự được cải thiện, song cơ cấu lại sản phẩm, hàng hóa, thị trường vàng ta theo hướng tuổi vàng cao theo chuẩn, nhưng có mức chế tác và giá gia công thấp, đáp ứng nhu cầu lưỡng dụng của người dân (vừa trang sức, vừa để dành) sẽ ngày càng gia tăng áp lực và là sự lựa chọn phổ biến của đa số doanh nghiệp kinh doanh vàng…
Về tổng thể và lâu dài có thể thấy, cùng với sự gia tăng sự tự do hóa và liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế, bất chấp những trồi sụt dích dắc khá bất ngờ trong từng giai đoạn bởi những lý do cụ thể, song thị trường vàng ngày càng tăng quy mô. Vàng luôn có xu hướng tăng giá khá nhất quán và vẫn luôn còn là lựa chọn ưa thích không thể thiếu trong cơ chế tích trữ và bảo đảm giá trị các tài sản tài chính của đa số dân và quốc gia.