Thu phí rút tiền nội mạng có là tận thu với người sử dụng dịch vụ không?

Theo Đại biểu Nhân dân

Tại dự thảo Thông tư quy định về phí giao dịch thẻ ghi nợ nội địa vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố thì các ngân hàng sẽ được thu phí giao dịch nội mạng. Các ngân hàng có cái lý của mình khi đề xuất thu loại phí này từ đầu năm nay. Nhưng khi người sử dụng thẻ đã phải đóng nhiều loại phí liên quan đến dịch vụ này thì, thu phí với rút tiền nội mạng dường như đã mang dáng dấp của một khoản tận thu.

Thu phí rút tiền nội mạng có là tận thu với người sử dụng dịch vụ không?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo dự thảo Thông tư quy định về phí giao dịch thẻ ghi nợ nội địa  (thẻ ATM) của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh những loại phí đang áp dụng gồm phí phát hành, phí thường niên, vấn tin tài khoản, in sao kê, các loại dịch vụ thẻ khác, thì người sử dụng khi rút tiền mặt nội mạng cũng sẽ phải đóng phí. Ngân hàng Nhà nước cũng xác định sẽ thu phí từ 0 đến 1.000 đồng/giao dịch từ ngày 1/3/2013. Mức phí này sẽ nâng lên 2.000 đồng/giao dịch từ 1/1/2014 và ở mức 3.000 đồng/giao dịch từ 1/1/2015. Ngoài ra, việc chuyển khoản nội mạng cũng chịu mức phí 15.000 đồng/giao dịch dù đây là dịch vụ phát sinh duy nhất tại cây ATM cho người sử dụng.

Còn nhớ, trong quý II/2012, dư luận xã hội đã phản ứng mạnh mẽ với đề nghị thu phí giao dịch nội mạng của Hội Thẻ Việt Nam. Bởi người tiêu dùng đang phải đóng nhiều loại phí khi sử dụng dịch vụ này, trong khi dịch vụ chưa thực sự thuận lợi và phải đóng phí cao cho những giao dịch phát sinh khác. Thậm chí, trong thời gian qua, các ngân hàng đều điều chỉnh nâng mức thu phí với nhiều loại giao dịch liên quan đến thẻ ATM. Vì thế, người sử dụng thẻ không đồng tình với dự thảo Thông tư quy định về phí giao dịch thẻ ghi nợ nội địa của Ngân hàng Nhà nước là điều dễ hiểu. Song không nên đánh giá cảm tính mà cần phân tích thấu đáo để thấy rõ đối tượng nào được lợi, đối tượng nào chịu thiệt thòi khi quy định này được thực hiện.

Báo cáo giải trình về dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thu phí hướng đến mục tiêu là để hài hòa lợi ích giữa khách hàng và ngân hàng. Mức phí được đưa ra sẽ từng bước phù hợp với khách hàng và giúp ngân hàng phần nào chi phí đầu tư, vận hành hệ thống cung ứng dịch vụ thẻ, có động lực tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân gia tăng sử dụng thẻ ATM cũng mang đến nhiều lợi ích cho ngân hàng thương mại. Bởi chỉ một bộ phận người có thu nhập thấp sau khi nhận lương mới phải rút tiền ngay để chi tiêu. Đối tượng này cũng không rút ngay mà thường phải sau một vài ngày mới rút hết tiền. Với lượng tiền này, các ngân hàng chỉ phải trả mức lãi suất không kỳ hạn từ 1,5 đến 2%/năm, trong khi lãi suất huy động từ 7 đến 7,5%, chưa kể những thời điểm tăng cao.

Nhìn vào hai số liệu này cũng thấy được ngân hàng không cần tiến hành bất kỳ hoạt động nào đã có lợi nhuận lớn. Hơn nữa, những người có thu nhập cao thường để duy trì một lượng tiền lớn tại thẻ ATM của mình, nên ngân hàng kinh doanh lượng tiền này cũng sẽ thu lợi lớn ở những thời điểm lãi suất cho vay cao.

Bên cạnh ngân hàng, một đối tượng khác cũng được hưởng lợi từ dịch vụ thẻ là đơn vị chi trả tiền lương. Việc dử dụng dịch vụ này giúp các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sẽ không phải tốn nhiều nhân lực, kinh phí thực hiện như trả lương bằng tiền mặt. Đơn vị trả tiền sẽ chỉ phải liên hệ với ngân hàng để thực hiện, không phải tốn nhân lực, giấy tờ, mất thời gian như hình thức trả lương cũ. Chưa kể, hình thức phát lương sẽ khiến người lao động phải ngừng làm việc trong một khoảng thời gian nhất định để thực hiện.

Trong khi đó, áp dụng trả lương qua tài khoản sẽ không mất khoảng thời gian này do người lao động chủ yếu rút tiền sau giờ làm của mình. Vậy nên, nếu dựa theo công làm việc của người lao động sẽ thấy doanh nghiệp đã tiết kiệm được khoản kinh phí lớn như thế nào do công nhân không mất thời gian đi nhận lương.

Với sự phát triển mạnh mẽ của giao dịch thương mại điện tử hiện nay thì người dân cũng được hưởng lợi khi sử dụng loại thẻ này. Do việc lập thẻ ghi nợ nội địa, mở tài khoản ở ngân hàng sẽ giúp thanh toán thuận lợi, không mất thời gian nhiều nữa. Tuy nhiên, không phải mọi người dân đều có điều kiện tham gia giao dịch thương mại, nhất là lao động phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Họ thậm chí cũng không rút tiền lương một lần do điều kiện an ninh tại khu trọ không bảo đảm. Vì thế, mức phí rút tiền nội mạng thấp, nhưng khi người công nhân phải rút nhiều lần thì sẽ thành không nhỏ.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thể hiện quan điểm không hỗ trợ khoản phí này cho công nhân, để giữ ổn định chi phí sản xuất, kinh doanh. Còn nếu doanh nghiệp muốn thì cũng khó hỗ trợ do không định lượng được mức tiền công nhân phải trả cho dịch vụ này. Vì thế, người lao động chủ yếu phải tự lo thanh toán khoản tiền này, còn sự hỗ trợ là không đáng kể. Đối với những người có thu nhập cao thì mức thu phí này cũng chưa thật hợp lý. Bởi hạn mức rút tiền còn thấp, trong khi lãi suất đối với khoản tiền để lại trong tài khoản chỉ dưới 1,5%/năm, nên tính ra thì người sử dụng không còn lãi từ việc này nữa.

Trong quan hệ kinh tế, khách hàng sử dụng dịch vụ thì phải trả phí. Tuy nhiên, khi dịch vụ cung ứng chưa tương xứng với các khoản đóng góp của người sử dụng thì thêm loại phí này có thành tận thu từ người sử dụng không? Và thu thêm một loại phí sẽ khiến người dân ngần ngại sử dụng dịch vụ này thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thực hiện chủ trương hạn chế lưu thông tiền mặt trên thị trường của Ngân hàng Nhà nước? Việc thu phí với giao dịch nội mạng không sai với nguyên tắc tính phí và lệ phí, nhưng có lẽ cần tính đến sự hợp lý, cũng như những tác động từ quyết định này đối với người chịu ảnh hưởng.