Thực phẩm Trung Quốc cũng khiến chính người Trung Quốc khiếp sợ
Những bế bối về chất lượng thực phẩm Trung Quốc trong những năm qua đã khiến nhiều người Trung Quốc lo sợ, rất nhiều trong số họ đã chuyển sang lựa chọn thược phẩm nhập khẩu.
Mahota là một trang trại chuyên sản xuất các loại thực phẩm hữu cơ ở Trung Quốc. Những thực phẩm của trang trại này chịu sự kiểm tra của các cơ quan Nhà nước và sự giám sát thường xuyên của người tiêu dùng. Nhưng dù vậy, những sản phẩm hữu cơ đó vẫn rất khó bán ở Trung Quốc.
“Chúng tôi đã rất vất vả để chứng minh những gì chúng tôi sản xuất là hữu cơ thật, bởi vì, trên thị trường đang có quá nhiều sản phẩm mạo danh để lừa gạt người tiêu dùng”. ông Chen Tai’an tại trang trại Mahota nói.
Dù cho các sản phẩm hữu cơ của trang trại Mahota được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không thể cạnh tranh được với thực phẩm ngoại nhập trên chính thị trường nội địa. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện ưa chuộng thực phẩm ngoại hơn, cho nên ông Chen cũng đã phải chuyến hướng sang nhập khẩu.
“Vấn đề là mọi người tin rằng hàng ngoại nhập an toàn hơn và chất lượng tốt hơn” ông Chen nói.
Năm 2000 thị trường Trung Quốc mới chiếm 3,3% tổng nhập khẩu nông phẩm thế giới thì con số này đã tăng lên 9,1% vào năm 2014, theo số liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới. Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm dự báo rằng đến năm 2018 Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ thực phẩm ngoại nhập lớn nhất trên thế giới.
Vì người Trung Quốc thích thực phẩm nhập khẩu hơn, nên xuất khẩu nông sản từ Mỹ sang Trung Quốc đă tăng trên 200% trong vòng 10 năm qua. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và nông phẩm Mỹ sang Trung Quốc đã cán mốc trên 20,2 tỉ USD. Các mặt hàng rau quả như hạnh nhân, cam quýt, táo Mỹ… xuất sang Trung Quốc tăng mạnh, đặc biệt là đậu tương hạt tăng kỷ lục lên tới 12,7 tỷ USD.
Ngoài Mỹ ra, Trung Quốc cũng trở thành đối tác nhập khẩu nông, lâm và thuỷ sản lớn nhất của Australia với kim ngạch đạt xấp xỉ 7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu từ EU sang thị trường Trung Quốc đã tăng 39% trong năm 2015 lên 10,34 tỉ Euro. Thị trường này đang chiếm khoảng 9,5% tổng xuất khẩu từ EU.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào đầu năm 2016 nhằm xúc tiến xuất khẩu nông sản EU, Uỷ viên EU phụ trách Nông nghiệp , ông Phil Hogan, ước tính rằng khoảng 3 triệu việc làm ở Châu Âu hiện đang phụ thuộc trực tiếp vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều việc làm trong đó tập trung ở ngành nông nghiệp.
Công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group James Roy đã đưa ra nhận định rằng, hiện nay giới có tiền ở Trung Quốc luôn lựa chọn hàng nhập khẩu thay vì nội địa. Các thương hiệu thực phẩm hầu như không còn quan trọng đối với người tiêu dùng Trung Quốc, họ chỉ quan tâm tới xuất xứ sản phẩm là từ nước ngoài.
Nguyên nhân chính là người Trung Quốc không còn tin vào thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc nữa, và họ cũng không dám ăn những thực phẩm đó.
Vụ bê bối sữa bột công thức chứa độc tố melamine khiến sáu trẻ sơ sinh thiệt mạng và khoảng 54.000 bé khác phải nhập viện vào năm 2008 như hồi chuông báo động đến người tiêu dùng Trung Quốc về vấn đề an toàn thực phẩm. Họ ngày càng trở nên hoài nghi và lo ngại về thực phẩm sản xuất trong nước.
Sau đó, liên tiếp nhiều vụ bê bối khác đã xảy ra, như mỳ hôi thối bởi được xử lý bằng chất nhuộm công nghiệp, hay mực in dùng để “biến” thịt mèo và chuột thành thịt cừu hay thỏ đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt lo ngại về việc sử dụng thực phẩm Trung Quốc.
Nguy hiểm hơn, Chính phủ nước này đã phải cảnh báo về tình trạng ô nhiễm đất đai rất nghiêm trọng. Một công trình nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy, trên 19% đất trồng trọt tại Trung Quốc bị nhiễm các chất độc hoá học có thể gây ung thư và khuyết tật bẩm sinh như cadmium, kẽm và arsen.