Tiền ảo – ranh giới mong manh
(Tài chính) Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về khuôn khổ pháp lý cho “tiền ảo”. Riêng loại hình “ví điện tử” thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới cho phép một số tổ chức, không phải là ngân hàng, được thực hiện phát hành và thanh toán thí điểm như là một trong các loại hình dịch vụ trung gian thanh toán được quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước.
Hệ lụy “tiền ảo – tiền điện tử”
Trước thực trạng trào lưu “tiền ảo” đang phát triển mạnh trên thế giới, đối với mỗi quốc gia, việc quản lý cũng như những ứng xử liên quan đến loại tiền này có sự khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu về tiền điện tử để ban hành khung pháp lý nhằm điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hiện thực này là cần thiết.
Theo một số báo điện tử, sau thời gian điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố bị can Vũ Văn Lăng, 30 tuổi, trú tại Hải Phòng, Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh Vũ về hành vi “kinh doanh trái phép”. Bị can Lăng đã lập Công ty Instant Exchange Limited (trụ sở ở Hong Kong), lập website www.privatechange.com để giao dịch, quảng cáo việc mua bán tiền ảo Liberty Reserver (LR).
Theo Cơ quan điều tra, khách hàng nước ngoài muốn mua LR của Lăng phải đăng ký thành viên trên trang web, chuyển tiền cho Lăng trước, sau đó mới nhận được LR. Việc giao dịch này của Lăng lên đến hơn 24,5 triệu USD (tương đương gần 405 tỷ đồng). Cơ quan điều tra xác định hành vi kinh doanh này bản chất là kinh doanh ngoại tệ do Lăng đã mua LR trong nước và bán ra nước ngoài, nhận lãi là tiền USD.
Khi Western Union Việt Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng, mặc dù đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng tước giấy phép kinh doanh nhưng Lăng vẫn tiếp tục phối hợp với một số đối tượng khác thực hiện việc mua bán tiền ảo LR, thu lợi bất chính 5 tỷ đồng.
Liệu hoạt động kinh doanh tiền ảo LR của bị can Vũ Văn Lăng có dấu hiệu rửa tiền hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào việc Cơ quan điều tra có chứng minh được Vũ Văn Lăng có biết về những đồng tiền thật mà các đối tượng ở nước ngoài sử dụng để mua tiền ảo LR của Lăng có nguồn gốc phạm tội hay không, ví dụ như tiền có được từ sự chiếm đoạt tài sản, cá độ bóng đá, làm giả thẻ tín dụng...
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), liên quan đến vấn đề này, ngày 27/2/2014, NHNN đã ra Thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Trong đó nêu rõ, theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, việc sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ làm phương tiện thanh toán và cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Khuôn khổ pháp lý
Thực tế hiện nay xuất hiện nhiều loại tiền điện tử ảo và có sự nhầm lẫn về tiền điện tử ảo và dịch vụ trung gian thanh toán. Nhóm tiền ảo gồm LR và một số đồng tiền ảo khác, ví dụ đồng Bitcoin.
Các loại tiền ảo này mang đặc tính của một loại tiền ảo/tiền điện tử, không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào, tính ẩn danh cao, được các đối tượng sử dụng để trao đổi, mua bán trực tuyến trên mạng như một loại hàng hóa, dịch vụ, không liên quan trực tiếp đến các hoạt động của các ngân hàng.
Tiền ảo này được sử dụng như tiền thật để mua, bán hàng hóa trên mạng hoặc để chuyển tiền, không liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng.
Nhóm dịch vụ trung gian thanh toán gồm Paypal, Payza (PZ), Solid Trust Pay (STP), Perfect Money (PM) và WebMoney Transfer. Theo đó, Paypal về cơ bản là một cổng thanh toán trực tuyến cung ứng dịch vụ thanh toán cho các giao dịch mua bán hàng hóa trên mạng internet.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống này còn cung cấp dịch vụ chuyển tiền giữa các tài khoản với nhau thông qua tài khoản trung gian mở tại hệ thống Paypal, hỗ trợ việc đưa tiền từ hệ thống ngân hàng vào tài khoản Paypal để giao dịch trên mạng hoặc rút tiền từ tài khoản Paypal về tài khoản ngân hàng.
Để sử dụng dịch vụ của Paypal, khách hàng phải đăng ký mở tài khoản Paypal, tài khoản này được xác thực bằng một tài khoản thẻ ngân hàng. Tương tự, PZ, STP, PM… cũng hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến như Paypal….
Như vậy, nguồn tiền sử dụng trong các tài khoản Paypal, PZ, STP, PM và WebMoney Transfer để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua hệ thống này được nạp từ các tài khoản ngân hàng. Các hình thức thanh toán này là nhóm trung gian thanh toán do hoạt động thanh toán dựa trên những đồng tiền được phát hành và quản lý bởi ngân hàng trung ương các nước nên không thể xem như tiền ảo.
Do vậy, theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, để xác định việc các đối tượng như trong vụ án Vũ Văn Lăng mua bán tiền ảo có vi phạm pháp luật không và vi phạm như thế nào cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về tiền tệ - ngân hàng, quản lý ngoại hối, phòng, chống rửa tiền và các văn bản pháp luật khác liên quan đối với các hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế…
Theo Vụ Pháp chế (NHNN), Việt Nam hiện chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về khuôn khổ pháp lý cho “tiền ảo”. Riêng loại hình “ví điện tử” thì NHNN mới cho phép một số tổ chức, không phải là ngân hàng, được thực hiện phát hành và thanh toán thí điểm như là một trong các loại hình dịch vụ trung gian thanh toán được quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước.
Các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam không đề cập hay đưa ra định nghĩa “tiền ảo”, chỉ điều chỉnh một số hoạt động thanh toán điện tử, các dịch vụ thanh toán - trong đó có thanh toán thẻ ngân hàng và các dịch vụ trung gian thanh toán.
Hiện NHNN đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán làm cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý, phát hành và thanh toán “ví điện tử” của các tổ chức không phải là ngân hàng.