Thiết bị y tế bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội: Xuất xứ Đức, linh kiện gốc Tàu
(Tài chính) Liên quan vụ thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Sở Y tế Hà Nội cho biết, máy sinh hóa tự động hiệu Greiner GA 240 có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, nhưng trong bộ phận của máy có 3 quạt mát, 5 mô tơ lại có nguồn gốc Trung Quốc.
Tại buổi họp báo tổ chức chiều 29/7, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, gói thầu số 4 thuộc dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện do Sở Y tế Hà Nội phê duyệt được triển khai từ năm 2009, do công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản trúng thầu và cung cấp thiết bị y tế, hóa chất cho 6 bệnh viện gồm các bệnh viện: Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Hà Đông, Thanh Oai.
Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Hà Nội được cấp chiếc máy sinh hóa tự động có nhãn hiệu Greiner GA 240 do Đức sản xuất. Mặc dù máy được cấp cho Bệnh viện từ cuối năm 2010, nhưng khoảng gần một năm nay, chiếc máy đã bị cháy bóng đèn và do không có bóng đèn thay thế nên phải nằm "đắp chiếu". Sở Y tế Hà Nội đã khắc phục bằng cách cho bệnh viện mượn một chiếc máy xét nghiệm khác có hiệu là TYB-20 nằm trong gói thầu phòng chống bệnh cúm gia cầm để tạm sử dụng, nhưng chiếc máy này cũng liên tục gặp sự cố.
Thông tin thêm về vụ việc, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, ngày 27/7, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã làm việc với Bệnh viện đa khoa Thường Tín, qua kiểm tra cho thấy máy Greiner GA 240 có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, nhưng trong bộ phận của máy có 3 quạt mát, 5 mô tơ (linh kiện phụ của máy) có nguồn gốc Trung Quốc.
Theo ông Hiền, đối với gói thầu số 4 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm đầu tư cho Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Vân Đình và các bệnh viện đa khoa huyện do Sở Y tế làm chủ đầu tư, Sở đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật, từ công tác tổ chức đầu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tiến hành lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu đến tổ chức giao nhận thiết bị, lắp đặt giám sát vận hành... Tất cả các công đoạn đều thuê đơn vị tư vấn giám sát là Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thực hiện. Đây là dự án có sự hỗ trợ của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, gói thầu số 4 được mở thầu vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 và đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán dự án.
Như vậy, Sở Y tế khẳng định quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị, khai thác sử dụng trang thiết bị thực hiện đúng quy định của pháp luật và các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu Khoáng sản (đơn vị trúng thầu gói thầu số 4) khẳng định, đối với việc thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín xuất xứ nhãn mác không đồng bộ, việc xuất hiện "tem mác" của một nước thứ 3 không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị. Đơn vị này cho rằng, xu thế hiện nay các nước công nghiệp trên thế giới đã có sự liên kết và toàn cầu hóa trong sản xuất, lắp ghép, hoàn chỉnh thiết bị. Vì thế, việc xuất hiện tem mác của nước thứ 3 không ảnh hưởng đến chất lượng thiết bị vì một số linh kiện được sản xuất tại nước thứ 3 này nhưng vẫn phải đảm bảo quy trình chất lượng của Đức.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc khi công ty nhập khẩu thiết bị y tế về Việt Nam thì chưa có giấy phép nhập khẩu thiết bị trên của Bộ Y tế, đại diện của công ty không đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào, giải thích vòng vo, không thỏa đáng. Mặc dù Công ty cam kết toàn bộ hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đủ giấy tờ hợp lệ (hóa đơn hàng hóa, chi tiết đóng gói, chứng chỉ chất lượng, xuất xứ…) nhưng sẽ cung cấp cho báo giới vào dịp khác.
Kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, tới đây đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra thiết bị y tế trong gói thầu số 4 cung cấp cho Bệnh viện Hoài Đức và tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát lại quy trình sử dụng trang thiết bị được đầu tư tại các bệnh viện còn lại; đồng thời yêu cầu các bệnh viện phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị xử lý ngay khi thiết bị có trục trặc nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, người sử dụng, nhà cung cấp cũng như công tác quản lý Nhà nước tại các bệnh viện, tránh tình trạng xảy ra như ở Bệnh viện đa khoa Thường Tín.
Được biết, trước đó, ngày 27/5, đoàn công tác liên ngành gồm: Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Sở Y tế Hà Nội; Công an huyện Thường Tín đã tiến hành kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa Thường Tín, phát hiện máy xét nghiệm sinh hóa tự động (nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19) tại khoa Xét nghiệm của bệnh viện là máy mượn của một công ty bên ngoài. Ngay sau đó, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tịch thu và tiêu hủy thiết bị này vì không rõ nguồn gốc, đồng thời tiến hành xử phạt Bệnh viện đa khoa Thường Tín 30 triệu đồng.