Thu nhập bao nhiêu để đủ "nuôi" ôtô ở Việt Nam?

Theo vnexpress.net

Với mức chi phí trung bình nuôi xe khoảng 4-6 triệu, người sử dụng xe nên có thu nhập hàng tháng ít nhất gấp 4-5 lần.

 Mức nuôi xe trung bình khoảng 4-6 triệu. Nguồn: internet
Mức nuôi xe trung bình khoảng 4-6 triệu. Nguồn: internet

Mức giá ôtô nhìn chung còn rất cao so với thu nhập của người Việt. Với mức thu nhập hàng năm khoảng 2.000 USD, để mua một chiếc xe cỡ nhỏ khoảng 400 triệu, thì người Việt cũng cần tới 10 năm không ăn tiêu. Đó chỉ là con số so sánh tương đối, thực tế còn khó khăn hơn, bởi lẽ mức thu nhập này thường không thể "kham" nổi chi phí đắt đỏ, khi đó sẽ không còn tiền dành cho tiết kiệm.

Mua được xe đã khó, duy trì xe chạy hàng ngày còn khó hơn. Để "nuôi" xe ở Việt Nam, người dân cần trả các loại chi phí như xăng dầu, bãi đỗ, rửa xe, bảo dưỡng, phí cầu đường, sửa chữa... Chưa kể tới những chi phí không mất theo hàng tháng mà nộp một lần trong năm như bảo hiểm, bảo trì đường bộ, đăng kiểm, hoặc chi phí khấu hao.

Cụ thể, chi phí cho một chiếc xe lăn bánh trên đường ngoài tiền mua xe, được chia thành hai loại. Chi phí cố định (chi một lần hoặc một năm một lần) và chi phí lưu động (chi hàng tháng).

Chi phí cố định bao gồm phí trước bạ, đăng kiểm, biển số, bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, khấu hao. Những chi phí này được trả ngay khi khách hàng vừa mua xe hoặc trả hàng năm như tiền mua bảo hiểm thân vỏ (không bắt buộc).

Chi phí khấu hao cũng như vậy, ví dụ chiếc xe Altis giá 800 triệu, sau 5 năm (60 tháng) bán lại được 600 triệu, chi phí mất đi hàng tháng là 200/60, khoảng 3,3 triệu.

Chi phí cố định phụ thuộc vào loại xe đi (ảnh hưởng tới chi phí khấu hao) hoặc nơi mua xe (ảnh hưởng đến phí trước bạ, biển số...) hay chủ nhân mua những loại bảo hiểm tự nguyện nào. Những loại chi phí này không ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền chi tiêu hàng tháng của chủ xe, mà ảnh hưởng tới tài khoản tích lũy. Vì thế, trong phạm vi bài viết này, coi chi phí hàng tháng để nuôi xe chỉ tính dựa trên chi phí lưu động.

Những chi phí cơ bản nhất thuộc chi phí lưu động bao gồm xăng dầu, rửa xe, gửi xe, phí cầu đường, bảo dưỡng và sửa chữa phát sinh khác. Không thể có một con số chính xác cho tất cả mọi người bởi lẽ loại xe là khác nhau, mức độ sử dụng cũng khác nhau.

Để cụ thể, dưới đây là bảng thống kê dựa trên một mẫu xe, ví dụ Kia Forte.

Chi phí Tần suất/tháng Số tiền
Xăng dầu 1.000 km 2.000.000
Rửa xe 4 lần 200.000
Gửi xe Nhà và cơ quan 1.500.000
Phí cầu đường Thỉnh thoảng đi tỉnh 200.000
Bảo dưỡng, sửa chữa phát sinh 500.000
Tổng 4.400.000

Bảng tổng hợp trên đây chỉ là một trường hợp cụ thể, áp dụng cho một người đi trung bình, 1.000 km mỗi tháng tức khoảng 33 km mỗi ngày. Mức tiêu thụ nhiên liệu cho vào khoảng gần 10 lít/100 km, giá xăng 20.000 đồng/lít.

Chi phí gửi xe áp dụng cho hầu hết những người sở hữu xe ở thành phố, không thể cho xe vào nhà (nhà hẹp hoặc ở chung cư), do đó phải gửi ở hầm chung cư hoặc bãi ở ngoài. Chi phí rửa xe một lần mỗi tuần, với mức giá trung bình 50.000 tại Hà Nội.

Nói chung mức chi phí là không thể giống nhau ở tất cả mọi dòng xe, mọi người sử dụng. Nhưng theo các tài xế chạy xe lâu năm, với những dòng xe phổ thông, chi phí 4-6 triệu mỗi tháng là phù hợp với số đông. Với xe sang, con số này cao hơn và thường khó có ước tính chính xác, có thể rơi vào 10 triệu trở lên.

Vậy với chi phí hàng tháng 4-6 triệu tiền nuôi xe, thu nhập thường xuyên là bao nhiêu thì sử dụng xe là hợp lý?

Theo anh Quý Thăng, chuyên gia tín dụng cá nhân, người mua xe cần xác định sau khi trừ đi tiền nuôi xe, khoản còn lại phải đủ cho chi tiêu gia đình cũng như tiết kiệm. Nếu chiếc xe mua bằng cách trả góp, thì mức thu nhập tối thiểu nên gấp khoảng 5 lần chi phí nuôi xe, tức khoảng 25 triệu. Nhưng nếu mua xe bằng vốn tự có, không phải nghĩ tới chuyện trả nợ ngân hàng hàng tháng, thì có thể giảm tỷ lệ này xuống, mức thu nhập phù hợp cần khoảng 4 lần, tức 20 triệu.

Tất nhiên, vị chuyên gia ngân hàng này cũng cho biết, thực tế có nhiều người thu nhập chỉ khoảng 15 triệu, thậm chí thấp hơn vẫn thoải mái đi xe, vì có nhà rộng rãi để xe, đi ít thông thành phố... khi đó mức phí nuôi xe sẽ giảm xuống nhiều.

"Không có con số chính xác nên cần bao nhiêu, mà cần xác định, tiền kiếm được phải đủ nuôi người, nuôi xe và tiết kiệm".