Thực hiện hiệu quả chính sách phát triển trong bối cảnh đổi mới và hội nhập

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Sáng 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Chính sách phát triển trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”. Hội thảo do Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong ngành.

Thực hiện hiệu quả chính sách phát triển trong bối cảnh đổi mới và hội nhập
Chiến lược tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế. Nguồn: internet

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế cho biết: Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: tỷ lệ nghèo cả nước giảm nhanh chóng (từ 58% năm 1993 xuống 7,6-7,8% năm 2013); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có bước nhảy vọt từ khoảng 3,9 tỷ USD những năm trước 1993 lên trên 132 tỷ USD năm 2013; năm 2013, xuất khẩu của Việt Nam có 22 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD,… Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn và thách thức như: vấn đề phát triển bền vững, phát triển xanh, hội nhập và liên kết phát triển. Bởi vậy, hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia cùng trao đổi ý kiến, quan điểm liên quan đến chính sách công hướng tới thực hiện hiệu quả những thách thức này.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) khẳng định: Chiến lược tăng trưởng xanh có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn. Trong đó, vẫn còn nhiều bất cập giữa chủ trương chính sách và công tác tổ chức thực hiện; năng lực và kinh nghiệm hạn chế (mới chỉ dựa vào nhà tài trợ), chưa có cơ chế phối hợp đa ngành, lĩnh vực để huy động sự tham gia của các nguồn lực trong nước. Thiếu thông tin, những phân tích đánh giá ban đầu về thực trạng, tiềm năng cho tăng trưởng xanh ở các cấp ngành, địa phương; cơ chế giám sát đánh giá việc thực thi chưa được hình thành và vận hành,…

Vì vậy, theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, để chính sách về tăng trưởng xanh thực sự khả thi, đem lại tác động mong muốn cần theo dõi, đánh giá chính sách trong suốt quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện. Đồng thời, cần đề cao vai trò của các nhà khoa học, các đối tác liên quan trong các giai đoạn của chu kỳ chính sách.

Về chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN), ông Lê Khả Đấu – nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nhận định: Việc thiết kế, ban hành các cơ chế, chính sách XĐGN ngày càng được cải tiến theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương và cơ sở. Hiệu quả thực hiện các chương trình giảm nghèo được cải thiện thông qua việc phát huy vai trò tham gia của các đối tượng thụ hưởng. Thông qua phát huy tổng hợp các nguồn lực XĐGN đã cải thiện rõ rệt điều kiện sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo, đồng bào các xã đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, ông cũng chỉ rõ, việc thực hiện chính sách XĐGN trên địa bàn vùng cao Tây Bắc vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều mô hình tổ chức sản xuất, XĐGN hiệu quả chưa cao hoặc khó phổ biến, nhân rộng. Hoạt động truyền thông chưa được chú trọng, nhất là đối với các thôn bản vùng cao; việc phân cấp quản lý, giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho cấp xã nhìn chung còn thấp và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn chung mức bổ sung ngân sách địa phương cho XĐGN của các địa phương Tây Bắc còn khó khăn...

Nhằm đổi mới việc ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách XĐGN, tạo tiền đề phát triển bền vững địa bàn vùng cao Tây Bắc, theo ông Lê Khả Đấu cần cải tiến kế hoạch XĐGN theo hướng xác định mục tiêu theo nguồn lực, quản lý theo kết quả; tăng cường nguồn vốn XĐGN cho địa bàn; cải tiến việc xác định đối tượng, nội dung hỗ trợ XĐGN,… Những biện pháp này cần được thực hiện thông qua các hoạt động như: ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho các hoạt động XĐGN trên địa bàn vùng; xây dựng bộ tiêu chí về các đối tượng hỗ trợ, hạn chế tình trạng để lọt hoặc bỏ sót hộ nghèo. Căn cứ nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm, lợi thế so sánh ở mỗi địa phương, tiểu vùng, hướng dẫn cho các nhóm hộ nghèo đề xuất các nội dung cần thiết để tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa.

Tại Hội thảo, TS. Cao Ngọc Lân cùng ThS. Nguyễn Lê Vinh (Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, chính sách phát triển vùng và công tác dự báo mục tiêu chính sách vẫn chưa phát huy được vai trò mềm dẻo và linh hoạt của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng còn chồng chéo giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các loại quy hoạch khác, gây lãng phí nguồn lực. Chưa ăn khớp về nhận thức vị trí, vai trò của mỗi quy hoạch, nội dung, phương pháp tiếp cận; chất lượng lập quy hoạch vùng chưa cao do lực lượng nghiên cứu quy hoạch vùng bị hạn chế về số lượng và chất lượng; chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu quy hoạch,…

Nhằm thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng, theo TS. Cao Ngọc Lân cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để đổi mới hoàn thiện chính sách, trong đó có chiến lược và quy hoạch phát triển vùng. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy quản lý vùng nhằm giải quyết tốt lợi ích của các tỉnh, các ngành với lợi ích vùng và lợi ích quốc gia; có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong xây dựng và tổ chức thực thi chính sách phát triển vùng. Để có nguồn vốn hỗ trợ, nâng cao công tác phát triển vùng, ngoài sự ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cần huy động nguồn vốn của cả hệ thống xã hội và thu hút nguồn vốn từ bên ngoài.