Thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong 6 tháng đầu năm 2021, các đối tượng vi phạm có nhiều phương thức tinh vi, lưu thông hàng hóa vi phạm trên thị trường nhằm thu lợi bất chính. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các đơn vị thành viên đã tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh luôn chủ động triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thành viên có phương pháp đấu tranh hiệu quả với từng loại đối tượng một cách có trọng tâm, trọng điểm.
Kết quả, chỉ trong 6 tháng, toàn tỉnh đã tiến hành được 11.882 cuộc thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát (tăng 40,26% so với cùng kỳ năm 2020), đã phát hiện 671 vụ việc vi phạm (tăng 31,83% so với cùng kỳ năm 2020) với 769 đối tượng (tăng 42,14% so với cùng kỳ năm 2020). Xử lý vi phạm hành chính 548 vụ (tăng 25,98% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước gần 12 tỉ đồng (giảm 22,21% so với cùng kỳ năm 2020).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Hành vi buôn bán và vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có phương thức, thủ đoạn không mới nhưng tinh vi và khó phát hiện hơn. Các đối tượng tiêu thụ ở địa phương thường núp bóng dưới dạng hộ kinh doanh để thuận tiện trong việc cất giấu, ngụy trang và giao nhận hàng.
Về hình thức vận chuyển, các đối tượng ngoài tỉnh ở khu vực giáp với Campuchia tìm cách móc nối với các đối tượng đầu nậu từng có tiền án, tiền sự ở địa phương để tổ chức các hoạt động thuê người vận chuyển về Sóc Trăng tiêu thụ. Về tính chất, quy mô hoạt động có sự cấu kết chặt chẽ tạo thành đường dây hoạt động liên tỉnh, đối phó với các cơ quan chức năng ngày càng tinh vi hơn.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động tinh vi, biến tướng với nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động, ngụy trang, chia nhỏ cất giấu ở nhiều nơi và thường hoạt động vào đêm khuya, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phát hiện.
Gian lận thương mại diễn ra với các hành vi kinh doanh hàng hóa có chất lượng không phù hợp so với công bố sản phẩm hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành tại Việt Nam; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa quá hạn sử dụng, vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn và thuốc thủy sản, mỹ phẩm, quần áo, túi xách, mắt kính, phụ tùng xe máy và một số mặt hàng tiêu dùng khác.
Riêng về hàng giả, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, bao gồm bán phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu Honda; bán phân bón, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi giả; sản xuất khẩu trang y tế giả, trong đó có 2 vụ có dấu hiệu tội phạm đã chuyển cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát của các ngành chức năng, đã tiến hành khởi tố 68 vụ/101 bị can (7 vụ/15 bị can tội buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; 61 vụ/86 bị can về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy), tăng 40 vụ/63 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các đơn vị thành viên đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về nội dung; hướng dẫn người dân thực hiện việc kinh doanh đúng quy định của pháp luật…
Tiêu biểu là lực lượng biên phòng đã tuyên truyền nhỏ lẻ cho gần 2.200 hộ gia đình về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các văn bản pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại và các tệ nạn xã hội khác.
Cục Quản lý thị trường phối hợp tuyên truyền trực tiếp cho 538 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra về các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ… Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc mua bán và sử dụng hàng hóa; không tham gia hoặc tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng như kịp thời tố cáo các hành vi vi phạm, giúp các ngành chức năng xử lý.
Trong thời gian tới, để chủ động đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, tập trung triển khai và tổ chức nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh; thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nắm thông tin về phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát tập trung vào tuyến biên giới trên biển, các khu vực cửa sông Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh, địa bàn giáp ranh với các tỉnh, các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh và các điểm tập kết, giao nhận hàng hóa, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm như: ma túy, thuốc lá điếu, lương thực, thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm… và các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, nhằm ổn định thị trường, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.