Thực phẩm chiều hướng “nhẩy” giá ngày giáp Tết

Theo Việt Nga/baocongthuong.com.vn

Nguồn hàng thực phẩm không thực sự khan hiếm, nhưng tại các chợ dân sinh, giá một số mặt hàng đang có xu hướng tăng hơn so với ngày thường từ 5%-15%. Thực phẩm chế biến sẵn, nguồn gốc “hand made” lên ngôi trong dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

Thực phẩm chế biến sẵn, nguồn gốc “hand made” lên ngôi trong dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Nguồn: Internet
Thực phẩm chế biến sẵn, nguồn gốc “hand made” lên ngôi trong dịp giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Nguồn: Internet

Hàng thực phẩm tăng nhẹ, rau trái vụ “nhẩy” giá

Khảo sát tại các chợ Bưởi (Tây Hồ), chợ Cống vị, Ngọc Hà (Ba Đình), chợ Quang và trung tâm thương mại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) cho thấy, giá rau xanh, củ quả bắt đầu có chiều hướng tăng, riêng tôm, mực và cá quả tăng đến 10%-15%. Rau trái mùa như bí xanh tăng gấp 2,5-3 lần so với chính vụ.

Theo đó, tôm sú giá dao động từ: 280.000-325.000 đ/kg; Mực ống giá từ 260.000-315.000 đ/kg phụ thuộc vào kích cỡ của từng loại mực; cá quả khoảng 1-1,5 kg có giá từ 145.000-185.000 đ/kg. Ngoài ra, thịt bò và thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ: Thịt bò vai từ 250.000-270.000 đ/kg; thịt lợn vai 80.000-90.000 đ/kg.

Giá tôm, mực và cá quả tăng được chị Nguyễn Thị Huệ - tiểu thương tại chợ Bưởi giải thích: Cuối năm nhiều đám lễ nên nhu cầu các loại thực phẩm này tăng cao. Hơn nữa, do 10 ngày trước, trời quá rét người dân không đi đánh bắt được cũng khiến giá các loại thực phẩm này tăng. Càng cận Tết hàng càng khan hiếm.

So với tháng trước giá rau, củ thời điểm này có rẻ hơn, chỉ riêng bí xanh, cà rốt, quất “nhẩy” giá đáng kể.

Tại chợ Quang, giá bí xanh dao động từ 45.000-50.000 đ/kg; cà rốt giá 17.000-23.000 đ/kg; quất từ 25.000-30.000 đ/kg. Gạo cũng đang có xu hướng tăng 2.000-3.000 đ/kg. Nguyên do các loại rau, củ này tăng giá được chị Lưu Hồng - tiểu thương tại chợ Quang giải thích: “Bí, quất, cà rốt được thu gom làm mứt nên giá hàng lên cao. Bí xanh thì cả chợ chỉ có một vài nhà bán, chứ đắt thế có ai dám buôn đâu. Gọi là có bán cho đủ mặt hàng”.

Thực phẩm “hand made” lên ngôi

Những năm gần đây xu hướng sử dụng thực phẩm “hand made” có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm chất lượng ngày một được ưa chuộng cho dù giá sản phẩm có cao hơn so với thực phẩm cùng loại bày bán tại các chợ dân sinh.

Chị Nhung - nhân viên văn phòng của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vui vẻ nói: Mình có sở trường món bò ngâm dấm, nguyên liệu được chọn từ bắp bò tươi ngon, để cả chiếc. Quy trình làm ra một món bắp bò ngâm dấm ngon cũng khá công phu. Mình không làm chuyên nghiệp, chỉ Tết mới làm phục vụ gia đình, bạn bè. Năm nay mọi người lại đặt hàng với lượng kha khá.

Thịt trâu gác bếp Hà Giang, Sơn La cũng là một trong những lựa chọn của các bà nội trợ mua về phục vụ cho gia đình dịp Tết. Loại thịt trâu thơm, ngon, bùi và dai dai này không chỉ đàn ông uống rượu thích thú mà ngay cả các chị em cũng thích tham gia ăn chung vui. Tại thời điểm này, giá thịt trâu gác bếp, giá bán dao động từ 800.000-900.000 đồng/kg.

Giò chả Thái Bình, rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán trên các trang cá nhân, như: Giò nây, giò xào, giò bì, giò tai… đã bắt đầu được gom đơn để sau rằm tháng Chạp được “ship” tới tận tay khách hàng.

“Giò được làm từ nguyên liệu sạch, không dùng hàn the, không sử dụng chất bảo quản hay tạo màu, do vậy cứ đầu tháng 12 khách quen đã đặt hàng. Với giá 150.000 đồng/kg cho dễ bán, cơ sở nhận ship hàng bán kính quanh Hà Nội với đơn hàng từ 1kg trở lên”, anh Nguyễn Hữu Bính - 31 tuổi, quê Thái Bình chia sẻ.

Món rau lạ kim chi cải thảo, màu sắc hấp dẫn với vị cay nồng của ớt tươi, cà rốt cũng là một món ăn được nhiều bà nội trợ đặt hàng của người quen, tin tưởng vào tay nghề của món được gọi là “hand made”. Món kim chi nguồn gốc xuất xứ Việt Nam có giá bán dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg.