Tiền ảo lúc này còn an toàn không?
Mặc dù công nghệ đằng sau các loại tiền ảo được coi là đảm bảo tuyệt đối nhưng thực tế từ năm ngoái đến nay, bằng nhiều cách khác nhau, hàng trăm triệu USD tiền ảo đã bị tin tặc đánh cắp.
Đầu tuần này, một sàn giao dịch tiền ảo tại Hàn Quốc đã bị tin tặc tấn công, đánh cắp 30% số lượng tiền ảo đang được giao dịch tại sàn này.
Theo ông Henri Arslanian, người đứng đầu bộ phận công nghệ tài chính châu Á tại công ty tư vấn PwC: “Tôi hy vọng tin tặc sẽ tiếp tục tấn công vào các sàn giao dịch tiền ảo vì nếu tấn công vào các sàn giao dịch, tin tặc sẽ có được phần thưởng rất lớn. Các sàn giao dịch hiện nay có số lượng giao dịch nhiều trong khi họ không triển khai các biện pháp bảo mật phù hợp”.
Hồi tháng 1 năm nay, sàn Coincheck của Nhật Bản đã bị tấn công và mất 500 triệu USD tiền ảo. Năm 2017, hai sàn giao dịch lớn khác cũng đã phải đóng cửa sau khi trở thành nạn nhân của tin tặc.
Tuy nhiên những con số này có thể chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh.
Theo ông Yo Kwon, CEO của công ty bảo đảm giao dịch blockchain Hosho Group: “Đã có khoảng một phần ba số lượng giao dịch tiền ảo đã bị tấn công ở một số điểm nút trong mạng”.
Ông Kwon cũng dự đoán con số các giao dịch bị tấn công trên thực tế nhiều hơn vậy.
Năm 2017 với sụ tăng giá của Bitcoin và hàng loạt các đồng tiền ảo trên thế giới đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư.
Tất nhiên nhiều người trong số họ năm 2018 đã gặp khó khăn khí giá Bitcoin đã giảm hơn 50%.
Nhưng vấn đề chung của các nhà đầu tư hiện nay là lo ngại về an ninh mạng.
Theo ông Adrian Lai, một trong những người sáng lập công ty đầu tư tiền ảo Orichal Partners tại Hong Kong: “Ở giai đoạn này, các tiêu chuẩn bảo mật đang không đủ cao”.
Các nhà chức trách trên thế giới mỗi nước lại có một quan điểm.
Trong khi Trung Quốc đã cấm giao dịch bằng Bitcoin thì Nhật Bản lại chính thức công nhận các giao dịch Bitcoin là một dạng hợp đồng hợp pháp.
Tuy nhiên có vẻ các nhà đầu tư tại Nhật Bản sẽ e dè hơn sau khi sàn giao dịch lớn của họ là Coincheck bị hack.
Rủi ro thuộc về các nhà đầu tư nhỏ
Nhiều chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ dễ bị tổn thương hơn khi tiền ảo bị hack.
Cũng theo ông Henri Arslanian, những người gặp nhiều rủi ro nhất từ các vụ tấn công mạng vào hệ thống tiền ảo chính là các nhà đầu tư kiểu “bà nội trợ”.
Đây là những người có xu hướng đưa toàn bộ số tiền tiết kiệm mình có vào tiền ảo.
Và điều này sẽ khiến cho họ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi mất hết khoản đầu tư của mình.
Còn các nhà đầu tư lớn như các quỹ và các tổ chức tín dụng, họ sẽ ít quan tâm đến tấn công mạng hơn.
Các tổ chức này thường có thể kiểm soát mức độ rủi ro của mình qua các kênh đầu tư khác nhau. Trong khi các nhà đầu tư nhỏ không thể tiếp cận những công cụ dự phòng rủi ro này.
Một số chuyên gia cho rằng các lỗ hổng bảo mật hiện nay là kết quả của giai đoạn tiền ảo phát triển quá nóng, các công nghệ bảo mật không phát triển theo kịp.
Nhưng ông Kwon của Hosho Group vẫn tỏ ra lạc quan: “Ngành công nghiệp tiền ảo sẽ phải thích nghi và trở nên an toàn hơn khi số lượng nhà đầu tư tăng lên. Các sàn giao dịch sẽ hiểu tầm quan trọng của an ninh mạng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động trong dài hạn của họ mà còn trở thành một lợi thế cạnh tranh”.