Tích tụ vốn và lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo Báo Đầu tư.

Trong số 8 nhóm giải pháp hỗ trợ đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện Kế hoạch Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011-2015, ưu tiên rơi vào thành lập Quỹ Hỗ trợ DNNVV; đẩy mạnh các chương trình đổi mới ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao và thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành.

Tích tụ vốn và lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Như vậy, cùng với hệ thống chỉ tiêu cụ thể, đó là phát triển thêm 350.000 doanh nghiệp, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, tạo thêm 3,5-4 triệu chỗ làm, đóng góp 40% GDP…, mục tiêu đột phá về chất, gồm cả nguồn vốn và năng lực cạnh tranh, cho khu vực doanh nghiệp đông đảo này đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt.

Thực ra, với tỷ lệ áp đảo, chiếm tới 97% số doanh nghiệp cả nước, khu vực DNNVV là hình ảnh chính của động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, thậm chí là nhân tố quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập kinh tế quốc tế.

Song, trên thực tế, khu vực DNNVV của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh lớn về số, yếu về chất. Nếu so với các khu vực doanh nghiệp khác, lợi nhuận của khối này thấp, cơ hội tích tụ vốn để tăng trưởng lên quy mô vừa và lớn hơn, tận dụng được lợi thế kinh tế từ quy mô không cao.

Cũng là dễ hiểu, khi khoảng 80-90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980-1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Hơn nữa, có tới 75% lực lượng lao động trong khu vực này chưa qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật…

Điều đáng bàn là, năng lực yếu kém của DNNVV vẫn chưa có nhiều cải thiện sau khi Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2006-2010, kế hoạch đầu tiên dành cho khu vực doanh nghiệp này với khá nhiều giải pháp hỗ trợ, kết thúc. Cũng phải nhắc lại, cách đây 14 năm, việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV đã được đặt ra. Cách đây 2 năm Chính phủ đã yêu cầu thành lập Quỹ này (Nghị định 56/2009/NĐ-CP) nhưng đến thời điểm này quỹ vẫn chưa đi vào hoạt động. Ngay cả Quỹ bảo lãnh tín dụng, vốn được kỳ vọng sẽ cải thiện nhanh nguồn vốn cho DNNVV trong hoạt động xuất khẩu, đã được thành lập từ 10 năm này cũng chưa phát huy hiệu quả…

Nguyên do được xác định một phần do hệ thống trợ giúp phát triển khu vực doanh nghiệp này còn mỏng và thiếu. Hội đồng Khuyến khích phát triển DNNVV chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành Trung ương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch thiếu chặt chẽ. Các địa phương gặp khó khăn về nguồn nhân lực và kinh phí khi xây dựng và thực hiện.

Có thể thấy, nút thắt đang nằm nhiều ở khâu thực hiện. Việc xác định những yêu cầu, chế tài để thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp mới, nhất là nhóm giải pháp ưu tiên, phải đặt ra ngay từ bây giờ, nhất là khi nhìn lại đánh giá về thực hiện của lần kế hoạch trước.

Ngay trong Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011-2015, nhiệm vụ và lịch trình nhiều công việc của từng bộ, ngành, đơn vị có liên quan đồng thời được xác định. Có nghĩa là, trách nhiệm cụ thể, nếu các phần việc bị chậm trễ đều có thể xác định được.

Tất nhiên, mọi giải pháp hỗ trợ sẽ trở nên lạc lõng nếu thiếu sự hợp tác có trách nhiệm và trên cơ sở lợi ích chung của chính các DNNVV. Đơn cử, hiệu quả của Quỹ Phát triển DNNVV sẽ không thể đi vào thực tế, ngay cả khi quỹ này được xây dựng nhằm mục tiêu hỗ trợ tài chính, trong đó có khoản tài trợ không hoàn lại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi lẽ, điều kiện để tiếp cận Quỹ này là dự án khả thi tạo ra những sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao… của doanh nghiệp.