Thuần phục con ngựa bất kham
(Tài chính) Điều hành thị trường vàng như thuần phục con ngựa bất kham và phải có đủ thời gian để cầm cương nó. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với đầy đủ điều kiện và công cụ trong tay sẽ thực hiện được mục tiêu này nhưng cần một quá trình đủ dài. Trên thực tế, điều này đã được kiểm chứng.
Chính sách cần thời gian
Đã được 5 tháng kể từ ngày có phiên đấu thầu vàng đầu tiên (28.3) do NHNN tổ chức. Nhìn lại thời gian này, xem ra thị trường vàng đã tiến một bước căn bản và khá thành công. Với thị trường vàng, điều quan trọng nhất là cần phải ổn định. Ổn định thị trường, ổn định nguồn cung sẽ tạo sự ổn định về tâm lý.
Chúng ta đã từng chứng kiến khi thị trường vàng hoảng loạn, người ta đua nhau đi mua vàng, xếp hàng lũ lượt, chấp nhập lấy tích kê rồi nhận vàng sau... Hình ảnh đó đến nay dường như đã lùi xa.
Và gần đây, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 2,1 - 2,4 triệu đồng/lượng. Sau 57 phiên đấu thầu, NHNN đã bán ra 1.517.200 lượng vàng miếng, tức gần 57 tấn vàng. Việc tăng cung, giải cơn khát cho nhu cầu đã giúp thị trường ổn định, không có sự hỗn loạn khi giá biến động. Đặc biệt, mục tiêu quan trọng nhưng cũng nan giải nhất là đưa giá vàng trong nước tiến sát với giá vàng quốc tế đã có kết quả.
Ngay khi NHNN có những biện pháp quyết liệt để quản lý cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến thị trường vàng theo Nghị định 24 đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Người hưởng ứng, kẻ lại lo lắng đặt những câu hỏi lớn. Thậm chí, thời gian đầu mới tổ chức các phiên đấu thầu, có thời điểm khoảng cách giá vàng trong nước doãng rộng so với giá quốc tế (từ 2,8 triệu đồng lên 5 - 6 triệu đồng và có thời điểm tới 7 triệu) dẫn đến sự hoài nghi của một bộ phận công chúng về chính sách của NHNN. Điều này dễ hiểu vì ai cũng kỳ vọng NHNN sẽ giải quyết được ngay chênh lệch về giá chỉ qua một vài phiên đấu thầu. Hơn nữa, có cảm giác càng đấu thầu thì giá lại càng doãng rộng. Tuy nhiên, phải hiểu rằng điều hành thị trường vàng như thuần phục con ngựa bất kham và phải có đủ thời gian để cầm cương nó. NHNN với đầy đủ điều kiện và công cụ trong tay sẽ thực hiện được mục tiêu này nhưng cần phải có một quá trình đủ dài để thực hiện. Và thực tế là điều này đã được kiểm chứng.
Với các chính sách quản lý mới, việc truyền thông chính sách là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, có những chính sách cần thời gian kiểm chứng thì lại cần sự thấu hiểu, phân tích kỹ và thận trọng trong việc tiếp cận, xử lý thông tin từ phía truyền thông.
Người dân đã mua hơn 25 tấn vàng
Trong tổng khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các tổ chức tín dụng (TCTD) sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng; phần còn lại các TCTD, doanh nghiệp trúng thầu đã bán lẻ trên thị trường. Như vậy số vàng bán cho người dân là 25,42 tấn.
Nếu như năm 2011, tổng nhu cầu vàng vật chất bao gồm cả miếng và nữ trang của Việt Nam đạt mức 100,8 tấn thì đến năm 2012 vào khoảng 77 tấn. Báo cáo của Hội đồng vàng Thế giới công bố hồi tháng 2.2013, nhu cầu vàng vật chất của Việt Nam và các nước trong khu vực đang giảm. Nếu mức giảm trong năm 2013 dự kiến ở mức 25% so với năm 2012 thì con số cầu của năm nay vào khoảng 50 tấn vàng. Số vàng bán cho dân ước đến thời điểm này ước tính khoảng hơn 25 tấn, phản ánh đúng nhu cầu thật sự thị trường cũng như thể hiện tâm lý: vàng đã bớt lấp lánh trong mắt người dân.
NHNN vẫn nên can thiệp bán ra
Tình hình giảm cầu và giao dịch trầm lắng trong một vài ngày gần đây là do thị trường vàng bắt đầu ngấm do có hai nguồn cung: một là từ đấu thầu, hai là từ một phần trong số vàng mà các ngân hàng tất toán trả cho dân đã quay lại thị trường. Tuy nhiên, một trong những yếu tố để giữ được giá vàng trong nước không bị doãng rộng so với giá thế giới là NHNN vẫn phải đảm bảo nguồn cung vàng ra thị trường một cách đều đặn và hợp lý.
Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng, mà phải nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 24, NHNN độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng miếng, là đầu mối duy nhất tạo nguồn cung mới cho thị trường. Với khoảng 2 phiên đấu thầu/tuần, tính ra mỗi tháng NHNN đưa ra khoảng 8 tấn vàng, như vậy từ nay đến cuối năm, số vàng đưa ra khoảng 30 tấn; nâng mức số lượng vàng thực đưa ra thị trường trong cả năm 2013 khoảng gần 60 tấn.
Cho dù được dự báo là nhu cầu vàng vật chất trong năm nay giảm so với năm 2012, nhưng từ giờ đến cuối năm nhu cầu vẫn còn nên NHNN vẫn cần phải đưa vàng ra qua nguồn cung này để đảm bảo vai trò giữ ổn định thị trường, điều tiết cung cầu, hạn chế những tác động bất lợi đối với ổn định vĩ mô.
Ba câu hỏi cần được trả lời
Vấn đề huy động vàng trong dân đã được nhiều chuyên gia đề cập, nhưng cần phải trả lời trước ba câu hỏi: huy động để làm gì? ai là người huy động, ngân hàng thương mại hay NHNN? huy động bằng phương thức nào - phát hành chứng chỉ hay hình thức vay vàng đơn thuần của dân?
Có vẻ như việc huy động vài trăm tấn vàng đang được người dân nắm giữ để đưa vào phát triển kinh tế thoạt nghe thì rất hay nhưng để tìm ra phương án triển khai lại không đơn giản. Đã vay vàng của dân thì sẽ phải trả bằng vàng, trong khi đó vay vàng để bán ra lấy tiền đồng nhằm tăng cung tiền thì lúc này NHNN đâu có thiếu tiền. Hơn nữa nền kinh tế hiện khó mà hấp thụ được lượng vốn lớn do doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn, sức mua kém… Chưa kể rủi ro thua lỗ của việc vay vàng bán lấy tiền đồng rất lớn khi giá vàng biến động. Gương tày liếp của một số ngân hàng thương mại còn đó. Chưa hết, còn tiền lãi phải trả khi huy động vàng của dân cũng không ít. Giả sử với 100 tấn vàng huy động, lãi phải trả 1%/năm thì số tiền trả lãi đã khoảng 1.000 tỷ đồng - số tiền không nhỏ nếu như chưa có phương sách gì để sử dụng số vàng này. Ngoài ra, nhà quản lý cũng có thể lo ngại rằng còn huy động vàng thì người dân còn giữ vàng để được hưởng lợi kép.
Tuy nhiên, việc để vài trăm tấn vàng, tương đương vài chục tỷ USD, nằm chết trong dân là sự lãng phí vô cùng. Vấn đề đưa số vàng này vào phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế là nhu cầu cần thiết mà NHNH phải có bài toán tổng thể và đồng bộ để sớm xử lý.