Thiếu cơ sở pháp lý xác định lãi phạt

Theo Đầu tư Chứng khoán

Khi một khoản nợ quá hạn hoặc một khoản thanh toán bị chậm, lãi phạt được tính toán ra sao vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

 Thiếu cơ sở pháp lý xác định lãi phạt
NHNN chỉ quy định khung lãi suất nợ quá hạn không quá 150% lãi suất trong hạn. Nguồn: Internet
Ngoài hoạt động cho vay chuyên nghiệp của ngân hàng được luật chuyên ngành điều chỉnh, các hoạt động vay dân sự khác phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Bộ luật này quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Quy định về lãi vay rõ ràng và nếu các bên thỏa thuận lãi vay quá với quy định trên, pháp luật sẽ không bảo vệ quyền lợi đối với phần lãi suất vượt quá. Tuy nhiên, khi một khoản nợ quá hạn hoặc một khoản thanh toán bị chậm, lãi phạt được tính toán ra sao vẫn chưa có quy định cụ thể, rõ ràng để các bên tuân thủ.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, bên vay có nghĩa vụ trả nợ và trong trường hợp quá hạn, bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Tuy nhiên, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi nợ quá hạn cụ thể, mà chỉ quy định khung lãi suất nợ quá hạn không quá 150% lãi suất trong hạn. Cũng không có cơ sở pháp lý để xác định lãi suất “trong hạn” để tính lãi suất nợ quá hạn. Việc dựa vào mức lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng không khả thi, bởi có vài chục ngân hàng đang hoạt động và mỗi ngân hàng có mức lãi suất khác nhau.

Thậm chí, trong cùng một ngân hàng, cùng là ngắn hạn hoặc trung hạn, có thể có thể hàng chục mức lãi suất khác nhau, tuỳ thuộc vào đối tượng khách hàng, lĩnh vực cho vay và địa bàn hoạt động của các chi nhánh khác nhau. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra do tình trạng thanh toán chậm trả, lãi phạt là một điểm rắc rối và tranh luận về tính toán nợ gốc, lãi… thường phiền toái và kéo dài.

Đơn cử, trường hợp tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa 2 DN mới được Tòa án mang ra xét xử mới đây. Sau khi giao đợt hàng cuối cùng, bên mua đã nợ lại bên bán khoảng 200 triệu đồng. Theo quy định tại hợp đồng thì khi chậm thanh toán, bên mua phải chịu lãi phạt là 2%/tháng. Số tiền 200 triệu đồng không phải là quá lớn, nhưng sau một thời gian tranh chấp cùng với lãi suất 2%/tháng, toàn bộ khoản phải trả đã gấp đôi nợ gốc. Không thỏa thuận được, các bên lôi nhau ra tòa. Bên mua không chấp nhận lãi phạt 2%/tháng, vì lý do quá cao, không phù hợp với quy định lãi phạt không quá 150% lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong khi bên bán lại cho rằng, lãi suất 2%/tháng (tương đương 24%/năm) là phù hợp với lãi suất trên thị trường tại thời điểm xảy ra tranh chấp.

Ngoài ra, theo Luật Thương mại, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác, thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Cuối cùng, Hội đồng xét xử tính toán lãi phạt bằng cách tính trung bình lãi suất cho vay trung hạn của 3 ngân hàng nhà nước nhân với 150% để ra lãi phạt là 22,2%/năm. Đây cũng là cách thức tính toán và xác định lãi phạt trong trường hợp các bên giao dịch không có thỏa thuận, điều khoản về lãi phạt.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico nhận xét: “Vấn đề là cách thức tính toán trên đã không làm các bên hài lòng, bởi vì sao lại chọn 3 ngân hàng nhà nước mà không phải là 3 ngân hàng khác? Lựa chọn ngân hàng khác đi sẽ dẫn đến lợi ích các bên thay đổi theo, hơn nữa, lãi suất quá hạn mà Ngân hàng Nhà nước quy định là khung từ 100 - 150%, vậy tại sao lại áp dụng 150% mà không phải là mức 100%?”.

Nếu không thỏa thuận về lãi phạt, Hội đồng xét xử sẽ áp dụng lãi phạt bằng 150% lãi suất trung bình cho vay trung hạn của 3 ngân hàng nhà nước. Nhưng ngay cả khi hợp đồng có thỏa thuận lãi phạt thì vẫn có nguy cơ bị áp dụng cách thức tính toán trên. Do đó, theo luật sư Trần Minh Hải, khi các chủ thể, nhất là các DN thỏa thuận hợp đồng, tốt nhất là nên quy định một khoản phạt cụ thể bằng tiền, hoặc tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị hợp đồng. Như vậy, tránh được phiền toái khi có tranh chấp.

Dẫu vậy, đây chỉ là giải pháp của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng. Về lâu dài, những bất cập trong việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến lãi phạt cần phải được giải quyết rốt ráo trong các văn bản pháp luật. Theo luật sư Vũ Đình Vinh (Đoàn luật sư Hà Nội), phạt là hình thức các bên đưa ra để xác định trách nhiệm nếu vi phạm các thỏa thuận đã giao kết.

Vì vậy, mức phạt, lãi suất phạt là bao nhiêu, như thế nào nên để cho các bên tự quyết định. Luật sư Trần Minh Hải cũng cho rằng, phạt phải có tính răn đe, do đó nếu các bên để thỏa thuận một mức phạt “khắc nghiệt” thì đó là thỏa thuận tự nguyện và nên tôn trọng thỏa thuận đó. Không cần thiết phải quy định lãi suất phạt để làm rối thêm các tranh chấp.