Theo ước tính của Bộ Tài chính, bội chi NSNN 6 tháng đầu 2013 ước khoảng 57% (tương đương 92.390 tỷ đồng) mức bội chi NSNN năm 2013 được Quốc hội thông qua. So với cùng kỳ năm 2012, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2012. Tốc độ tăng thu năm 2013 là thấp nếu so sánh 5 năm gần đây, song nếu đặt trong bối cảnh khó khăn kinh tế thì đây là kết quả chấp nhận được (năm 2012 thu ngân sách 6 tháng giảm so với cùng kỳ trước). Qua hình 3 cho thấy, tốc độ tăng thu NSNN so với cùng kỳ các năm tăng nhanh nhất là năm 2008.
Tuy nhiên, cần lưu ý là số thu danh nghĩa NSNN phụ thuộc khá nhiều vào lạm phát nên lạm phát thấp cũng sẽ làm thu ngân sách thấp. Nên chú ý rằng lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm 2013 so với bình quân cùng kỳ năm trước chỉ là 6,73% trong khi con số này năm 2008 là 20,34%, năm 2011 là 16,03%.
Ước tính chỉ có 3/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán, nhưng là các khoản thu nhỏ. Các khoản thu, sắc thuế còn lại đều thấp hơn yêu cầu tiến độ dự toán như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 39,4%, khu vực công thương ngoài quốc doanh đạt 42,7%, thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,3%... Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, chỉ có 21/63 tỉnh, thành phố có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%), chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ như Lào Cai, Thái Bình, Bến Tre... Các tỉnh, thành khác có số thu đạt dưới 50% là Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... So với mức thực hiện cùng kỳ 2012, 53/63 tỉnh, thành thu đạt và vượt, tuy nhiên mức tăng không lớn và chủ yếu là các tại địa phương có số thu nhỏ.
Tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 356.520 tỷ đồng, bằng 43,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 236.170 tỷ đồng, bằng 43,3% dự toán; thu từ dầu thô 55.430 tỷ đồng, bằng 56%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 61.920 tỷ đồng, bằng 37,2%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực DNNN ước đạt 39,4% dự toán năm; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước đạt 42,7%; thu thuế thu nhập cá nhân tăng 4,9%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 40%.
Tổng chi NSNN thực hiện 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 448.910 tỷ đồng, bằng 45,9% dự toán, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Trong đó, Chi đầu tư phát triển ước đạt 77.920 tỷ đồng, bằng 44,5% dự toán, bằng 100,3% so cùng kỳ năm 2012; Chi trả nợ và viện trợ ước đạt 52.180 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2012; Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước đạt 318.810 tỷ đồng, bằng 48,4% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2012.
So sánh 5 năm gần đây thì tỷ lệ chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2013 so với dự toán là thấp nhất. Tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2013 so với dự toán năm thấp hơn mức trung bình 5 năm 2008-2012 (tỷ lệ 47%). Điều này phản ánh việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP về cắt giảm chi NSNN cùng với hàng loạt chính sách nhằm tái cơ cấu đầu tư công đã bắt đầu đi vào thực tế. Tuy nhiên, việc cắt giảm đầu tư công sẽ có những hệ quả nhất định với tăng trưởng kinh tế, việc làm khi mà đầu tư của khu vực tư nhân chưa thể thay thế đầu tư công. Việt Nam cần tập trung vào việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công hơn là chỉ chú ý vào việc cắt giảm mạnh mẽ quy mô đầu tư công.
Do kết quả thu ngân sách không khả quan nên việc huy động nguồn trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi là rất cần thiết. Hiện nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng khá dồi dào trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng lại gặp nhiều khó khăn nên Chính phủ có thuận lợi khi phát hành trái phiếu (điều này là ngược lại của tình trạng 6 tháng đầu năm 2011 khi lãi suất huy động trái phiếu rất cao nhưng vẫn khó phát hành). Khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành 5 tháng đầu năm 2013 đã bằng 70% cả năm 2012. Đến 21/6/2013 trên thị trường sơ cấp đã diễn ra 117 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu đạt hơn 116,47 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu toàn thị trường tăng từ 52% năm 2012 lên 68,9% trong 6 tháng đầu năm 2013. Chỉ tính riêng Kho bạc Nhà nước đã huy động được 93.789 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013. Việc phát hành thành công trái phiếu chính phủ đã giúp Chính phủ đảm bảo được kế hoạch chi tiêu trong năm 2013. Theo dự toán ngân sách năm 2013, bội chi ngân sách của Việt Nam sẽ vào khoảng 162.000 tỷ đồng bằng 4,8% GDP.
Phân tích tình hình thu, chi NSNN 6 tháng đầu năm 2013 có thể rút ra một vài nhận xét:
Thứ nhất, thu NSNN đạt kết quả chưa cao so với dự toán do tình trạng suy giảm kinh tế vẫn chưa thực sự được cải thiện. Do tổng cầu thấp, lạm phát giảm nên số thu ngân sách cũng giảm. Ngoài nguyên nhân về khó khăn kinh tế thì việc lập dự toán ngân sách chỉ dựa chủ yếu vào kết quả thực hiện năm trước (2012) vốn đã bị thổi phồng do sự tăng thu mạnh của năm 2011 (một phần do lạm phát cao) cũng là một lý do quan trọng.
Thứ hai, chi thường xuyên 6 tháng đầu năm so với dự toán thấp hơn mức trung bình của 5 năm từ 2008-2012. Chi tiêu cho đầu tư phát triển cũng thấp hơn cùng kỳ của 5 năm gần đây. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế thì việc cắt giảm mạnh đầu tư công chưa hẳn là lựa chọn tốt, vấn đề quan trọng hơn là cần phải cải thiện hiệu quả chi tiêu công.
Thứ ba, tỷ lệ bội chi ngân sách so với dự toán 6 tháng cao hơn cùng kỳ 5 năm trước có thể coi là hệ quả của việc nguồn thu bị sụt giảm. Mặc dù, lãi suất huy động trái phiếu chính phủ giảm đi từ 1-2,5% so với cuối năm 2012 và nguồn huy động dồi dào song cũng không nên lạm dụng nguồn lực này cho NSNN.
Những thách thức đặt ra
Tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2013 được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, do đó cũng sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ với việc điều hành thu chi NSNN. Những yếu tố có thể tác động đến thu chi NSNN gồm:
Thứ nhất, sự sụt giảm của tăng trưởng làm giảm nguồn thu NSNN:
Chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ áp dụng kể từ năm 2011 đã đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, song cũng có mặt trái là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế giảm đi. Sử dụng số liệu thống kê tăng trưởng GDP theo quý và kỹ thuật kinh tế lượng để xác định xu thế tăng trưởng GDP trong giai đoạn gần đây cho thấy, mặc dù tăng trưởng kinh tế sẽ không giảm đi, song xu hướng tăng trưởng là chưa rõ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng tháng 6/2013 cũng suy giảm trong các đơn đặt hàng mới số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh, khiến tồn kho thành phẩm tăng mạnh. Hàng tồn kho đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 1 năm qua. Việc gia tăng hàng tồn kho cũng có thể làm giảm nhu cầu tăng sản lượng trong những tháng tới. Các điều kiện thị trường yếu kém cũng đã ảnh hưởng đến các quyết định trong việc thuê mướn nhân công, mua sắm và dự trữ hàng hóa đầu vào.
Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của DN và thu nhập của người dân chưa thể được cải thiện vào những tháng cuối năm. Do vậy, nguồn thu ngân sách từ thu nội địa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thu thuế xuất nhập khẩu cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi tình hình thương mại quốc tế chưa có sự khởi sắc trong năm 2013.
Thứ hai, nguồn thu giảm do chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ:
Bắt đầu từ 1/7/2013, một số thay đổi về Luật thuế Thu nhập DN (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cũng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách những tháng cuối năm.
Theo Luật thuế TNDN vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 6/2013, từ 1/1/2014, sẽ áp dụng thuế suất phổ thông 22% và từ 1/1/2016 áp dụng thuế suất 20%. DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20% ngay từ 1/7/2013. Việc áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định tại Điều 53 của Luật Nhà ở cũng được thực hiện từ ngày 1/7/2013.
Luật thuế TNCN được áp dụng từ 1/7/2013 với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cũng sẽ làm ảnh hưởng đáng kể tới khoản thu ngân sách từ thuế TNCN. Dự kiến, số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng. Cũng từ 01/07/2013, các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội được giảm 50% thuế VAT (nhà ở dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2).
Như vậy, nếu thu từ dầu thô không tiếp tục tăng thì tổng thu NSNN năm 2013 sẽ gặp không ít khó khăn để đảm bảo thực hiện tốt dự toán. Cần chú ý rằng, biến động giá dầu thô rất khó dự báo và chịu tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới.
Thứ ba, chi tiêu NSNN không còn nhiều dư địa cắt giảm:
Dù Chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc cắt giảm chi tiêu từ NSNN 6 tháng cuối năm 2013 cũng không còn nhiều dư địa do: (i) ngân sách đã được lập dự toán khá sát với việc cắt giảm mạnh đầu tư công và nhiều khoản chi thường xuyên; (ii) do lợi ích của các bên trong sử dụng ngân sách; (iii) do khó có thể ngay lập tức giảm quy mô chi tiêu thường xuyên qua việc giảm biên chế; (iv) do phải tiếp tục hoàn thiện các dự án dang dở từ nhiều năm trước nhằm đưa vào vận hành sử dụng. Hơn nữa, do thực hiện phân cấp ngân sách mạnh mẽ trong vài năm gần đây nên Chính phủ cũng gặp khó khăn khi yêu cầu các địa phương cắt giảm chi tiêu NSNN.
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2013, trong những tháng cuối năm, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu phát triển sản xuất-kinh doanh, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN, quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu và xử lý nợ đọng; thực hiện triệt để tiết kiệm chi. Đồng thời, không ban hành thêm các chính sách làm giảm thu NSNN, dừng ban hành các chế độ, chính sách làm tăng chi NSNN...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính – Báo cáo Tình hình thu chi ngân sách 6 tháng (nhiều năm);
2. Bộ Tài chính – Cân đối dự toán NSNN (nhiều năm);
3. Chính phủ - Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ tháng 1/2013;
4. Nguyễn Đức Thành và cộng sự (2013) – “Báo cáo kinh tế thường niên 2013- Trên đường gập ghềnh tới tương lai”;
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013
Thu, chi ngân sách nhà nước: Nỗ lực vượt qua khó khăn
(Tài chính) Bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước phải đối mặt với nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) nửa đầu năm 2013. Tuy nhiên, quyết tâm cao của ngành Tài chính cùng với nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ là cơ sở để công tác tài chính - ngân sách thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao…
Xem thêm