Thực sự chủ động, nhanh nhạy triển khai chính sách hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Sau 8 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, từ năm 2015, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ giống như cỗ xe tăng tốc, với việc dồn dập hoàn thành đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do, khu vực mậu dịch tự do mà Việt Nam là đối tác; tiến tới kết thúc đàm phán hoàn thiện 2 thỏa thuận kinh tế lớn là TPP (Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) và RCEP (Đối tác kinh tế toàn diện khu vực); hoàn tất đàm phán hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu EU… Trước sự tăng tốc về hội nhập, chúng ta phải sẵn sàng ra sao để tranh thủ tối đa lợi ích và hạn chế tác động tiêu cực từ hội nhập?

Thực sự chủ động, nhanh nhạy triển khai chính sách hội nhập
Trong gần 30 năm đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong phát triển kinh tế. Nguồn: internet

Trong gần 30 năm đổi mới và hội nhập, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong phát triển kinh tế. Từ một quốc gia nghèo, chúng ta đã bước chân vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, với các mối liên kết đối tác hợp tác ngày càng rộng mở. Trước sức ép hội nhập, nước ta đã có những bước chủ động, thay đổi, cải cách thể chế kinh tế để ngày càng tương thích, tiếp cận với các chuẩn quốc tế và khu vực. Đến nay nước ta đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 175 nước, có quan hệ thương mại với 200 nước và vùng lãnh thổ; ký kết hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế… Mặt được là rất nhiều, nhưng với những khó khăn của một nền kinh tế chuyển đổi, từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, tác động dội ngược của quá trình hội nhập sâu, toàn cầu hóa tới nền kinh tế là không nhỏ. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nêu quan điểm, phải phân tích, nhận diện rõ những gì được, chưa được trong triển khai 8 chỉ đạo cơ bản của các Nghị quyết Trung ương Đảng về hội nhập Kinh tế quốc tế, từ Nghị quyết 07 năm 2001 và Nghị quyết 22 năm 2013, để từ đó có những điều chỉnh kịp thời.

Hiện nay, nền kinh tế nước ta bắt đầu thoát đáy, tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ cao hơn từ năm 2015. Nhưng nhìn vào cơ cấu kinh tế, với độ mở rất cao, 80% tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội nhờ vào xuất khẩu, trong số đó có tới 2/3 là đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến nền kinh tế sẽ rất dễ bị tác động, tổn thương khi đối ngoại hoặc thị trường thế giới có biến động mà chúng ta chứng kiến ngay trong năm 2014 này. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam Nguyễn Mại, để tận dụng cơ hội trong hội nhập, hạn chế tác động tiêu cực, phải tạo các cơ chế liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan tỏa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, có những điều kiện trong lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, chứ không phải ứng xử theo 2 thái cực, hoặc  e dè, làm khó, đổ lỗi cho khối này; hoặc thu hút bằng mọi giá.

Thực tế, tác động lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài ở nước ta thấp hơn nhiều lần so với Malaysia, Thái Lan. Năm 2014 Thái Lan sản xuất 2.450.000 ô tô, trong đó hơn 50% lượng ô tô sản xuất được là để xuất khẩu. Tại quốc gia này hiện có 17 nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới đầu tư vào, thì có 620 doanh nghiệp lớn của Thái Lan hoặc doanh nghiệp liên doanh, cùng hàng nghìn doanh nghiệp cấp hai làm hỗ trợ. Tại nước ta, Tập đoàn Samsung hiện có 93 doanh nghiệp hỗ trợ, trong đó chỉ có 7 doanh nghiệp trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, chủ động hội nhập phải gắn liền với phát huy sáng tạo, tiềm năng con người, cùng với chọn lọc đầu tư đón đầu những thành tựu của thế giới, mới tránh khỏi tụt hậu. Bởi hiện năng suất lao động của nước ta đang thấp dần cũng vì tính sáng tạo kém; các khu công nghệ cao chỉ có những xí nghiệp hiện đại, chưa có xí nghiệp công nghệ cao, trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, cần chú ý thực hiện mua bằng sáng chế, nghiên cứu thương mại hóa... để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn hiện nay, mọi tác động, diễn biến đều đến rất nhanh, không giống như giai đoạn nước ta đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Trong hợp tác hiện nay, chúng ta chỉ được 1, còn đối tác được 9, thậm chí là 9,9, nên không thể gọi là cùng thắng. Vậy thì để không bị đuối, ở thế phải chạy theo các hiệp định thương mại tự do dồn dập sắp tới, phải có cách ứng xử nhanh nhạy, bài bản, bám sát các phương châm chủ đạo đã được Trung ương Đảng xác định trong Nghị quyết về hội nhập. Chúng ta đã có định hướng chủ động trong hội nhập, thì phải thực sự chủ động, nhanh nhạy trong xây dựng và thực thi chính sách.