Sai phạm trên diện rộng

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tháng 6/2012 về tình trạng đất đai bỏ hoang, lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: Kết quả kiểm tra đến đầu năm 2012 cho thấy, cả nước có 5.828 tổ chức vi phạm với diện tích hơn 73.992 ha, trong đó có 1.945 tổ chức vi phạm với tổng diện tích vi phạm là 18.048,37 ha; có 21 tổ chức chính trị vi phạm với diện tích 308,24 ha; có 521 cơ quan nhà nước vi phạm về đất với diện tích 2.480,47 ha…

Số liệu trên chỉ là một góc phác họa về những vi phạm và sự lãng phí đất đai trên toàn quốc tại thời điểm hiện nay. Thực tế, có thể khẳng định sự lãng phí còn lớn hơn và nó diễn ra trên khắp các địa phương với muôn hình vạn trạng khác nhau.

Ngày 13/6/2012, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp về kết quả Chương trình thanh tra chuyên đề về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất năm 2011. Theo kết quả thanh tra, hầu hết các dự án đều có tiến độ chậm, có dự án chậm tới 5-7 năm nhưng chưa được xử lý theo quy định. Công tác sử dụng đất thiếu chặt chẽ, chủ đầu tư nhiều dự án vi phạm các quy định của pháp luật, nhất là các dự án kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, tổng diện tích đất sử dụng không đúng quy hoạch tại 35 tỉnh, thành phố là 19.182 ha; giao đất, cho thuê đất không đúng quy định tại 39 tỉnh, thành phố với diện tích 241.988 ha; sử dụng đất sai mục đích, không có hiệu quả tại 45 tỉnh, thành phố với diện tích 21.758 ha…

Những vi phạm về tài chính đất đai cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương như miễn giảm, tính giá thu tiền sử dụng đất sai quy định tại 12 tỉnh, thành phố trị giá hàng nghìn tỷ đồng; nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 29 tỉnh, thành phố trị giá cũng lên đến c ả chục nghìn tỷ đồng.

Công tác quy hoạch xây dựng vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính trong lĩnh vực này. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chậm, chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Chất lượng các đồ án quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng thấp, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ trong sử dụng đất cũng như chưa đầy đủ căn cứ pháp lý. Chỉ tiêu phê duyệt chưa đảm bảo diện tích đất tối thiểu so với quy chuẩn xây dựng về giao thông, y tế, giáo dục…

Trong thực hiện đầu tư xây dựng, nhất là tại các khu đô thị, nhà ở tập trung còn dàn trải. Quy hoạch, kiến trúc đô thị thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, bất cập về cơ chế, nhiều nơi bị buông lỏng, thiếu sự phân cấp, phân công hợp lý về chức năng đối với các sở chuyên ngành như xây dựng, quy hoạch – kiến trúc và ủy ban nhân dân các quận, huyện trong quản lý, theo dõi việc lập, thẩm định, trình duyệt và thực hiện quy hoạch. Lực lượng cán bộ chuyên trách cho công tác này còn nhiều hạn chế về năng lực. Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn tới tình trạng vi phạm quy hoạch diễn ra phổ biến, khó xử lý và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, nhất là trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Công tác quản lý và sử dụng đất đại tại các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp nhà nước, các bộ, ngành còn nhiều lãng phí. Theo Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), trên địa bàn cả nước, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang quản lý, sử dụng diện tích đất, nhà với tổng diện tích đất lên đến 1,5 tỷ m2, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỷ đồng; trong đó khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỷ m2, bằng 80% tổng diện tích; tổng diện tích nhà lên đến hơn 100.000m2 với tổng giá trị khoảng 138.000 tỷ đồng. Riêng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, trong đó nhiều đơn vị chiếm giữ số lượng nhà, đất rất lớn, nguồn đất chưa sử dụng khoảng 3.164 ha. Phần lớn đất công được giao cho các đơn vị thuộc những vị trí đắc địa ở các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp, tuy nhiên, tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích đang diễn ra phổ biến, gây thất thoát lớn cho ngân sách. Theo tính toán, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc phải sử dụng đất hiệu quả thì, ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỷ USD mỗi năm - một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh hiện nay để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Từ việc chính quyền cấp xã, thậm chí là cấp thôn, hợp tác xã tự ý cấp đất, cho thuê đất trái thẩm quyền đến việc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn được Nhà nước giao nhiều đất nhưng để hoang hóa, để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh, thu lợi cá nhân đang phản ánh thực trạng quản lý đất đai lỏng lẻo ở nhiều địa phương. Ngay ở Hà Nội, nơi “tấc đất tấc vàng”, kết quả rà soát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy có 30 cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đang để hoang hóa hàng trăm nghìn m2 đất, biến đất thành khu dịch vụ tổng hợp gồm các quán bar, karaoke, nhà hàng, siêu thị, sân tennis, bãi giữ xe…

Chuyện “dự án treo” và đất quy hoạch sân gôn tập trung ở các nơi vốn là đất hai vụ lúa, đất “bờ xôi ruộng mật” không được sử dụng hiệu quả, bỏ hoang hóa, đang có nguy cơ thu hẹp mục tiêu giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2010, cả nước có 267 khu công nghiệp với tổng diện tích 72.000 ha nhưng tỷ lệ lấp đầy bình quân chỉ đạt gần 46%; ngoài ra, cả nước còn 28.000 ha đất của 650 cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy bình quân cũng chỉ đạt 44%; trong đó chỉ tính riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 20 khu công nghiệp lấn vào diện tích lúa với tổng diện tích 3.465 ha, diện tích cho thuê đạt 810 ha, chiếm tỷ lệ 22% gây nên lãng phí lớn về đất đai, nông dân thiếu đất sản xuất lương thực.

Bên cạnh đó, việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp cũng còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả cao. Theo tính toán của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tốc độ tăng hệ số sử dụng đất lúa giảm từ 2,15% giai đoạn 1990 – 2000 xuống còn -0,03% giai đoạn 2000 – 2009, do đó tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng của hệ số sử dụng đất giảm từ 40,4% giai đoạn 1990 – 2000 xuống còn -1,5% giai đoạn 2000 – 2009. Ngành Lâm nghiệp với diện tích lớn, chiếm gần 14 triệu ha, nhưng có đóng góp rất nhỏ cho GDP (tính giá trị kinh tế đơn thuần chỉ khoảng 1%; nếu tính cả giá trị kinh tế và giá trị môi trường thì khoảng 3 – 4%). Và đến năm 2012, dù chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể nhưng chắc chắn hệ số này không tăng, thậm chí còn tiếp tục giảm sút…

Đẩy mạnh xử lý sai phạm

Tình trạng nhiều khu đất để hoang, dự án “treo” diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, tuy nhiên, chỉ đến khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng về vấn nạn này thì địa phương mới chỉ đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát và kiến nghị hướng xử lý đối với các dự án vi phạm pháp luật về đất đai.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, trước những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đại, Bộ kiến nghị, chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã xử lý 3.670 tổ chức (đạt 61,84%) với diện tích đất 14.323,2 ha, trong đó đã thu hồi 12.550,4 ha, xử lý về quy hoạch, nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 1.353,99 ha, thu nộp ngân sách nhà nước 98 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị thu hồi 16.820 ha đất, xử lý khác đối với 292.567 ha đất. Ngành Thanh tra cũng kiến nghị các cơ quan chức năng truy thu 813,2 tỷ đồng và xử lý khác là 19,5 tỷ đồng; Chuyển cơ quan điều tra để điều tra, xử lý 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trong đó Bắc Cạn có 2 vụ, Hải Phòng 2 vụ, Ninh Thuận 2 vụ, Quảng Ngãi 1 vụ,Thanh Hóa 4 vụ. Đồng thời, kiến nghị với các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, đơn vị liên quan đến những vi phạm đã được phát hiện, trong đó tập trung chủ yếu là các sở, ngành, phòng, ban tham mưu trực tiếp trong công tác quản lý đất đai; Kiến nghị các cơ quan chức năng có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai như tài chính, kế hoạch và đầu tư, xây dựng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp để khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách cũng như xử lý kịp thời những vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai…

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý chặt chẽ đất đai và sử dụng có hiệu quả đất công, thời gian qua, các cơ quan chính quyền và Bộ Tài chính đã có nhiều động thái tích cực và kiên quyết trong lĩnh vực này. Tính đến hết năm 2011, đã có 71 bộ, ngành Trung ương; 17 tổng công ty nhà nước và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng số 117.498 cơ sở nhà, đất. Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay, số thu từ sắp xếp nhà, đất là 24.812 ngàn tỷ đồng, trong đó số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên 15.000 tỷ đồng.

Trước những bức xúc của dư luận, nhiều địa phương đã nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục như: tại Hà Nội, các cấp lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức lập hồ sơ để thu hồi gần 3 triệu m2 đất sử dụng sai mục đích, để lãng phí. Các dự án nằm trong diện thu hồi sẽ được bàn giao cho Trung tâm phát triển Quỹ đất Hà Nội. Sau khi tính toán phương án bồi thường thiệt hại cho các chủ đầu tư, các dự án bị thu hồi sẽ được sử dụng vào mục đích công cộng như xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe ô tô theo đúng quy hoạch, kế hoạch của thành phố. Tại TP. Hồ Chí Minh, hàng trăm nghìn ha đất sử dụng lãng phí cũng đã được thu hồi để xây dựng bệnh viện, các công trình phúc lợi xã hội hoặc giao lại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu mặt bằng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Long An từ năm 2009 đến 2012, đã thu hồi 57 dự án với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Ðây là một trong những địa phương đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, thu hồi các dự án “treo” để lãng phí trong nhiều năm, gây thiệt hại lớn về kinh tế và an sinh xã hội. Nhiều địa phương khác cũng đã tích cực thu hồi đất sử dụng sai mục đích, để lãng phí, chuyển sang sử dụng làm đất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp...

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân khiến đất đai bị sử dụng lãng phí, không hiệu quả là do thuế sử dụng đất đang ở mức quá thấp (0,03%). Ở các nước, thuế bất động sản phải tối thiểu từ 1% trở lên và họ dùng tiền thuế thu được này để xây dựng hạ tầng, làm dịch vụ công cộng. Bên cạnh đó, giá đất đã không được tính đúng với giá thị trường. Nếu giá đất được tính sát theo giá thị trường, làm căn cứ để thu thuế, phí sử dụng đất sẽ buộc các doanh nghiệp hiện đang nắm giữ nhiều đất phải cân nhắc, tính toán việc sử dụng có hiệu quả quỹ đất đang có.

Qua khảo sát, chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 5%. Do đó, tình trạng “giữ đất” ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế khá phổ biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai hiện nay và trách nhiệm để thất thoát nguồn lực tài chính từ đất đai như hiện nay trước hết thuộc về UBND cấp tỉnh (cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất).

Khắc phục tình trạng lãng phí đất đai, trong thời gian tới nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước nên bỏ khung giá đất mà chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo thị trường. Đây là một giải pháp để khắc phục tình trạng khung giá đất quy định của chính quyền địa phương chỉ bằng 1/10 giá đất thị trường. Tuy nhiên để làm được điều này, cơ quan chuyên ngành cần nghiên cứu để đưa ra phương pháp định giá đất sát với giá thị trường, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kiếm lời từ chênh lệch giá đất. Cần có cơ chế buộc người chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải khai báo trung thực giá đất; chuyển nhượng. Đồng thời, có chính sách về việc thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá. Theo đó, Chính phủ cần quy định cụ thể để buộc các địa phương khi thu hồi đất để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị phải quy hoạch và tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho chính công trình này.

Bài đăng Tạp chí Tài chính số 10/2012

Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai hiện nay

PHƯƠNG HIẾU

(Tài chính) Lãng phí trong sử dụng và bất cập trong quản lý đất đai là hiện trạng diễn ra ở hầu khắp các địa phương hiện nay. Đây cũng là một trong những trở ngại lớn của phát triển kinh tế - xã hội đã được đề cập nhiều. Thời gian qua, dù các cấp, các ngành đã đẩy mạnh thanh tra, xử lý vi phạm nhưng tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai vẫn chưa mấy suy giảm.

Xem thêm

Video nổi bật