Thủ tục chuyển nhượng nhà, đất được thừa kế chung

Theo chinhphu.vn

Ông, bà ngoại của bà Nguyễn Thị Ngọc Châuchết, để lại1 căn nhà nhưng không lập di chúc. Khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 người dì và 1 người cậu của bà Châu đã nhất trí để mẹ bà là người đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận. Nay gia đình bà Châu muốn bán tài sản này thì cần làmthủ tục gì?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Nguyễn Thị Ngọc Châu như sau:

Ngày 19/5/2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Khoản 4, Điều 5 Thông tư này quy định, trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó. Văn bản thỏa thuận phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện theo quy định tại Khoản 1 Điều này, dòng tiếp theo ghi "Là người đại diện của những người được thừa kế gồm:... (ghi lần lượt tên của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)".

Hợp đồng chuyển nhượng phải được công chứng, chứng thực

Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b Khoản này.

Khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo Giấy chứng nhận cấp cho người đại diện của những người được thừa kế, thì bên chuyển nhượng gồm những người được thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (trong đó có người đứng tên đại diện) và bên nhận chuyển nhượng phải lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức công chứng ở địa phương theo quy định tại các Điều 40, 41, 42 Luật Công chứng năm 2014, hoặc lựa chọn chứng thực hợp đồng tại Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện, hoặc UBND cấp xã theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 và Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Thủ tục đăng ký biến động, chuyển quyền sử dụng đất

Theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 79 Nghị định số43/2014/NĐ-CPngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều củaLuật Đất đainăm 2013 thì, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện như sau:

Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Nội dung biến động là chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, lập tại tổ chức công chứng, hoặc chứng thực hợp đồng tại Phòng Tư pháp, hoặc UBND xã nơi có đất.

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:

- Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;

- Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;

- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng.

Thời gian giải quyết hồ sơ chuyển quyền tối đa không quá 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. Nếu địa bàn xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện tăng thêm 11 ngày làm việc.

Nếu phải đo đạc địa chính thửa đất để thể hiện sơ đồ lên Giấy chứng nhận khi giải quyết hồ sơ do Giấy chứng nhận đã cấp trước đây chưa có sơ đồ thửa đất và thửa đất chưa có trong bản đồ địa chính thì cộng thêm 7 ngày làm việc.