Thủy sản Việt Nam đau đầu với “thẻ vàng”
Việt Nam có thể đối mặt một trong 3 kịch bản, trong đó xấu nhất là bị "thẻ đỏ" nếu không giải quyết các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra trong 6 tháng (kể từ ngày bị rút “thẻ vàng” 23/10/2017) .
Lời cảnh báo cho xuất khẩu Thủy sản Việt Nam
Ủy ban châu Âu (EC) đã rút "thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với lý do vi phạm "Hành động không kiên quyết trong việc ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của quy định của Liên minh châu Âu (IUU).
Theo đánh giá của ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đây là vụ việc nghiêm trọng, gây nhiều tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU, sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều thị trường khác.
Trong thời gian bị thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của doanh nghiệp qua khu vực này sẽ giảm do các khách hàng e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, đồng thời 100% container hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị EU giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam mất rất nhiều thời gian, chi phí.
Đáng lo ngại nhất là hàng bị trả về rất cao, khi đó một container hàng hải sản xuất sang EU phải chịu chi phí tăng thêm 5.000-10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng)/container. Trong trường hợp bị "thẻ đỏ" coi như hải sản Việt bị cấm xuất khẩu vào EU thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.
Bên cạnh đó, việc này cũng có khả năng gây tâm lý lo ngại đến các nhà nhập khẩu ở các thị trường khác, đăc biệt là đối với các thị trường nhập nguyên liệu của Việt Nam để tái xuất sang thị trường EU và các nước có quy định áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống khai thác IUU.
Tháo gỡ nút thắt trong quy định IUU
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP cho rằng: "Dự thảo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Luật Thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu chứ không bắt buộc với tất cả các thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, quy định của EU cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy chứng nhận đánh bắt (C/C) khi nhập hàng vào EU chứ không cần nộp vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam".
Theo Dự thảo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, trong hồ sơ đăng ký kiểm dịch, doanh nghiệp phải có bản sao C/C do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp. Điều này là không thể thực hiện được do quy trình cấp C/C của các nước phải qua rất nhiều khâu. Theo đó, phải mất ít nhất 1 tháng doanh nghiệp Việt Nam mới có thể nhận được C/C từ chủ hàng, thậm chí có khi phải mất tới 4 tháng cho quy trình này.
Từ những lý do trên, VASEP kiến nghị sửa đổi Thông tư số 26 theo hướng không yêu cầu doanh nghiệp nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể cung cấp giấy chứng nhận của thuyền trưởng hoặc giấy xác nhận của người bán. doanh nghiệp sẽ nộp C/C cho Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản khi đăng ký xuất khẩu lô hàng.
Đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu không có giấy chứng nhận y tế health certificate (H/C) do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích, sau đó cấp H/C để doanh nghiệp được nhập khẩu vào Việt Nam.
Mỗi năm, các DN Việt Nam nhập khẩu hơn 1 tỷ USD nguyên liệu thủy hải sản để chế biến xuất khẩu. Dự báo đến năm 2020, nhập khẩu nguyên liệu sẽ là 2 tỷ USD. Trước nhu cầu lớn về nguồn nguyên liệu, VASEP đề nghị Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn đến tình trạng các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất hay nhập khẩu để tiêu thụ nội địa.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc EU xem xét thái độ của Việt Nam tích cực trong hợp tác về IUU. Với những tàu nước ngoài vi phạm IUU cập cảng, nếu cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện buộc tái xuất thì cũng bị xử phạt và thông báo cho EU biết, thể hiện sự hợp tác toàn diện IUU quốc tế.
VASEP cũng đề nghị, cần điều chỉnh thời hạn giấy chứng nhận kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, Cục Thú y cần xây dựng sổ tay hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu thủy sản để chế biến xuất khẩu sang EU... để gỡ được “thẻ vàng” của EU thì điều quan trọng là kiểm soát sao cho nguyên liệu IUU không vào được Việt Nam. Hiện EU có dữ liệu đẩy đủ về các tàu IUU.
Do đó, cơ quan chức năng của Việt Nam cần nhanh chóng liên hệ với EU để nắm các thông tin này, từ đó có cơ sở kiểm soát chặt chẽ đầu vào, chặn các tàu IUU ngay tại cảng xuất.