Thời khốn khó của doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc
Nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa của Trung Quốc suy giảm khiến hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu ở nước này phải xoay sở để tồn tại.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc từ tháng 1 - 8/2012 đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng này đã giảm mạnh so với mức tăng 20,3% mà lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đạt được trong năm 2011. Trong đó, xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông tăng 5,9%, so với mức tăng 17,3% trong năm ngoái.
Nhu cầu đi xuống tại các thị trường xuất khẩu đã góp phần tạo ra cuộc suy giảm tăng trưởng GDP mạnh nhất ở Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế này trong chỉ tăng trưởng 7,6% trong quý II năm nay so với cùng kỳ năm trước.
Những số liệu kinh tế mới hơn cho thấy sự giảm tốc vẫn đang tiếp tục diễn ra. Tuần trước, Chính phủ Trung Quốc cho biết, lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn ở nước này đã giảm 6,2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đang bơm những khoản tiền kỷ lục vào hệ thống ngân hàng, một động thái mà các chuyên gia phân tích cho là nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng.
Lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế cho rằng, cho tới thời điểm này, vành đai xuất khẩu ở Quảng Đông, trung tâm của lĩnh vực xuất khẩu ở Trung Quốc, vẫn tránh được những đợt sa thải nhân công khổng lồ hồi sau khủng hoảng tài chính 2008. Khi đó, các đợt sa thải đã khiến khoảng 20 triệu công nhân di cư từ nông thôn ra thành thị của Trung Quốc mất công ăn việc làm.
Tuy nhiên, sự giảm tốc xuất khẩu đang làm khó các công ty Trung Quốc vốn đang phải đối mặt cùng lúc với chi phí nhân công tăng, tỷ giá bất ổn và tình trạng khách hàng thanh toàn chậm.
“Tiền lương công nhân đã tăng 20% trong vòng 1 năm qua”, ông Eddie Leung, Giám đốc hãng sản xuất đồng hồ Dailywin Watch Products Manufacturing Ltd, cho biết.
Các doanh nghiệp lớn hơn đã tìm cách nâng cấp công nghệ nhằm tăng năng suất và thâu tóm các đối thủ nhỏ con hơn, dẫn tới những biến động lớn. “Một số doanh nghiệp nhỏ không có nguồn lực để thay đổi chiến lược. Trong khi các công ty lớn hơn sắm máy móc tốt hơn và đào tạo công nhân để cải thiện năng suất”, ông Leung nói.
Giá hàng hóa đầu vào tăng cũng kéo chi phí leo thang. Ông Zhou Yi, Giám đốc công ty sản xuất linh kiện đồ gia dụng Xiehe Wire Cable, cho hay, giá đồng tăng khiến lợi nhuận của công ty này suy giảm. Ông Zhou nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ đã đẩy giá đồng lên cao.
Hiện nay, khách hàng cũng không thanh toán tiền hàng nhanh như trước. Có cả khách hàng trong và ngoài nước, ông Zhou thường xuyên phải đến gặp họ để thuyết phục trả tiền đúng hạn. “Thông thường, tiền vẫn được trả sau khi giao hàng trong vòng 3 tháng, một số trường hợp là 6 tháng”, ông Zhou cho hay.
Ông Zhou còn nói rằng, ông phải dùng tới cả tiền tiết kiệm cá nhân để dùng cho hoạt động của công ty. “Tôi không muốn sa thải ai trong thời buổi kinh tế sa sút này, nhưng nếu ai đó nghỉ việc, tôi có lẽ sẽ không tìm người thay thế. Các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang xếp cao nhất trong ‘chỉ số thương đau’”, ông Zhou nói.
Ông Huang, chủ công ty áo len, cho hay, chính sách hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc chỉ có tác dụng hạn chế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Các công ty nhỏ bởi thế phải xoay đủ cách để tồn tại. Một số vay tiền của người thân, bạn bè để nâng cấp máy móc.
Khó khăn liên quan tới vấn đề tỷ giá cũng đang có chiều hướng tăng. “Mức độ rủi ro rất cao. Nếu chúng tôi ký một đơn hàng tính bằng đồng Euro, và đồng Euro mất giá, chúng tôi đã thua lỗ ngay khi chưa kịp bắt tay vào sản xuất”, ông Huang nói. Theo ông chủ doanh nghiệp này, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc rất ngại ký những đơn hàng 100.000 - 200.000 sản phẩm, mà chỉ thích ký những đơn hàng nhỏ, từ 10.000 - 20.000 sản phẩm.
Với tình hình này, ông Huang hy vọng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi tiêu nhiều hơn. “Nhu cầu nội địa đã tăng khoảng 10-20% trong năm nay. Điều đó sẽ giúp tạo ra một chiếc đệm giảm xóc cho chúng tôi”, ông Huang nói.