Thực trạng thu hút FDI năm 2012
Năm 2012, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tiếp tục sụt giảm sau khi đạt đỉnh cao nhất vào năm 2008 (vốn đăng ký đạt 71,7 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 11,5 tỷ USD). Thực tế, đà sụt giảm này đã bắt đầu từ năm 2009. Cụ thể, năm 2009 vốn giải ngân trên vốn đăng ký là là 10/23,1; năm 2010 là 11/19,8; năm 2011 là 11/14,6 và năm 2012 là 10,4/13. Như vậy, vốn thực hiện giữ được ở mức bình quân 10,6 tỷ USD/năm từ 2009 đến 2012.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến cuối năm 2012, cả nước có 1.100 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký 7,85 tỷ USD, bằng 64,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, có 435 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,15 tỷ USD, tăng 7,4% về số dự án tăng vốn và 58,5% số vốn tăng so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,013 tỷ USD, bằng 84,4% so với cùng kỳ năm 2011. Trong năm 2012, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 10,46 tỷ USD, bằng 95,1 % so với cùng kỳ năm trước.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 498 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 12 tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 10 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,85 tỷ USD, chiếm 14,2%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 175 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 483,25 triệu USD, chiếm 3,7%.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến cuối năm, đã có 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu về tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm với 5,13 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,72 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,17 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư.
Vốn thực hiện đạt ở mức cao trong năm 2012 cho thấy phần nào sự chủ động của chúng ta trong điều hành vốn thực hiện, hàng tháng vẫn giữ ở mức trên 90% so cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đăng ký rớt mạnh trong tháng 1 (còn 3% cùng kỳ), nhích lên được 45% đến hết tháng 2/2012, đến hết tháng 6/2012 mới đạt mức trên 70%, rồi lại tiếp tục rớt xuống dưới 70% cho đến hết tháng 8/2012, để cả năm chỉ đạt ở mức 84,4% so FDI năm 2011.
Xu hướng sử dụng và thu hút FDI năm 2012 nêu trên như “một quy luật” trong giai đoạn 2006-2012 là đầu năm đạt thấp và tăng dần lên vào các tháng cuối năm. Việc khắc phục quy luật này như thế nào cũng là một câu hỏi đặt ra trong năm 2012 và hiện chưa có lời giải hữu hiệu.
Nhìn lại cơ cấu vốn trên 13 tỷ USD FDI đăng ký trong năm 2012 được thống kê theo 18 phân ngành kinh tế cho thấy, FDI vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD. Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt trên 1,85
tỷ USD với 10 dự án cấp mới và 6 lượt dự án hiện có tăng vốn, trong đó đáng lưu ý là dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Bình Dương với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD… Điều này cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vốn, trả nợ ngân hàng, hàng tồn đọng..., tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn có lạc quan với tương lai của thị trường tiếp tục đăng ký đầu tư.
Trong 10 địa phương dẫn đầu thu hút FDI năm 2012, chủ yếu vẫn là các địa phương có truyền thống trong các năm qua như: Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh và mới nổi như Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… trong đó, Bình Dương vượt lên dẫn đầu nhờ dự án “tỷ đô” bất động sản (1,2 tỷ USD) của nhà đầu tư Nhật Bản.
Đóng góp của vốn FDI năm 2012 còn đặc biệt quan trọng với ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục là một điểm sáng và là một trong những kết quả nổi bật nhất của FDI năm 2012. Xuất khẩu (kể cả dầu thô và không kể dầu thô) đều tăng trưởng trên 30% so năm 2011, với các con số tương ứng là 72,2 tỷ USD và 63,9 tỷ USD. Nhập khẩu của các DN có vốn FDI tăng 23,5% so năm 2011 và đạt con số 60,3 tỷ USD. FDI năm 2012 đã góp phần giảm nhập siêu chung trong năm 2012 so với năm 2011. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 17,7 tỷ USD, thì riêng khu vực FDI đã đóng góp trên 16 tỷ USD (không kể dầu thô), chiếm 90,4%, góp phần giúp Việt Nam lần đầu có được thặng dư trong cán cân thương mại (nhập siêu) sau hơn 20 năm.
Một điểm sáng nữa trong thu hút FDI năm 2012 là Việt Nam vẫn thu hút được một số dự án có quy mô lớn, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Các dự án này có vai trò rất quan trọng bởi nó thường gắn với chất lượng thông qua công nghệ sẽ triển khai, có tác động trong khu vực và ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực mà các dự án này tham gia đầu tư.
Bên cạnh các thành công, đóng góp của FDI trong năm 2012 cho kinh tế - xã hội, thực tế những tồn tại của FDI cũng vẫn còn đó, từ các năm trước chuyển sang. Cụ thể: Chưa thu hút được FDI phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế; Chưa kiểm soát hết được việc gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các DN có vốn FDI; cơ chế chính sách thiếu thống nhất và liên tục thay đổi trong thời gian qua; Nhiều dự án FDI có vốn đăng ký lớn lên tới hàng tỷ USD nhưng triển khai rất chậm nên còn chênh lệch khá cao giữa vốn thực hiện trong tổng vốn đăng ký (tính tới thời điểm hiện nay, tỷ lệ vốn thực hiện/vốn đăng ký khoảng 90 tỷ USD/227 tỷ USD, còn khoảng 120 tỷ USD vốn đăng ký chưa thực hiện); hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) chưa hiệu quả và còn chồng chéo giữa các địa phương, chưa xác định rõ được giải pháp, nội dung XTĐT để thu hút được FDI công nghệ hiện đại; công tác phối hợp trong quản lý FDI giữa các bộ, ngành với các địa phương, giữa các địa phương với nhau còn yếu cũng như trong các công tác “hậu kiểm”, thống kê, đánh giá tình hình hoạt động của các DN FDI sau khi được cấp phép… nên việc “chuyển giá – lỗ giả lãi thật – trốn thuế” của một số DN FDI (kể cả các DN lớn, có tiếng trên thị trường thế giới) được phát hiện từ năm 2011, gần đây lại nổi lên như vấn đề thời sự.
Ngoài ra, một điểm đáng báo động là theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 75 trong 144 nền kinh tế được đánh giá, tiếp tục tụt hạng so với những năm trước. Lĩnh vực kém nhất của Việt Nam là tỷ lệ lạm phát hàng năm xếp thứ 141/144, tiếp đó là tiêu chuẩn báo cáo cáo và kiểm toán xếp thức 132/144. Tiêu chí cơ sở hạ tầng, chất lượng đường xá xếp thứ 120/144, cảng biển xếp thứ 113/144… Chính vì thế, Việt Nam đã bị đánh rớt tới 10 bậc so với năm ngoái và 16 bậc so 2 năm trước đây. Điều nà cho thấy rõ hơn một trong các nguyên nhân làm FDI tiếp tục sụt giảm. Khó khăn tồn tại năm 2012 rõ ràng là sẽ được đẩy qua năm 2013 và các năm tiếp theo.
Giải pháp thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI
Từ những thực trạng trên, ở tầm vĩ mô cần rà soát lại một cách đồng bộ để đổi mới, giảm thiểu tác động xấu của thể chế, môi trường kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo… nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đổi mới sẽ có tác động tích cực đến nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, chặn đà suy giảm FDI. Xin nêu ý kiến của Đại sứ Singapore tại Việt Nam – ông Simon Wong: Hiện Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam nhưng các công ty của Singapore vẫn cho rằng, Việt Nam có thể tăng tính cạnh tranh của mình, tiếp tục “bay” cao nếu như cải thiện được vấn đề: Đầu tiên là lạm phát; Thứ đến là tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu nạn quan liêu và cơ chế xin-cho, cải thiện chất lượng lao động, cả về kỹ năng và ngôn ngữ.
Liên quan đến Đề án “Đánh giá thực trạng FDI và định hướng đến năm 2020” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo, trước mắt trong năm 2013 cần lựa chọn một số giải pháp trong các nhóm liên quan đến FDI đã được đề xuất trong đề án để tổ chức thực hiện một cách triệt để. Theo đó, trước hết là xây dựng chiến lược FDI nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và trong tổng thể chính sách tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất và kết nối với các chính sách/chiến lược khác. Tiếp đến là xây dựng quy hoạch gọi vốn FDI theo ngành, vùng lãnh thổ để qua đó thấy rõ được những lĩnh vực, ngành nghề, dự án, địa bàn cần và có thể liên doanh, cho phép nước ngoài thực hiện. Đối với những lĩnh vực, ngành nghề mà DN trong nước đầu tư và kinh doanh có chất lượng, chi phí so sánh được với dự án FDI thì ưu tiên cho khu vực trong nước. Kế đến là việc hoàn thiện thể chế, mà trước hết về tổ chức bộ máy, vì thực tế hiện nay công tác quán lý nhà nước đối với FDI đang phân cấp cho các địa phương thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước và thiếu một cơ quan quản lý nhà nước có đủ thẩm quyền để điều phối hoạt động nói trên. Đây là một nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả hoạt động FDI. Các khó khăn, tồn tại trong quản lý Nhà nước từ năm 2011 được chuyển qua năm 2012, và tiếp tục được chuyển sang năm 2013 để giải quyết như vấn đề chậm triển khai của các dự án lớn, việc chuyển giá của một số DN FDI... cho thấy cần sớm xem xét lại mô hình tổ chức bộ máy quản lý FDI. Việc hoàn thiện thể chế, còn cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng là các bộ, ngành không nắm chắc và cập nhật thông tin về tình hình hoạt động của khu vực FDI liên quan đến lĩnh vực, ngành phụ trách. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư mà trước hết là khắc phục các chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật Đầu tư và các luật khác như về cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, về chuyển nhượng dự án đầu tư và chuyển nhượng cổ phần, về tuân thủ điều kiện đầu tư trong góp vốn, mua cổ phần giữa Luật DN, Luật Đầu tư; về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu quy định tại Luật Đầu tư và Luật thuế thu nhập DN; về sự không thống nhất về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư với các Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết đối với công tác quản lý nhà nước về FDI, đòi hỏi được thực hiện liên tục không chỉ hiện nay mà cả các giai đoạn phát triển sau này của đất nước. Cần có chiến lược, có định hướng, có quy hoạch, có một bộ máy đủ mạnh về quản lý FDI để xác định các bước đi dài hạn nhằm đạt tới mục tiêu đặt ra, tuy vậy chúng ta đều rõ các vấn đề về chiến lược, quy hoạch, tổ chức lại bộ máy, nhất là vấn đề nhân sự cho bộ máy… là những vấn đề tổng hợp, phức tạp không thể hoàn thành trong ngắn hạn một năm. Khi thực hiện các bước đi dài hạn đó cần tổ chức thực hiện ngay các tác nghiệp nhỏ trong các bước đi ngắn hạn hàng năm.
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong thu hút FDI, ngay từ đầu năm 2013 cần có một chương trình hành động cụ thể xử lý các tồn tại – khó khăn, trong đó từng bộ, ngành, từng địa phương được giao triển khai các công việc cụ thể, có xác định rõ thời hạn hoàn thành; Các địa phương cần tập trung vào việc rà soát thực tế tình hình các dự án được cấp phép trên địa bàn và hỗ trợ các dự án này giải ngân, xác định rõ ngay mức cần giải ngân FDI của từng địa phương bằng một con số xác định tương ứng với thực tế thu hút FDI của địa phương đó; Cần quyết liệt và mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý vấn đề chuyển giá của một số DN có vốn FDI; Rà soát và sửa đổi các quy định còn chồng chéo giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác...
Theo dự báo, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, vì vậy cũng là năm khó khăn với FDI. Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn còn có những tín hiệu lạc quan như lượng vốn FDI đăng ký tăng thêm của các DN FDI hiện có; Xu hướng đầu tư của các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản vào Việt Nam tăng. Với các tín hiệu đó và với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc đề án “Đánh giá thực trạng FDI và định hướng đến 2020” sau khi được phê duyệt, có thể lạc quan tin tưởng rằng FDI năm 2013 sẽ khắc phục được một số khó khăn tồn tại hiện nay.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 2 - 2013
Thu hút FDI vào Việt Nam: Lạc quan trong gian khó
(Tài chính) Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2012 cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, các giải pháp đột phá nhằm chặn đà sụt giảm, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng nguồn vốn này đã, đang và sẽ được thực hiện trong thời gian tới...
Xem thêm