Thương mại điện tử, một phần quan trọng trong nền kinh tế số
Nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số; trong đó thương mại điện tử là một phần quan trọng của xu hướng đó.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử vẫn phổ biến đang là “điểm trừ” lớn nhất hiện nay của hoạt động thương mại điện tử. Để xóa bỏ thói quen này, Ngân hàng Nhà nước và các đối tác trong hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, dịch vụ, tăng trải nghiệm của khách hàng…
*Chỉ 10% giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt
Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 với tiêu đề “Kết nối vì phát triển và thịnh vượng chung” của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, dự báo thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ phát triển nhanh chóng, có thể đạt 102 tỷ USD vào năm 2025.
Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba khu vực, sau Indonesia (12,2 tỷ USD năm 2018) và Thái Lan (3 tỷ USD năm 2018) và sẽ còn phát triển hơn nữa. Quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 0,4 tỷ USD năm 2015 lên 2,8 tỷ USD năm 2018.
Đáng chú ý, báo cáo của WB cho rằng, hiệu suất của Việt Nam về mặt thúc đẩy nền kinh tế số tương đương với các nước ở Đông Nam Á, ngoại trừ thanh toán.
Cụ thể, về kết nối số, 82% dân số tại Việt Nam có thể truy cập Internet tốc độ cao, trong khi chỉ có 12% sử dụng băng thông rộng cố định (hầu hết người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng sử dụng băng thông rộng di động).
Trong khi đó, về thanh toán, chỉ có 10% người dùng trả tiền trực tuyến để mua hàng trên internet, mức này thấp hơn đáng kể so với Indonesia và Malaysia, có nghĩa rằng 90% người tiêu dùng thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng tiền mặt để mua trực tuyến. Trong số này, 51% doanh nghiệp bán hàng trực tuyến sử dụng thanh toán số, đó là mức trung bình của Đông Nam Á.
Về chính sách và quy định, những hạn chế lớn của Việt Nam về luồng dữ liệu xuyên biên giới có thể hạn chế các hoạt động thương mại điện tử, trong khi các quy định về bảo mật dữ liệu và quy định bảo vệ người tiêu dùng được coi là có tác động tích cực đến sự phát triển của thương mại điện tử.
“Điểm trừ” về thanh toán trong thương mại điện tử cũng đã được đề cập nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt vừa qua.
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2019 do Cục Thương mại điện tử, Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cuối tháng 9/2019, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán phổ biến được người mua hàng trực tuyến lựa chọn.
Tỷ lệ người dùng thanh toán bằng ví điện tử vẫn còn thấp, chỉ 17% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm trực tuyến vẫn chiếm tới 88% (năm 2017 là 82%). Việc trả tiền qua thẻ ATM nội địa trong năm ngoái được ghi nhận giảm từ mức 48% (năm 2017) xuống 42%. Trong khi đó thanh toán qua thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ lại tăng từ 19% (năm 2017) lên 31% trong năm ngoái.
Mặc dù, thói quen thanh toán tiền mặt của người dân vẫn đang là rào cản để Việt Nam hướng đến xã hội không tiền mặt. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thanh toán số có sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2019, trung bình mỗi ngày giao dịch điện tử đạt 380.000 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD/ngày. Trong khi đó, thanh toán bằng tiền mặt trong thương mại điện tử chỉ khoảng 7 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, số người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng đã đạt đến 43 triệu, tương đương 63% người ở độ tuổi trưởng thành. So với năm 2015, số liệu này đã tăng gấp đôi, khi năm 2015 con số này chỉ là 31%.
Cũng theo ông Dũng, tính đến cuối tháng 11/2019, giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng tăng 42% về số lượng và 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và 37% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động tăng 169% về số lượng và 225% về giá trị. Hiện cả nước đang có khoảng 19.000 máy ATM, 267.999 máy POS và 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua mã QR Code…
Hoàn thiện hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt
Để xóa thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của người dùng, các đối tác trong hệ sinh thái không dùng tiền mặt ở Việt Nam như ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech)… đang đẩy mạnh thanh toán số với nhiều sản phẩm, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo ông Trần Việt Vĩnh, Tổng giám đốc Fiin Credit, nếu như trước đây, việc sử dụng các các ứng dụng online để thanh toán còn khá xa lạ, chủ yếu sử dụng tiền mặt nhưng đến vài năm gần đây khi các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước tăng cường đầu tư vào Việt Nam thì các ứng dụng thanh toán như Momo, Grab, VNPay… đã phát triển nở rộ và ngày càng phổ biến với người dân.
Thị trường fintech ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019, với nhiều hoạt động, hợp tác, kết nối, nhất là trong lĩnh vực trung gian thanh toán, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến hết năm 2019, thị trường đã ghi nhận có đến khoảng 200 doanh nghiệp fintech.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng, xu hướng phát triển tài chính số, đặc biệt là ngân hàng số, fintech sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2020. Đặc biệt, với việc Chính phủ chính thức cho phép Mobile money triển khai và hành lang pháp lý chi phối fintech, cho vay ngang hàng… được ban hành sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thanh toán không tiền mặt và cho vay trực tuyến phát triển sôi động hơn.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn; cơ chế thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc chia sẻ, cung ứng các dịch vụ số; tăng cường tích hợp, kết nối với các lĩnh vực còn lại để mở rộng hệ sinh thái số; khuyến khích triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cơ bản trên điện thoại thông minh, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng...
Đồng thời,ngành ngân hàng thực hiện tốt việc giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, hiệu quả; đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử…
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 về tiếp tục thiện hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, trong đó có nội dung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu đơn vị này chủ trì, phối hợp đề xuất Thủ tướng ban hành Quyết định về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời đảm bảo công tác quản lý, nhất là đối với các hoạt động thanh toán xuyên biên giới.
Chính phủ cũng yêu cầu phải tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất biện pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Cả 2 yêu cầu này buộc phải hoàn thành trong quý IV/2020.
Các chuyên gia cho rằng, với sự định hướng này của Chính phủ và các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện hơn trong thời gian tới. Điều này cũng kéo theo hệ sinh thái không dùng tiền mặt như fintech, chuyển đổi số… trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ hơn.