Thu hút FDI, tạo đà phát triển bền vững ngành nông nghiệp

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Báo cáo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta đã có nhiều bước tiến đáng kể trong giai đoạn từ 1987 đến nay. Tuy nhiên, nguồn vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp - ngành chủ lực của nền kinh tế - hiện vẫn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của ngành.

Thu hút FDI, tạo đà phát triển bền vững ngành nông nghiệp
Nguồn vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp - ngành chủ lực của nền kinh tế - hiện vẫn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của ngành. Nguồn: internet
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn FDI đầu tư cho ngành nông nghiệp chiếm 7,6% tổng số vốn FDI của cả nước năm 2006. Song, những năm gần đây, nhất là năm 2010, 2011, tỷ lệ vốn FDI cho ngành này chỉ chiếm 1%. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang ngày càng khó khăn không chỉ đối với nước ta nói riêng mà còn với nhiều nước trên thế giới.

Do vậy, vốn FDI dành cho ngành nông nghiệp cũng chịu tác động không nhỏ và trở nên khó thu hút hơn. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh. Đây là khó khăn lớn nhất và rủi ro cao nhất mà hoạt động đầu tư vào nông nghiệp khó có thể đoán trước được.

Không những vậy, đầu tư FDI vào nông nghiệp còn có nhiều hạn chế khác như lợi nhuận thu được tương đối thấp, thời gian thu hồi vốn chậm và kéo dài. Thêm vào đó, quy mô của hoạt động sản xuất nông nghiệp nước ta hiện còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung, dàn trải. Chủ trương, kế hoạch cho công tác xúc tiến thu hút vốn FDI vào nông nghiệp còn thiếu chuyên nghiệp, thiếu tính định hướng và kế hoạch, chiến lược cụ thể. Nguồn lực, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thu hút vốn đầu tư và quảng bá sản phẩm còn thiếu và yếu.

Các dự án nông nghiệp sử dụng vốn FDI không chỉ có tỷ lệ thấp về tổng số vốn đầu tư mà còn nhỏ về quy mô. Cụ thể, tổng giá trị mức đầu tư cho một dự án FDI nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến một nửa so với tổng mức đầu tư bình quân cho một dự án FDI thông thường, nhất là các dự án về bất động sản, tài chính, ngân hàng. Thêm vào đó, sự phân bổ nguồn vốn FDI trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, nhiều lĩnh vực có tiềm năng lớn lại chưa được chú trọng và có ít vốn đầu tư như chế biến nông sản và thủy sản. Bên cạnh đó, đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các nhà đầu tư hiện đang chuyển hướng sang xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm nông nghiệp; chứ không đầu tư vào hoạt động sản xuất như trước. Đây là hướng đi thiếu bền vững trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và lành mạnh hóa thị trường kinh doanh nông sản.

Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS., TS. Bùi Tất Thắng cho rằng, nhiều yếu tố gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận với ngành nông nghiệp nước ta như thiếu chiến lược dài hạn trong thu hút vốn FDI, mức độ rủi ro của ngành nông nghiệp khá cao, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu kém và chưa đồng bộ, trình độ lao động còn thấp… Đặc biệt, tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội của nước ta cho ngành nông nghiệp hiện khá thấp (hiện chỉ ở mức 10%), chưa xứng tầm với một lĩnh vực chiếm trên 50% tổng số lao động của cả nước.

Nhiều chuyên gia nhận định, tăng cường hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho ngành kinh tế trọng điểm – nông nghiệp là hết sức cần thiết. Trước hết, Chính phủ cần đưa ra những chính sách điều tiết thích hợp nhằm khuyến khích đầu tư FDI vào nông nghiệp như chính sách đầu tư xây dựng, cải thiện hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, xây dựng mô hình hợp tác công tư, mô hình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và thu phí dịch vụ…

Bên cạnh đó, cần đưa ra các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thích hợp nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp, nhất là khu vực FDI. Ngoài ra, Chính phủ cần sớm sửa đổi Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng cải thiện cơ chế về tín dụng, lãi suất, đất đai… Mở rộng phạm vi chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng cho phép áp dụng hình thức người nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho doanh nghiệp FDI thuê đất để cùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Đồng thời, trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong xây dựng mô hình thu hút vốn FDI một cách bền vững. Từ đó, tạo đà phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung.